Phao tập bơi quốc trọng
Thứ 6: 07:29 ngày 14/07/2017
(BGĐT) - Để khắc phục khó khăn trong việc dạy bơi cho trẻ em ở vùng cao, ông Nông Văn Sơn, xã An lập (Sơn Động) đã đề xuất sáng kiến “Phao tập bơi quốc trọng”.
1. Tính cấp thiết của ý tưởng
Bơi là hoạt động con người có thể nổi trên mặt nước, di chuyển trên mặt nước mà không bị chìm và ảnh hưởng đến hơi thở của con người.
Để biết bơi và di chuyển được dưới nước làm mọi hoạt động mà mình muốn là việc mỗi con người đều trải qua học tập và rèn luyện, việc này khó đối với những người sợ nước, không có điều kiện tiếp cận các bể bơi và có người dạy bơi, đặc biệt là ở các vùng nông thôn địa hình sông, suối, ao hồ lồi lõm không thuận tiện cho việc học bơi.
Theo số liệu tổng hợp, chỉ từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn huyện Sơn động đã xảy ra 12 vụ đuối nước. Cụ thể, năm 2014 là 5 vụ, 2015 là 3 vụ, 2016 là 4 vụ, chủ yếu là do các em chưa biết bơi. Khi đi học, đi chơi lội qua suối bị trượt chân ngã, đuối nước và do đi tắm ở những vùng nước có mặt đất lồi lõm…
Qua khảo sát, trẻ từ 6-15 tuổi tại xã An Lập, huyện sơn Động thì tỷ lệ trẻ biết bơi đạt khoảng 33 - 35%.
Số trẻ biết bơi chủ yếu là do nhà gần sông, suối, bố mẹ hay tắm sông, suối cho trẻ đi cùng và dạy bơi, số khác học từ bạn khi đi tắm tại sông, suối (việc này rất nguy hiểm vì trẻ tự dạy nhau, người dạy chưa có kinh nghiệm và sức khỏe để cứu đuối khi gặp sự cố). Vì vậy, việc có một chiếc phao phù hợp để học bơi và tắm sông, suối ao hồ, độ bảo vệ an toàn cho trẻ sẽ tốt hơn và số trẻ có cơ hội học bơi và biết bơi sẽ cao, góp phần làm tăng tỷ lệ trẻ biết bơi, giúp công tác dạy bơi ở các vùng nông thôn thuận lợi hơn, các trẻ tự dạy nhau bơi có phần an toàn hơn, các ông bố bà mẹ chưa có nhiều kỹ năng dạy bơi cũng có thể tự dạy được cho con mình biết bơi góp phần làm giảm các tai nạn đuối nước đáng tiếc xảy ra.
2. Nội dung ý tưởng:
Xuất phát từ việc quản lý con trẻ khi nhà gần sông, suối mà chúng lại chưa biết bơi là điều hết sức khó khăn trong mùa hè oi bức. Vì vậy tôi nghĩ phải nhanh chóng dạy cho chúng biết bơi để an tâm khi chúng trốn bố mẹ đi tắm sông, nên tôi đã bỏ ra ít thời gian vào buổi chiều để cùng đi tắm với chúng và dạy chúng học bơi.
Dạy bọn trẻ tập bơi ở tại các điểm khe, suối do lòng suối không phẳng, lồi lõm, có nước chảy nên hướng dẫn rất khó, việc kiểm soát quân số phải liên tục vì chúng không biết bơi mà lại không có phao hỗ trợ tự nổi, nên không cẩn thận chúng lại trôi cách ta một đoạn. Mặt đất lại không bằng phẳng nên rất sợ khi chúng sa vào chỗ sâu.
Vì vậy, tôi đã nghĩ ra việc đeo một cái vỏ can đựng nước vào lưng trẻ để hỗ trợ việc tự nổi và an toàn khi trẻ tập bơi. Sau khi cho đeo can có hiệu quả tôi đã nghĩ đến các miếng xốp bỏ đi tại nhà, Tôi tìm loại xốp cứng và cân độ nổi nước sao cho phù hợp với cân nặng của trẻ, dùng sợi dây dù bẹt 3,2 cm cộng khóa mũ bảo hiểm, làm xong cho chúng thử thấy có hiệu quả như lần trước, nhưng khi chúng đùa nhau lại làm vỡ, hỏng phao, tôi nghĩ đến việc dùng vải không thấm nước bọc các tấm xốp lại để tránh bị hỏng nhưng không thành, vì công làm khó và phải cộng thêm chi phí nên tìm đến tấm nhựa Eva, vật liệu này dai, bền, độ nổi nước cao, độ thấm nước chậm tỷ lệ thấm nước ít nên tôi đã chọn và làm thử cho chúng dùng thấy có hiệu quả tốt hơn vật liệu bằng xốp.
