Xoa dịu nỗi đau da cam
BẮC GIANG - May mắn được trở về sau chiến tranh nhưng nhiều cựu chiến binh lại mang trong mình di chứng chất độc hóa học. Không những bản thân mà thế hệ thứ hai, thứ ba của họ cũng bị ảnh hưởng. Nhằm xoa dịu nỗi đau da cam, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã thực thi nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ, góp phần thắp lên ngọn lửa niềm tin cho các nạn nhân và gia đình họ.
"Buồn cho mình thì ít, thương cho con thì nhiều"
Ngày 10/8/1961, máy bay của quân đội Mỹ đã rải chất độc da cam xuống nhiều vùng căn cứ cách mạng của tỉnh Kon Tum, đánh dấu cuộc chiến tranh khốc liệt bằng chất hóa học hủy diệt con người lần đầu tiên sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Do ảnh hưởng của thứ vũ khí giết người tàn độc này mà hàng nghìn cựu chiến binh phải chịu di chứng của chiến tranh, lấy đi sức khoẻ và cả tương lai của con của cháu họ. Nhiều người không thể nói, không thể cười, chỉ nằm bất động một chỗ với tiếng kêu vô vọng, để lại nỗi đau không thể diễn tả cho những người làm cha, làm mẹ.
Vợ chồng ông Quyết và người con gái bị ảnh hưởng chất độc da cam. |
Ở thôn Tĩnh Lộc, xã Nghĩa Trung, thị xã Việt Yên, ai cũng biết đến ông Nguyễn Văn Quyết (SN 1949) không chỉ vì ông là Trưởng thôn gần 20 năm (từ 1999 đến 2018) mà ông còn là một cựu chiến binh đầy tình thương và nghị lực sống. Ông Quyết xung phong đi bộ đội, có mặt ở chiến trường Tây Nguyên từ năm 1968. Ở đó, ông chiến đấu quên mình, không biết rằng mình và đồng đội đã phải hứng chịu nhiều trận mưa chất độc hóa học, chất khai quang của quân đội Mỹ rải xuống. Sau ngày đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp, ông vui mừng trở về quê hương cưới người vợ hiền Nguyễn Thị Đào - mối tình thanh mai trúc mã mà ông luôn mang theo suốt những năm chiến trường.
Từ năm 1961 đến năm 1971, Quân đội Mỹ rải xuống miền Nam Việt Nam khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có 60% là chất da cam, chứa 366 kg dioxin. Hậu quả là hơn 3 triệu ha rừng bị tàn phá nặng nề; 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc hóa học, khoảng 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam, trong đó có nhiều người thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng Việt Nam |
Cứ ngỡ mình lành lặn thì tạo hóa sẽ ban cho những đứa con bình thường như bao người khác. Nhưng không, chất độc hóa học đã ngấm vào cơ thể ông. Vợ chồng sinh được tất cả 5 người con nhưng 2 người bị di chứng từ ông. Con gái đầu là chị Nguyễn Thị Hiền (SN 1976) bị nặng nhất. Khi đi khám, xét nghiệm, kết luận chị bị ảnh hưởng chất độc da cam từ bố, thần kinh ở thể căng trương lực. Chị thường xông vào đánh người, khi không có ai để đánh thì tự đánh chính mình. Gần 50 tuổi, chị thường xuyên không ngủ được, suốt ngày la hét, đập phá.
Gia đình cho chị ở một phòng riêng biệt, buộc chân tay lại không thì chị cứ tự đấm thùm thụp vào mặt mình. Bao nhiêu năm qua, chị được bố mẹ chăm sóc như một đứa trẻ. Ăn uống phải bón, tắm giặt, vệ sinh cá nhân đều do bố mẹ giúp. Có lần lên cơn, chị Hiền đánh mẹ gãy cả răng rồi lại ôm mẹ khóc rưng rức. Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai và nhiều người thân khuyên ông bà gửi con đến bệnh viện tâm thần nhờ Nhà nước trông nom, chăm sóc nhưng bà Đào không nghe. “Gửi đến đó nó không có người thân chăm sóc, vỗ về, tủi lắm. Nó là con mình, dù có thế nào vợ chồng tôi cũng không bao giờ rời xa trừ khi chúng tôi chết đi” - bà Đào nghẹn ngào.
Người con trai út của vợ chồng ông Quyết là Nguyễn Văn Minh (SN 1985) cũng bị di chứng chất độc da cam nhưng thể nhẹ, bị khoèo ngón tay. Ngày anh Minh trưởng thành, xin phép bố mẹ cho lấy vợ, ông Quyết rất lo lắng. Thật may mắn, sau khi anh lấy vợ, 3 đứa con chào đời khỏe mạnh, học hành chăm chỉ. Vợ đẹp, con khôn, gia đình tương đối khá giả bởi anh Minh và vợ đều rất chịu khó. Mua được xe tải, hai vợ chồng anh buôn bán nông sản ở khắp vùng. Nhìn cuộc sống của người con út được như hôm nay, vợ chồng ông Quyết cũng thấy được an ủi phần nào.
