Việt Nam và những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại qua truyền thông Mỹ
Việt Nam trước năm 1945
Với tựa đề "The many Vietnam wars" (Tạm dịch: Các cuộc chiến tranh tại Việt Nam), nhà báo Matthew Gaskill đã mang đến cho bạn đọc bức tranh lịch sử toàn cảnh về đất nước Việt Nam, quốc gia mà theo tác giả, phải hứng chịu nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc. Bài viết phác họa những cuộc chiến từng xảy ra trong hàng nghìn năm qua của quốc gia “thuần nông và nhỏ bé” ở châu Á này.
Mít-tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội, ngày 19-8-1945. Ảnh tư liệu |
Mở đầu bài báo, Matthew Gaskill viết: “Kể từ khi kết thúc những gì người phương Tây gọi là Chiến tranh Việt Nam năm 1975 và cuộc xâm lược biên giới chớp nhoáng của Trung Quốc cuối thập niên 70 thế kỷ trước, Việt Nam chính thức bước vào kỷ nguyên hòa bình. Đáng chú ý, Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ tốt đẹp cả với Hoa Kỳ và phương Tây, kinh tế phát triển nhanh và ổn định trong vòng 25 năm trở lại đây. Đối với một quốc gia trải qua nhiều cuộc chiến và bị chiếm đóng bởi ngoại bang trong nhiều thế kỷ thì sự thay đổi của Việt Nam trong vòng 1/4 thế kỷ gần đây được xem là đáng kinh ngạc và trân trọng”.
Trong vòng một nghìn năm, từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, Việt Nam đã bị đô hộ bởi phương Bắc và đến năm 938, khi Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng và giành được độc lập cho dân tộc Việt Nam. Từ đây, chế độ phong kiến Việt Nam phát triển mạnh cùng với công cuộc mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam. Tới giữa thế kỷ 19, Việt Nam tiếp tục bị thực dân Pháp đô hộ và sáp nhập cùng Lào, Campuchia tạo thành Liên bang Đông Dương thuộc Pháp.
Trong vài thế kỷ tiếp theo, Việt Nam được hình thành, điều này không có nghĩa, chiến tranh chấm dứt, mà người Trung Quốc liên tục gây hấn. Đến giữa thế kỷ 19, người Pháp bắt đầu tiến hành hàng loạt cuộc xâm lược nhằm kiểm soát Đông Dương và cái tên "Đông Dương thuộc Pháp" được ra đời năm 1882 để nói về khu vực trong đó có Việt Nam. Sự cai trị của người Pháp khiến đại đa số người Việt Nam lầm than, thuế khóa nặng nề mặc dù nền văn minh Pháp được tuyên truyền mạnh mẽ.
Trong thập niên cuối cùng của thế kỷ 19 và một lần nữa trong thập niên 30 của thế kỷ 20, những cuộc nổi dậy chống lại sự cai trị của Pháp đã bùng nổ. Những năm 1920 và 1930, phong trào cộng sản bắt đầu xuất hiện, tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời năm 1930, một phân bộ của Quốc tế Cộng sản đi theo chủ nghĩa Marx - Engels - Lenin, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay .
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam là ông Nguyễn Ái Quốc hay Hồ Chí Minh. Năm 1941, Việt Minh (Việt Nam độc lập đồng minh hội) đã bắt đầu một cuộc nổi dậy chống lại người Pháp ở phía bắc. Cũng trong năm 1941, người Nhật đã lợi dụng việc Đức đánh bại Pháp để xâm lược Đông Dương thuộc Pháp và nắm quyền kiểm soát châu Á. Năm 1945, khi cuộc chiến chống Nhật kết thúc, người Việt Nam mong đợi hai điều. Thứ nhất, binh sĩ Nhật Bản rời khỏi Việt Nam và thứ hai, người Pháp cùng đồng minh là Anh và Mỹ sẽ trao quyền độc lập thực sự cho Việt Nam.