Sau khi dùng vật liệu Eva thấy to (kích cỡ.21 x 32 x 05cm) không cho được vào cặp sách khó đem theo khi chúng đi chơi, nên tôi đã xem đến vật liệu cao su (như quả bóng chuyền hơi) nhưng được thiết kế hình như mai con rùa, có van bơm hơi hoặc (tự thổi) để chắp sau lưng trẻ, vật liệu này có giá thành cao tương đương một quả bóng hơi và cần đặt nhà sản xuất để sản xuất hàng loạt, tôi nghĩ đây là sản phẩm phù hợp.
Xốp dễ kiếm, giá thành rẻ nhưng dễ vỡ không an toàn; nhựa Eva dai bền và an toàn hơn khi trẻ đùa nghịch nhưng lại to và cồng kềnh; cao su dễ sử dụng có thể bơm hơi (thổi hơi) vừa mức độ nổi nước với trọng lượng cơ thể, khi xong tháo hơi cho vào cặp sách, cốp xe, túi, gọn nhẹ và đem theo bất cứ khi nào chúng thích, nhưng lại có nhược điểm là bị thủng và không khí lọt ra ngoài khi gặp vật sắc nhọn.
Hiệu quả:
Ưu điểm: Sau khi thử thấy phao hỗ trợ trẻ tự nổi rất tốt, nhiệm vụ còn lại là trẻ thực hiện các động tác tập lướt nước cho đến khi tự nổi được thì tháo hơi dần cho đến khi tự nổi thì thôi.
Phao khi đeo vào người không bị vướng, nóng, vì phao bơi chỉ có ở phía sau phía trước là 03 dây bảo hiểm, phao nhẹ, không thấm nước, đeo chặt vừa với cơ thể vì có khóa điều chỉnh.
Phao dễ làm độ an toàn cao, giá thành rẻ có giá khoảng dưới 100 nghìn đồng, phù hợp với trẻ khi tập bơi và tắm ở điều kiện đất miền núi, nông thôn, không có khả năng tiếp cận bể bơi, mà mặt đất không bằng phẳng.
Nhược điểm: Có thể có người bị dị ứng khi người tiếp xúc trực tiếp da với vật liệu cao su và nhựa Eva.
3. Phương pháp triển khai thực hiện ý tưởng:
Bước 1: Hoàn thiện sản phẩm mẫu bằng vật liệu nhựa Eva với thiết kế hình trụ rộng 21cm, dài 32cm, dầy 5cm, có độ nổi nước 3kg. Có 3 lỗ cách rìa là 2cm về phía dưới là 4/5 để xỏ 3 dây sợi dù bẹt 3,2cm, sau đó dùng máy khâu máy chắc các sợi dây này lại và nối hai sợi có hai đầu khóa để khóa ở trước bụng và ngực, máy 02 dây nhỏ 1.5 ở phía sau phao, nối với dây dù 3,2 quàng qua vai và lồng vào dây trên cùng để khi trẻ đeo phao không bị trễ xuống khi lên cạn (đeo phao như đeo ba lô), phao này áp dụng cho trẻ có cân nặng từ 20-30kg.
Vật liệu cao su bóng hơi (như quả bóng chuyền hơi) cải tiến hình con rùa có 3 rãnh và đai giữ dây, van bơm hơi ở phía dưới, có 3 dây vải sợi dù màu cam, bản rộng 3,2 cm có khóa điều chỉnh, phao có các rãnh để giữ dây, có khóa an toàn đeo thắt vào bụng và ngực, có 2 dây sợi dù bản 1.5cm đeo trên vai để không bị trễ xuống khi trẻ lên cạn (tương tự như ở trên).
Bước 2: Tổ chức cho các cháu thử bơi để đánh giá và hoàn thiện sản phẩm hơn cũng như tham khảo màu sắc cho phù hợp với trẻ.