Chất độc da cam cũng đã lấy đi sức khỏe của anh Nguyễn Huy Toản (SN 1975), thôn Thanh Giã 1, xã Tam Dị (Lục Nam). Cha anh - ông Nguyễn Huy Mà (SN 1946) chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. “Trận đánh ác liệt của mùa hè đỏ lửa 1972, tôi không chết là quá may mắn và hạnh phúc rồi” - ông Mà liên tục chớp mắt rồi nhìn ra ngoài sân nắng chang chang - nơi đứa con trai tật nguyền đang bò lê bò toài, miệng ú ớ. Nén tiếng thở dài, ông kể: “Tôi là bệnh binh, năm 1974 xuất ngũ, lấy vợ rồi sinh 3 người con. Con cả là Nguyễn Huy Toản bị nhiễm chất độc da cam từ tôi. Không có được hình hài như những người bình thường, sinh ra cả tay chân nó đã co quắp, không thể đi được, quanh năm ngày tháng lê lết với những vết sẹo chai sần, nói ngọng nói nghịu không ai hiểu nổi. Đôi chân quặt quẹo nên chưa từng đi ra khỏi cổng nhà. Được Nhà nước quan tâm mấy lần tặng xe lăn nhưng cũng không thể dùng được vì ngồi lên xe là ngã”.
Quan tâm chăm lo, hỗ trợ các nạn nhân
Ông Nguyễn Huy Mà chăm sóc người con trai bị ảnh hưởng chất độc da cam. |
Nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ. Điều khiến những cựu chiến binh không gục ngã chính là sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ T.Ư đến địa phương. Bên cạnh trợ cấp hằng tháng của Nhà nước, tỉnh Bắc Giang cũng rất quan tâm đến các nạn nhân. Đại tá Thân Văn Nhau, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bắc Giang thông tin: Chiến tranh đã lùi xa nhưng những nỗi đau dai dẳng của chiến tranh vẫn còn ám ảnh, đè nặng trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam. Nỗi đau thương, mất mát kéo dài đến cả thế hệ thứ hai, thứ ba và thậm chí nhiều thế hệ nữa.
Tại Bắc Giang, tổng số nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học là 7.161 người. Nạn nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng là 5.788 người (trong đó có 4.247 nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp, còn lại là thế hệ con, cháu của họ). 100% huyện, thị xã, TP và các xã, phường, thị trấn đều thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và có mạng lưới xuống tận 1.298 thôn, bản, tổ dân phố. Các cấp hội thường xuyên tư vấn, giúp đỡ những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học làm hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền xét giám định đủ điều kiện được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước, nhất là đối với thế hệ thứ ba, thứ tư. Vài chục ngôi nhà đã được xây mới dành tặng các gia đình có nạn nhân da cam. Quỹ nạn nhân chất độc da cam các cấp đạt hơn 5,5 tỷ đồng là nguồn hỗ trợ, giúp đỡ sẻ chia hiệu quả.
Đại diện lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trao quà cho gia đình ông Vũ Văn Cần (đứng giữa), tổ dân phố Đồn Lương, phường Bích Động (thị xã Việt Yên) có hai thế hệ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Ảnh Đỗ Quyên |
“Chiến tranh mà, mình vẫn còn được sống, được trở về, có vợ, có con, có gia đình là may mắn rồi. Những liệt sĩ, những đồng đội của tôi còn nhiều người hy sinh chưa tìm thấy hài cốt, gia đình, vợ con họ còn khổ tâm hơn rất nhiều”- ông Quyết giãi bày. Điều day dứt nhất của những gia đình có con bị di chứng của chất độc hóa học mà chúng tôi tiếp xúc, chuyện trò đó là tương lai của các con sau này. “Vợ chồng tôi rồi cũng sẽ già đi và chết, vậy lúc ấy ai nuôi nó? Vì thế, ngoài 70 tuổi, chúng tôi vẫn cố gắng làm 9 sào ruộng, nhận thầu hơn 1 mẫu ao để nuôi thả cá, nuôi lợn, tiết kiệm dành dụm chút tiền, sau này em nó có chỗ trông chờ, vợ chồng tôi “nhắm mắt xuôi tay” cũng yên lòng” - Ông Quyết ngậm ngùi.
Và còn nhiều, nhiều lắm những gia đình, những phận người ngày qua ngày sống trong nỗi đau của thể xác và tâm hồn. Giờ đây, trên khắp mọi miền đất nước, không ít gia đình với hai tấm thân già phải lo lắng, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ hằng ngày cho những đứa con mình dứt ruột sinh ra nhưng hình hài không lành lặn hoặc suốt ngày ngồi một chỗ với nụ cười vô cảm. Họ là minh chứng cho nỗi đau mà nhân dân Việt Nam đã phải gánh chịu trong chiến tranh.
Bài, ảnh: Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)