Việt Yên: Nông thôn mới, sức sống mới
Chọn việc ưu tiên làm trước
6 năm trước, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, BTV Huyện ủy Việt Yên ban hành Nghị quyết số 178-NQ/HU trong đó có mục tiêu phấn đấu đạt huyện chuẩn NTM vào năm 2020.
Phó Bí thư Chi bộ thôn Râm, xã Tự Lạn Nguyễn Văn Huân quan tâm chỉ đạo xây dựng nhà văn hóa thôn. |
Để đạt mục tiêu này, cả hệ thống chính trị ở huyện khẩn trương vào cuộc, phát động thành phong trào thi đua. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời ban hành các nghị quyết, quyết định, chuyên đề, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, lựa chọn việc ưu tiên làm trước.
Xã Minh Đức có số dân đông nhất huyện (hơn 13.000 người), 17 thôn trong đó 4 thôn công giáo, cũng là 1 trong 3 xã thuộc nhóm về đích cuối cùng (tháng 5-2018). Xây dựng NTM, Minh Đức xác định khó khăn nhất là tiêu chí môi trường. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Đức Tiến nhớ lại hơn một năm trước, khi tham dự hội nghị trực tuyến của tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đích danh, phê bình xã về vấn đề này. Ngay sau đó, Đảng ủy xã tổ chức cuộc họp đột xuất, ra Nghị quyết chuyên đề về môi trường, triển khai ngay đến các chi bộ.
Một hội thi “Tìm hiểu về Luật Bảo vệ môi trường” do MTTQ xã chủ trì diễn ra sôi nổi. Hiệu ứng từ hội thi đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức, ý thức và hành động của người dân. Các thôn đều thành lập tổ vệ sinh môi trường. Người dân đã có ý thức đổ rác đúng nơi quy định; không vứt rác, gia súc, gia cầm chết xuống sông chảy qua địa bàn xã như trước. Cơ bản xong tiêu chí môi trường, xã thực hiện lần lượt các tiêu chí khác. Tạo đà cho việc làm đường là chính sách hỗ trợ xi măng của tỉnh, huyện, hàng chục km đường đất đã được mở rộng, đổ bê tông láng mịn. Vui nhất là bà con lương- giáo đoàn kết, đồng thuận cùng hiến đất, tiền, công sức… đóng góp cho phong trào NTM.
Tại xã Tự Lạn, mặc dù đã đạt 15/19 tiêu chí nhưng những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền vẫn thấy lo lắng, bởi 4 tiêu chí còn lại đều là những tiêu chí khó, cần nhiều nguồn lực và nỗ lực quyết tâm cao mới hoàn thành đúng kế hoạch. Đến bây giờ, khi đã được công nhận đạt chuẩn, điểm lại 38 công trình lớn nhỏ làm xong trong hai năm, ngẫm lại ông Bùi Văn Thiềm, Bí thư Đảng ủy xã vẫn thấy toát mồ hôi bởi khối lượng công việc khổng lồ. Ông kể: Việc nào cũng cần thiết, cũng cần làm ngay. Chọn việc nào đây? Sau bao cuộc họp bàn, Đảng ủy xã quyết định ưu tiên tiêu chí làm đường liên thôn dẫn vào trường tiểu học để trẻ em đi lại dễ dàng, hạn chế đi trên quốc lộ 37 nhằm bảo đảm an toàn giao thông. Chủ trương đưa ra được người dân ủng hộ. Nhất trí rồi nhưng còn đóng góp thế nào, đường to nhỏ ra sao, thuyết phục nhân dân hiến đất, cắt vườn, phá tường bằng cách nào… lại phải bàn nhiều lần mới thành. Mưa dầm thấm lâu, lần lượt từng tiêu chí hoàn thành. Ngày 25-7-2017, Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã Tự Lạn đạt chuẩn NTM.
Với vị trí “nhất cận thị, nhị cận giang”, xã Bích Sơn có xuất phát điểm cũng như nguồn lực để xây dựng NTM tốt hơn so với một số địa phương khác. Năm 2014, Bích Sơn là xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn. Xác định “Giàu có đến đâu mà bất ổn, ăn không ngon, ngủ không yên thì cuộc sống cũng không có ý nghĩa”, Đảng ủy xã coi an ninh trật tự là tiêu chí cần phải tập trung chỉ đạo thường xuyên. Địa phương tổ chức tuyên truyền đến từng hộ dân về tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội, đặc biệt là thủ đoạn cho vay nặng lãi dẫn đến đòi nợ theo kiểu xã hội đen; kiện toàn lại đội ngũ công an viên; phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Cấp ủy viên bám thôn, đảng viên bám tổ đoàn kết
Xây dựng NTM là quyết sách đúng đắn, mang tầm vĩ mô, nhưng đến được với dân, được dân ủng hộ và tổ chức thực hiện thành công ở cơ sở hay không phụ thuộc rất nhiều vào tư duy của lãnh đạo địa phương và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên Lê Ô Pích chia sẻ: Thuyết phục người dân không gì bằng chính cán bộ làm gương. Cán bộ, đảng viên có nhiệt tình, lăn lộn với phong trào, tiên phong, gương mẫu thì mới vận động được nhân dân làm theo. Để làm được điều đó, Thường vụ Huyện ủy phân công huyện ủy viên phụ trách xã; Đảng ủy các xã phân công Đảng ủy viên phụ trách, tỏa về các chi bộ. Tại mỗi thôn, đảng viên được phân công nhiệm vụ, đảm nhiệm từng việc cụ thể theo phương châm: “Cấp ủy viên bám thôn, đảng viên bám tổ đoàn kết”.
