Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam Lục Ngạn: Nền tảng phát triển nông sản đặc thù và bền vững
BẮC GIANG - Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp không chỉ giúp bảo vệ thương hiệu mà còn là công cụ hiệu quả nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt. Cam Lục Ngạn là một trong những sản phẩm chủ lực của "thủ phủ cây ăn trái miền Bắc" vừa chính thức được cấp giấy Chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Từ đây mở ra hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp bền vững tại Bắc Giang.
Cam Lục Ngạn – Lợi thế cần được khẳng định bằng chất lượng
Cam Lục Ngạn là một trong những cây ăn quả chủ lực của huyện (đứng thứ 2 sau vải thiều), có thời điểm đạt trên 4.100 ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Trong bối cảnh diện tích cam cả nước tăng nhanh (trung bình 12%/năm về diện tích, hơn 10% về sản lượng), hiện tượng cung vượt cầu và rớt giá là điều khó tránh khỏi. Do đó, định vị lại sản phẩm theo hướng chất lượng đặc thù là chiến lược cần thiết để cam Lục Ngạn cạnh tranh với sản phẩm nội địa và nhập khẩu.
![]() |
Dấu mốc quan trọng từ một đề tài khoa học công nghệ
Xuất phát từ yêu cầu cấp thiết nêu trên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp đã chủ trì thực hiện đề tài khoa học và công nghệ “Xây dựng, phát triển chỉ dẫn địa lý ‘Lục Ngạn’ dùng cho sản phẩm cam của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang” theo Quyết định số 581/QĐ-UBND ngày 07/6/2021 của UBND tỉnh Bắc Giang.
Sau gần 4 năm triển khai, nhóm thực hiện đã hoàn thành các nội dung quan trọng:
. Khảo sát thực trạng sản xuất kinh doanh cam Lục Ngạn;
. Thu thập tài liệu về danh tiếng, lịch sử sản phẩm;
. Đánh giá điều kiện pháp lý và khả năng bảo hộ chỉ dẫn địa lý;
. Phân tích đặc tính cảm quan và lý hóa của cam Lục Ngạn (ngọt, hàm lượng đường tổng số cao), so sánh với cam Cao Phong (Hòa Bình), cam Hà Giang;
. Xác định điều kiện tự nhiên – kỹ thuật tạo nên chất lượng đặc thù;
. Xây dựng quy trình sản xuất và công cụ quản lý chỉ dẫn địa lý;
. Đăng ký bảo hộ mẫu nhãn hiệu (logo), hoàn thiện phần mềm quản lý chỉ dẫn địa lý, cấp quyền sử dụng cho 6 chủ thể kinh tế tiêu biểu;
. Vận hành thử nghiệm, đào tạo sử dụng, in ấn hệ thống nhận diện cho các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
Chính thức được bảo hộ, mở ra nhiều kỳ vọng
Ngày 2/4/2025, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ban hành Quyết định số 252/QĐ-SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Lục Ngạn” cho các sản phẩm cam đặc sản của huyện Lục Ngạn và thị xã Chũ, tỉnh Bắc Giang gồm: Cam lòng vàng, cam ngọt và cam V2.
Việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý không chỉ khẳng định uy tín và chất lượng sản phẩm cam Lục Ngạn trên thị trường, mà còn là "tấm hộ chiếu thương mại" giúp sản phẩm vươn xa hơn ở các thị trường trong và ngoài nước. Đây cũng là cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh vùng đất Lục Ngạn – Bắc Giang, thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp và gia tăng thu nhập cho người trồng cam.
Hướng tới phát triển bền vững
Cam Lục Ngạn sẽ không chỉ dừng lại ở việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Thách thức lớn hơn là duy trì, giám sát và bảo vệ chất lượng sản phẩm gắn với vùng trồng, truy xuất nguồn gốc minh bạch và xây dựng thương hiệu bền vững. Sự đồng hành của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân là điều kiện tiên quyết để chỉ dẫn địa lý thực sự phát huy hiệu quả.
Đến nay, cam Lục Ngạn đã có “tấm vé vàng” để chinh phục thị trường. Điều cần thiết tiếp theo là một chiến lược bài bản để bảo tồn chất lượng, mở rộng thị trường và khai thác tối đa giá trị gia tăng từ nông sản đặc thù địa phương.
Ý kiến bạn đọc (0)