Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù “Hái lộc trời”
![]() |
Ảnh minh họa Internet. |
1. Tính cấp thiết của nội dung ý tưởng:
Thực hiện Nghị quyết số 44-NQ/TU ngày 30-3-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đang từng bước chuyển đổi từ nền sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp sang hướng phát triển dịch vụ du lịch (đã và đang xây dựng các khu vui chơi, giải trí, khôi phục các di tích văn hóa, lịch sử, các du lịch khu tâm linh, sinh thái ...). Do vậy, việc xây dựng các sản phẩm dịch vụ du lịch là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết để góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch tỉnh Bắc Giang.
Khu du lịch tâm linh Tây Yên Tử đã được tỉnh đầu tư xây dựng; lễ hội Tây Yên Tử sẽ được tổ chức hàng năm vào mùa xuân, sẽ thu hút đông đảo các du khách khắp nơi. Khu du lịch tâm linh Tây Yên Tử là một khu du lịch mới, các sản phẩm du lịch chưa có. Vấn đề đặt ra ở đây là phải xây dựng các sản phẩm dịch vụ du lịch trong vùng như thế nào để thu hút khách du lịch, phù hợp thực tế của địa phương, duy trì và phát triển sản phẩm bền vững, kế thừa được tính nhân văn của địa phương, ứng dụng được công nghệ tiên tiến, phù hợp xu thế phát triển chung của xã hội.
Để giải quyết vấn đề đó ta cần quan tâm 3 giải pháp sau:
- Thứ nhất: Thu hút được khách tham quan, hay nói cách khác tạo ra không gian có các dịch vụ về vui chơi, giải trí, nhưng trong đó phải có một số sản phẩm dịch vụ du lịch mang tính cá biệt.
- Thứ hai: Lựa chọn các loại hình sản phẩm dịch vụ cá biệt phải phù hợp với điều kiện thực tại của địa phương - tức là duy trì sản phẩm dịch vụ đó tồn tại, phát triển bền vững và bảo vệ được môi trường, ứng dụng được công nghệ tiên tiến, số hoá.
- Thứ ba: Lựa chọn các loại sản phẩm dịch vụ phát triển phù hợp với vùng nông thôn. Vì lực lượng lao động trong nông thôn hiện tại chiếm phần lớn trong thị phần xã hội hiện tại, sản phẩm dịch vụ trong nông thôn, trong tự nhiên sẽ mang tính độc đáo, khơi dậy thị hiếu khám phá, tò mò của du khách.
Hay nói một cách khác là phải xây dựng sản phẩm dịch vụ du lịch độc đáo “sản phẩm du lịch đặc thù”, có năng lực cạnh tranh, phát huy được thế mạnh của địa phương, duy trì bền vững, bảo vệ môi trường, ứng dụng được công nghệ, đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định tính đột phá.
Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử là khu rừng nguyên sinh còn nguyên các điều kiện môi trường mang tính tự nhiên, hoang dã. Người dân sống quanh vùng Khu bảo tồn chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người, hình thức lao động canh tác vẫn còn dựa vào thiên nhiên là chủ yếu. Đây sẽ phù hợp cho xây dựng sản phẩm dịch vụ du lịch sinh thái “Hái lộc trời”.
Sản phẩm dịch vụ du lịch sinh thái “Hái lộc trời” là một dịch vụ du lịch để du khách được tự tay tham gia nuôi trồng, quản lý, thu hái các sản vật trong môi trường thiên nhiên; hay nói cách khác là tạo ra sản phẩm phục vụ xã hội với hình thức “Săn, bắn, hái lượm” theo kiểu “người cổ đại” tại môi trường thiên nhiên trong thời hiện đại.
2. Nội dung ý tưởng:
Nuôi ong mật trong hang đá; nuôi kiến lấy trứng; trồng nấm “Linh Chi Chúa”; khôi phục các bạt nấm tự nhiên; chăm sóc, trồng các loại rau rừng; chăm sóc, trồng các loại cây thuốc trong rừng. Tất cả các sản phẩm trên đều là các đặc sản của địa phương được quản lý, chăm sóc, bảo vệ trong rừng nguyên sinh, tạo thành một chuỗi các sản phẩm dịch vụ du lịch sinh thái “Hái lộc trời” trong môi trường thiên nhiên. Ứng dụng công nghệ thông tin trong các công đoạn quản lý, chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch.