Tìm hiểu ở xã Tự Lạn, vào những giai đoạn cao điểm, 13 đồng chí đảng ủy viên bám sát từng chi bộ, báo cáo tiến độ hằng ngày, thường xuyên hội ý trao đổi trực tiếp và qua điện thoại để kịp thời nắm bắt, giải quyết vướng mắc ngay từ cụm dân cư. Ở xã Hương Mai, những đảng viên cao tuổi, có uy tín luôn gương mẫu trong các phong trào. Tại xã Bích Sơn, noi gương các cụ cao tuổi, con cháu tự giác quét rác, dọn vệ sinh môi trường.
Ở tuổi 59, bà Trần Thị Cảnh, Bí thư Chi bộ thôn Rèn, xã Minh Đức vẫn miệt mài làm kinh tế, tích cực tham gia công tác xã hội. Kết nạp Đảng ở tuổi 42, từng 26 năm gắn bó với công tác phụ nữ, nhiều năm làm trưởng thôn, bà tâm sự: “Bây giờ tuổi cũng nhiều, tôi muốn nghỉ ngơi nhưng người dân vẫn tín nhiệm. Mà dân đã tín nhiệm thì mình phải cố gắng làm”. Là Bí thư Chi bộ ở một thôn có 553 nhân khẩu, trong đó có đến 2/3 là đồng bào công giáo, 6 đảng viên, đi vận động thuyết phục bà con công- giáo đồng thuận xây dựng NTM đâu phải một lần mà được. “Để dân tin, tôi phải làm gương trước đã”- bà Cảnh vừa nói vừa dẫn tôi ra cánh đồng trồng ổi của gia đình: “Khu đồng này trũng, xấu nhất làng, mãi chả có ai nhận. 6 năm trước, tôi xung phong nhận, cặm cụi đổ đất, tân cao trồng 400 cây ổi, hai năm sau cho thu hoạch mỗi cây 1 tạ quả, ngày nào cũng có ổi bán. Bà con nhìn vào xuýt xoa. Mấy sào dưa hấu xung quanh đây cũng vậy, tôi cũng là người tiên phong trồng, thu nhập gấp 5-7 lần cấy lúa. Cứ lấy ví dụ từ mình, tôi vận động bà con chuyển đổi trồng cây cho giá trị kinh tế cao. Được bà con nghe và làm theo, tôi vui lắm”.
Là Phó Bí thư Chi bộ thôn Râm, xã Tự Lạn, ông Nguyễn Văn Huân nhớ lại khi triển khai việc dồn điền đổi thửa của thôn. Ban đầu chỉ có 65/234 hộ đồng ý, đi tuyên truyền bà con nói: “Ối dào, đang quen với việc canh tác như vậy, giũ ra làm gì cho mất việc, tốn thời gian, mệt người”. Chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian đến từng hộ vận động. Khi đã đồng thuận, Chi bộ, Ban lãnh đạo thôn đau đầu lo phân chia ruộng thế nào để khi nhận người dân không so bì, tị nạnh với chỗ không tiện đường, xa kênh mương hay chân ruộng xấu… Vì vậy, gia đình các cán bộ, đảng viên xung phong làm gương, nhận những thửa ruộng “xương xẩu”. 110 ha ruộng canh tác trước kia mỗi hộ có từ 9-11 thửa nay còn 1-2 thửa, mỗi thửa 3-4 sào. Sau dồn đổi ruộng, đường nội đồng cũng được mở rộng, mương máng được cứng hóa, thuận đưa máy móc vào sản xuất, hiệu quả cao hơn hẳn. Thôn đang xây dựng một quần thể nhà văn hóa, khu vui chơi thể thao rộng hàng chục nghìn m2.
Nhịp sống mới
Tháng 5 vừa qua, toàn huyện Việt Yên có 17/17 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn; 9/9 tiêu chí huyện NTM theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng đã hoàn thành, sớm hơn 2 năm so với Nghị quyết đề ra. Bộ mặt nông thôn của huyện có nhiều thay đổi, đạt mục tiêu: “Kinh tế phát triển, đời sống ấm no, thôn xóm văn minh, an ninh ổn định, quản lý dân chủ”. Toàn bộ hệ thống đường xã, liên xã được cứng hóa; không còn đường thôn xóm lầy lội vào mùa mưa. Hệ thống thủy lợi bảo đảm phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai. 100% số xã có nhà văn hóa đa năng, khu thể thao. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 36 triệu đồng/năm, tăng 2,3 lần so với trước khi xây dựng NTM. Hộ nghèo còn hơn 4,2%. Cảnh quan, môi trường được quan tâm. Đời sống văn hóa tinh thần được chú trọng, nâng cao. An ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm...
Mỗi thôn, xóm ở Việt Yên hôm nay đâu đâu cũng khởi sắc. Người dân không chỉ đồng thuận đóng góp 212,4 tỷ đồng xây dựng các công trình thiết yếu mà còn biết phát triển kinh tế, giữ tình làng nghĩa xóm, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương. NTM, nhịp sống mới đang hiện diện trên vùng đất Việt Yên anh hùng.
Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)