Phương pháp là cho trẻ đeo phao, hướng dẫn kỹ thuật và dạy các động tác lướt nước, khởi động, quay tay, tự nổi, sau đó cho trẻ làm quen từ từ với nước và cho tập bơi.
Bước 3: Đặt tên cho sản phẩm (Phao tập bơi quốc trọng).
Bước 4: Gửi sở khoa học và công nghệ xác định tính nguyên lý kỹ thuật và công nhận sáng kiến sản phẩm, cấp phép sản xuất.
Bước 5: Tổ chức sản xuất phân phối ra thị trường.
Tổ chức vận động các nhà tài trợ, hỗ trợ khoảng 50% cho loạt sản phẩm đầu tiên, cung cấp cho một đơn vị trường THCS tổ chức dạy bơi một lớp cho các em học sinh để quảng bá tính hiệu quả của sản phẩm.
Trên là hai loại phao vật liệu Eva loại 02 dây cho trẻ em, loại 03 dây cho người lớn.
4. Tính khả thi, khả năng áp dụng và nhân rộng của ý tưởng
Cũng như các nội dung đã nêu ở trên và kết quả đã đưa vào sử dụng thử nên tôi tự nhận thấy sản phẩm này có tính khả thi cao khi áp dụng vào cộng đồng các vùng sâu, vùng nông thôn địa hình sông, suối phức tạp và các trẻ em bố mẹ có thu nhập thấp, trẻ em nghèo không có điều kiện tiếp cận các bể bơi công cộng để tập bơi.
Đây là điều kiện tốt để hỗ trợ cho việc dạy học bơi và người sợ nước tập bơi ở các vùng nước không an toàn như ao hồ, sông suối vùng núi và nông thôn.
Có thể áp dụng cho chương trình hỗ trợ dạy bơi cho học sinh THCS trên diện rộng ở các vùng nông thôn, miền núi, khó có điều kiện xây dựng và tiếp cận bể bơi công cộng.
Giá thành cho một chiếc phao nếu là vật liệu Eva có giá thấp hơn 80 nghìn đồng. Giá cho sản phẩm vật liệu cao su có giá dưới 100 nghìn đồng vì là vật liệu cao su rất nhỏ, gọn, nhẹ có thể để trong cặp sách trẻ em một cách dễ dàng hơn vật liệu khác (bằng một quả bóng chuyền hơi).
5. Dự kiến hiệu quả của ý tưởng khi triển khai
Về khoa học: Tôi đã tiến hành nghiên cứu 2 năm và đã chỉnh sửa với các loại vật liệu can nhựa, xốp, nhựa Eva, tiếp đến là cao su, sản phẩm xốp và nhựa Eva đã hoàn thành sản phẩm mẫu vào cho dùng thử đạt kết quả cao.
Cấu tạo của sản phẩm dựa trên nguyên lý có độ nổi nước lớn hơn trọng lượng phần đầu của người tập bơi (kéo nổi phần đầu của người bơi). Đồng thời tôi đã đến Sở Khoa học công nghệ tỉnh đề nghị được hướng dẫn làm các thủ tục kiểm tra tính khoa học, đăng ký chất lượng sản phẩm, công nhận sáng kiến theo quy định hiện hành.
Về kinh tế: Sản phẩm này dễ làm, giá thành rẻ, vật liệu cũng đơn giản nên cho thấy hiệu quả kinh tế cao, khi triển khai sản xuất sẽ tạo ra việc làm cho khoảng 20 lao động / xưởng sản xuất quy mô nhỏ và cho thu nhập khoảng từ 5-7 triệu đồng/ tháng.
Về hiệu quả xã hội: Giúp các em nhỏ, người chưa biết bơi, người sợ nước tiếp cận nhanh với nước, hỗ trợ tự nổi trên mặt nước, từ đó học các động tác lướt nước nhanh hơn, An toàn khi dạy bơi nhất là ở các hồ đập, khe suối, đem lại sự an toàn và hiệu quả khi dạy và tập bơi và đơn giản khi các em có thể tự làm cho mình chiếc phao để tập bơi.
(Chỉ cần có những tấm xốp bỏ đi và dây đeo cặp có người hướng dẫn hoặc qua mô tả ở trên, các trẻ em cấp II có thể tự làm được phao cho mình tập bơi).
Hình 1.
Hình 2.
Hình 3.
Ý kiến bạn đọc (0)