Tức là: Nuôi trồng, bảo vệ, chăm sóc các lâm sản, đặc sản trong thiên nhiên tạo thành chuỗi sản phẩm theo tuyến đường du lịch sinh thái. Tổ chức cho khách tham quan trải nghiệm, hoặc trực tiếp tham gia quá trình sản xuất, thu hoạch và bán sản phẩm tại trong rừng. Du khách được đặt hàng cho các sản phẩm với người làm dịch vụ hoặc tự tay tham gia chăm sóc, hoặc theo dõi các thành quả lao động trong môi trường thiên nhiên qua công nghệ thông tin.
3. Phương pháp triển khai thực hiện ý tưởng:
Xây dựng nhóm các hộ làm du lịch cộng đồng. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các hộ khoanh nuôi, bảo vệ các loại lâm sản ở trong rừng thành các tuyến đường tham quan như sau:
- Nuôi, bảo vệ, chăm sóc các tổ ong mật trong hang đá;
- Nuôi, bảo vệ, chăm sóc tổ kiến lấy trứng trên các ngọn cây;
- Trồng “nấm Linh Chi Chúa sơn lâm” trong rừng;
- Trồng, bảo vệ, chăm sóc, khôi phục các bạt nấm tự nhiên trong rừng;
- Trồng các loại: nấm hương, mộc nhĩ, nấm linh chi trong rừng;
- Trồng, bảo vệ, chăm sóc các loại rau, cây thuốc trong rừng;
- Tổ chức khách tham quan các sản phẩm lâm sản trong rừng;
- Du khách có thể cùng thu hoạch, mua các sản phẩm tại chỗ;
- Du khách có thể đặt hàng, theo dõi, chăm sóc sản phẩm qua mạng.
4. Tính khả thi, khả năng áp dụng và nhân rộng của ý tưởng
Một chuyên gia hàng đầu về cạnh tranh trên thế giới cho rằng “Cạnh tranh là khác biệt và chất lượng, trong đó khác biệt là quyết định”.
Dịch vụ du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tuy nhiên với tính khác biệt sản phẩm dịch vụ du lịch sinh thái “Hái lộc trời” ở chỗ là: Tính độc đáo của sản vật tại địa phương, sản phẩm sạch, tự nhiên, khách có thể đặt hàng, cùng theo dõi, chăm sóc, chính là yếu tố hấp dẫn quyết định lựa chọn của khách du lịch, cũng sẽ là yếu tố duy trì sản phẩm tồn tại và phát triển.
Mỗi một địa phương có thế mạnh, đặc sản, sản vật khác nhau tuỳ môi trường, tiểu vùng khí hậu của địa phương để xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái “Hái lộc trời” - hái lượm sản vật trong thiên nhiên cho phù hợp.
Tuy nhiên các sản vật trên, hiện tại đã có và đang tồn tại trong tự nhiên ở mỗi địa phương; do vậy ta chỉ cần tạo điều kiện thuận lợi về môi trường và khoanh nuôi, bảo vệ, chăm sóc phù hợp để cho các sản vật đó phát triển và bố trí thành chuỗi các sản vật khác nhau bên cạnh nhau, tạo lên tuyến du lịch.
Tuỳ theo các sản vật mà có yêu cầu về trình độ kỹ thuật chăm sóc, nuôi, trồng cao hay thấp, phù hợp với lao động nông thôn. Có thể làm theo một hộ hoặc liên kết nhóm hộ.
5. Dự kiến hiệu quả (về khoa học, về kinh tế và hiệu quả xã hội):
+ Tạo ra việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn; thu nhập từ bán sản phẩm cho khách du lịch; thu nhập từ các dịch vụ du lịch.
+ Bảo vệ môi trường: Để các sản vật phát triển tốt trong tự nhiên, bắt buộc người tham gia dịch vụ trên phải bảo vệ môi trường để nuôi trồng các sản phẩm, do đó tạo ra môi trường trong thiên nhiên hài hoà, phù hợp. Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn bộ người dân địa phương, trong cộng đồng.
+ Mang lại sự đoàn kết, nâng cao ý thức cộng đồng, cùng chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, sản vật nuôi trồng trong thiên nhiên.
+ Góp phần thúc đẩy ngành du lịch và nền kinh tế xã hội phát triển.
Sản phẩm du lịch sinh thái “Hái lộc trời” là sản phẩm đặc thù, có những đặc tính độc đáo, duy nhất, nguyên bản và đại diện về tài nguyên du lịch (tự nhiên và nhân văn) cho mỗi lãnh thổ, điểm đến du lịch với những dịch vụ không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu, mong đợi của du khách mà còn tạo được ấn tượng bởi tính độc đáo và sáng tạo của người dân địa phương.
Người đề xuất ý tưởng: Thân Duy Chi
Ý kiến bạn đọc (0)