Ngày 16-8, Quốc dân Đại hội do Tổng bộ Việt Minh triệu tập họp ở Tân Trào đã ra chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", ban hành Lệnh tổng khởi nghĩa, quyết định quốc kỳ, quốc ca, cử ra Ủy ban giải phóng dân tộc tức là Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngày 2-9 -1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời của Việt Minh, khai sinh nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tại miền Nam, Việt Minh cũng lãnh đạo Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ.
Việt Nam giai đoạn 1945-1975
Từ tháng 9-1945, chính quyền cách mạng ở Việt Nam được thành lập trên toàn quốc nhưng phải đối mặt trước nạn đói, giặc dốt và nguy hiểm nhất là giặc ngoại xâm. Trước tình hình trên, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra những chính sách mềm dẻo, khôn khéo để đưa đất nước vượt qua thử thách hiểm nghèo và củng cố thành quả Cách mạng Tháng Tám. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt chính phủ ký Hiệp định sơ bộ vào ngày 14-9-1946, tạm ước đồng ý để quân Pháp ra Bắc thay thế quân Tưởng rút về nước nhằm tránh chiến tranh. Nhưng thực tế người Pháp đã vi phạm hiệp định, tấn công nhiều tỉnh ở miền Bắc và ra tối hậu thư đòi tước vũ khí tự vệ ở Thủ đô. Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã quyết định tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đây là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính để giành độc lập, tự do cho đất nước. Song song với cuộc kháng chiến chống Pháp, Việt Nam còn áp dụng chính sách giảm tô cải cách ruộng đất và phát động chiến tranh vũ trang thông qua các chiến dịch lớn, giải phóng nhiều vùng trên toàn lãnh thổ. Nổi bật là trận Điện Biên Phủ lừng danh, chấn động địa cầu sau 9 năm trường kỳ kháng chiến.
Ngày 8-5-1954, hội nghị Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương chính thức được khai mạc và đến 21-7, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Pháp và các nước tham gia hội nghị đã ký hiệp định này, tôn trọng độc lập chủ quyền cho Việt Nam, hoà bình được lập lại trên toàn cõi Đông Dương.
Lính hải quân Nhật Bản nộp kiếm đầu hàng tại Sài Gòn tháng 9-1945. (Ảnh của TVC) |
Sau năm 1954, miền Bắc được giải phóng còn ở miền Nam, Mỹ đã vi phạm Hiệp định Giơnevơ, âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, tiền đồn chống chủ nghĩa cộng sản trong khu vực. Thực hiện âm mưu này, Mỹ đã lập ra chính phủ bù nhìn Ngô Đình Diệm, tăng cường khủng bố, đưa máy chém đi khắp miền Nam đàn áp dã man những người cách mạng.
Cũng phải nói thêm rằng, cuộc chiến do Mỹ tiến hành là cuộc chiến tranh phi nghĩa, thực hiện trong thế bị động, chứa đựng đầy mâu thuẫn về chiến lược. Người Mỹ gọi đây là Chiến tranh Đông Dương lần II, bởi nó không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà còn ở cả Lào và Campuchia, còn người Việt Nam gọi đây là Cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mục tiêu chiến lược của người Việt Nam là đánh thắng Mỹ bằng mọi giá để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới hòa bình thống nhất toàn lãnh thổ.
Người Việt Nam tin rằng cuộc kháng chiến của họ là chính nghĩa, là để bảo vệ đất nước chứ không xâm chiếm nước nào. Cuộc kháng chiến này thực tế đã kéo dài hơn 20 năm, người Việt Nam đánh bại nhiều chiến lược nguy hiểm của Mỹ, một cường quốc quân sự, kinh tế mạnh nhất thế kỷ 20. Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến tranh Việt Nam còn là thành quả của sự đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia, với sự ủng hộ hết lòng và sự giúp đỡ to lớn của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ. Cuộc chiến kết thúc, chấm dứt ách thống trị tàn bạo hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới, mở ra kỷ nguyên mới cho Việt Nam, kỷ nguyên hòa bình, độc lập và làm bạn với mọi dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Bích Kim
Ý kiến bạn đọc (0)