Xử lý nghiêm vi phạm về đất đai tại các xưởng chế biến gỗ
BẮC GIANG - Với hơn 15,7 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có khoảng 12,6 nghìn ha rừng trồng, huyện Yên Thế có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp chế biến gỗ. Tuy nhiên, do phát triển “nóng”, nhiều cơ sở không chấp hành quy định của pháp luật, xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm.
Nhiều vi phạm phát sinh
Xã Đồng Vương có 600 ha rừng sản xuất, trung bình mỗi năm, người dân trong xã khai thác hơn 100 ha, sản lượng gỗ khai thác khoảng 12 nghìn m3. Để tiêu thụ sản phẩm cho bà con, trên địa bàn xã có 3 xưởng chế biến, sản xuất gỗ bóc, ván ép đang hoạt động.
Sáng 4/7, xưởng sản xuất ván ép của ông Giáp Hùng Vỹ vẫn hoạt động bình thường. |
Tuy nhiên, 2/3 cơ sở không chấp hành quy định pháp luật về đất đai, tự ý xây dựng nhà xưởng khi chưa thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Cụ thể, từ cuối năm 2021, ông Nguyễn Văn Tuân, trú tại xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang) tự ý chuyển mục đích từ rừng sản xuất sang xây dựng nhà xưởng để làm ván ép tại thửa đất mang tên ông Hoàng Văn Thống ở bản Tràng Bắn, tổng diện tích vi phạm hơn 3,6 nghìn m2.
Khoảng 2 năm trước, ông Giáp Hùng Vỹ, trú tại thôn Đông Am Vàng, xã Việt Lập (Tân Yên) cũng tự ý mở rộng xưởng băm gỗ của mình tại bản Đồng Tân (xã Đồng Vương) khi chưa chuyển mục đích sử dụng đất. Trên diện tích đất vi phạm, ông Vỹ xây dựng xưởng chế biến lâm sản rộng 1,5 nghìn m2, sân bê tông rộng 700 m2.
Ông Phan Văn Chiều, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Vương cho biết: “Trước đây, hai cơ sở này có quy mô nhỏ, được xây dựng trên diện tích đất thổ cư nên không vi phạm. Trong quá trình hoạt động, chủ các cơ sở mở rộng quy mô, lấn sang phần diện tích đất rừng sản xuất. Hoạt động này diễn ra trong nhiều năm và không liên tục nên việc phát hiện, ngăn chặn không kịp thời, triệt để”.
Theo thống kê, toàn huyện Yên Thế có 213 cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, trong đó có 9 doanh nghiệp (DN), còn lại là hộ gia đình, cá nhân. Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 11/6/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường kiểm tra, thanh tra để xử lý các vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai, tháng 2/2024, tổ công tác của UBND huyện kiểm tra thực tế tại các cơ sở, DN chế biến gỗ trên địa bàn. Qua đó phát hiện, lập biên bản 9 cơ sở vi phạm. Đây đều những vi phạm phát sinh sau khi Chỉ thị số 19-CT/TU được ban hành.
Tại xã Tam Tiến, trong số 6 vi phạm phát sinh có 3 trường hợp xây dựng xưởng chế biến gỗ trên diện tích đất rừng sản xuất khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép gồm: Xưởng chế biến lâm sản của ông Bùi Việt Dương (SN 1982), bản Thị Cùng; xưởng sản xuất ván ép của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Tiến Thịnh Wood, bản Bãi Lát và xưởng sản xuất ván ép của Công ty TNHH Sản xuất, kinh doanh Bảo Minh Bắc Giang, bản Thị Cùng. Đây là những vi phạm diễn ra từ năm 2021 đến năm 2023; diện tích đất vi phạm từ 700 m2 đến hơn 2 nghìn m2.
Mới đây, sau khi xảy ra vụ tai nạn khiến một lao động tử vong tại Công ty TNHH Phương Đông Plywood, bản Đồn (xã Canh Nậu), cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra, xác định DN này xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp song chưa thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.
Tập trung xử lý
Thực tế, ngay sau khi phát hiện các vi phạm, Chủ tịch UBND huyện và Chủ tịch UBND các xã có vi phạm đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp; đồng thời yêu cầu chủ cơ sở dừng hoạt động, tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu của thửa đất. Yêu cầu là vậy song các cơ sở vẫn tiếp tục sản xuất. Ghi nhận của phóng viên sáng 4/7/2024, hai xưởng sản xuất ván ép ở xã Đồng Vương vẫn hoạt động bình thường với hàng chục lao động đang làm việc, máy móc vận hành hết công suất.
Lý giải về việc này, các chủ cơ sở cho rằng, do nguồn nguyên liệu đã nhập về còn nhiều, đơn hàng đã ký với đối tác nên nếu dừng sản xuất sẽ thiệt hại rất lớn về kinh tế, thậm chí phá sản. Tương tự, dù cơ quan chức năng đang trong quá trình điều tra, củng cố hồ sơ xử lý vi phạm sau vụ tai nạn lao động hồi đầu tháng 6 song Công ty TNHH Phương Đông Plywood vẫn duy trì hoạt động.
Sau khi phát hiện những trường hợp vi phạm Chỉ thị số 19-CT/TU, Chủ tịch UBND huyện đã ký quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, khiển trách đối với 4 cán bộ xã Tam Tiến, 2 cán bộ xã Xuân Lương. Liên quan đến những vi phạm tại xã Đồng Vương, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đang tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm. |
“Xã đã giao cán bộ địa chính giám sát việc chấp hành quyết định tạm dừng hoạt động của Công ty TNHH Phương Đông Plywood song tại một số thời điểm, việc giám sát chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục dẫn đến DN vẫn lén lút hoạt động”, ông Nguyễn Duy Thạch, Chủ tịch UBND xã Canh Nậu thừa nhận.
Mỗi năm, các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn huyện Yên Thế đưa vào chế biến khoảng 435 nghìn m3 gỗ các loại. Qua đó góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện. Thế nhưng tình trạng vi phạm tại các cơ sở này cho thấy công tác quản lý đất đai tại các xã, thị trấn trên địa bàn còn bị buông lỏng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện thông tin, sau khi phát hiện vi phạm Chỉ thị số 19-CT/TU, Chủ tịch UBND huyện đã ký quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, khiển trách đối với 4 cán bộ xã Tam Tiến, 2 cán bộ xã Xuân Lương. Liên quan đến những vi phạm tại xã Đồng Vương, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đang tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm.
“Quan điểm của huyện là xử lý nghiêm các vi phạm trên cơ sở giảm tối đa thiệt hại cho DN, người dân. Trường hợp nào phù hợp với quy hoạch sử dụng đất sẽ được hướng dẫn kê khai, hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đối với những cơ sở chế biến gỗ không phù hợp với quy hoạch sẽ phải khôi phục hiện trạng đất trước khi xảy ra vi phạm. Để tránh thiệt hại cho DN, người dân, việc tháo dỡ công trình vi phạm sẽ được thực hiện theo lộ trình”, ông Nguyễn Văn Tuyền cho biết.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)