Vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm: Cần xử lý nghiêm vi phạm
BẮC GIANG - Tình trạng chiếm dụng, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, hành lang an toàn giao thông (ATGT) diễn ra nhức nhối ở nhiều nơi trong thời gian dài. Đây là một trong những nguyên nhân gây ách tắc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Vỉa hè, lòng lề đường thành chợ
Giờ tan tầm buổi chiều và tối hằng ngày, nhiều tuyến đường trên địa bàn thị xã Việt Yên biến thành nơi mua, bán hàng. Hàng vạn công nhân từ các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp tỏa ra sau giờ làm, không ít người trong số đó tạt vào mua, bán. Lòng đường bỗng chốc biến thành chợ, nếu không kẹt cứng thì cũng hỗn loạn, người và xe đi qua không thành hàng lối. Điển hình là đoạn quốc lộ 37 qua Khu công nghiệp Đình Trám, giờ công nhân tan ca, lòng lề đường bị những người bán hoa quả, thực phẩm chiếm dụng. Có người dùng xe máy chở sọt hàng, dựng chân chống đứng giữa lòng đường, ngang nhiên mời chào khách. Người khác thì bày hàng xuống mặt đường, có người biến ô tô tải thành cửa hàng di động.
|
Vỉa hè quốc lộ 31, đoạn qua xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) bị người dân lấn chiếm để bày bán hàng. |
Dòng phương tiện đông đúc vì thế di chuyển khó khăn, nhiều xe tránh các điểm bán hàng buộc phải lấn sang làn đường đối diện, luồn lách qua những chỗ bị ùn tắc. Một công nhân bức xúc phản ánh: “Những người bán hàng đó coi lòng đường như chỗ buôn bán tự do. Nhiều hôm tôi đi xe máy qua rất nguy hiểm vì buộc phải đi sang làn ô tô hoặc lấn phía đối diện dù có 2 vạch màu vàng, cấm đè vạch. Tôi thấy một số lần cơ quan chức năng đi thu giữ phương tiện, hàng hóa nhưng chỉ hôm sau người bán hàng lại xuất hiện, tiếp tục vi phạm”.
Tình trạng vi phạm trật tự hành lang giao thông, tái lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường để bày bán hàng hóa diễn ra phổ biến ở quốc lộ 37, đường tỉnh 295B, đường tỉnh 298 và hai bên tuyến đường gom quốc lộ 1 thuộc địa bàn các phường: Nếnh, Quang Châu, Vân Trung, Tăng Tiến, Hồng Thái (thị xã Việt Yên). Nhiều công trình, mái che, mái vẩy do người dân xây dựng, lắp đặt trên phạm vi hành lang giao thông làm che khuất tầm nhìn, đèn tín hiệu, biển báo hiệu gây mất trật tự ATGT, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông.
Tìm hiểu trên địa bàn huyện Lục Ngạn cũng có tình trạng tương tự. Tuyến quốc lộ 31 đoạn qua xã Phượng Sơn có nhiều chỗ bị người dân lấn chiếm để kinh doanh, tập kết hàng hóa, đặc biệt là tại chợ phố Kim. Trong cuộc làm việc với Ban ATGT tỉnh, ông Hoàng Đức Cường, Chủ tịch UBND xã thừa nhận tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang giao thông làm nơi họp chợ, bày bán hàng hóa, xếp đặt nguyên vật liệu... gây cản trở, mất ATGT vẫn diễn ra trên địa bàn xã.
Nguyên nhân vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm là do ý thức của một bộ phận người dân hạn chế. Tại nhiều địa phương, cán bộ cơ sở xử lý chưa quyết liệt, còn tình trạng nể nang, ngại va chạm nên sau mỗi đợt kiểm tra thì “đâu lại vào đấy”. |
Các lực lượng chức năng của xã chưa thường xuyên kiểm tra, xử lý, nhiều nơi bị tái lấn chiếm. Đại diện Ban ATGT thị trấn Chũ cho rằng, do thị trấn thiếu lực lượng chuyên trách nên việc giải quyết vi phạm, lấn chiếm hành lang ATGT gặp nhiều khó khăn. Tuy địa phương có tổ chức các đợt ra quân, phối hợp giữa công an và các ngành, đoàn thể, tổ dân phố để xử lý nhưng chỉ như “đá ném ao bèo”. Đoàn kiểm tra vừa rời đi, người dân đã tái lấn chiếm.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do ý thức của một bộ phận người dân hạn chế, vì lợi ích kinh tế nên cố tình lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh. Trong khi đó, tại nhiều địa phương, cán bộ cơ sở xử lý chưa quyết liệt, còn tình trạng nể nang, ngại va chạm nên sau mỗi đợt kiểm tra thì “đâu lại vào đấy”. Việc xử lý, vận động, tuyên truyền để người dân tự tháo dỡ hoặc tổ chức cưỡng chế, giải tỏa đối với các trường hợp chây ỳ chưa thường xuyên, chỉ thực hiện vào các đợt cao điểm, sau đó lại bị lấn chiếm trở lại.
Ngăn ngừa hành vi tái lấn chiếm
Thực tế cho thấy, cấp ủy, chính quyền và lực lượng công an cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc giải tỏa lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang ATGT. Ông Ngô Văn Trình, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị thị xã Việt Yên cho biết: “Từ đầu năm đến nay, đơn vị phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở gần 3,4 nghìn lượt trường hợp bán hàng; lập biên bản tạm giữ hàng của gần 250 trường hợp vi phạm... bàn giao cho các xã, phường xử lý. Ngoài ra, yêu cầu 55 hộ bán hàng ký cam kết không vi phạm hành lang, vỉa hè; tháo dỡ 2 trường hợp dựng lều quán bán hàng trái phép. Thị xã yêu cầu các xã, phường quản lý chặt chẽ hành lang, phần đã tháo dỡ, di dời giải tỏa, kiên quyết không để tái vi phạm, phát sinh vi phạm mới”.
Nhận rõ mối nguy hiểm do việc lấn chiếm hành lang ATGT, ngay từ đầu năm, Sở Giao thông - Vận tải đã xây dựng kế hoạch giải tỏa hành lang ATGT trong toàn tỉnh. Sở chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông thường xuyên phối hợp với các địa phương kiểm tra, xử lý vi phạm về ATGT và bảo vệ kết cấu hạ tầng, công trình giao thông đường bộ trên các tuyến đường được giao quản lý theo quy định. Ban ATGT tỉnh cũng đưa ra nhiều giải pháp.
Trước hết là tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật gắn với đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, ATGT”. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; thực hiện đồng bộ công tác quản lý, bảo trì, bảo đảm ATGT; bảo vệ và giải tỏa hành lang ATGT bị lấn chiếm, ngăn ngừa tai nạn có nguyên nhân từ vi phạm hành lang ATGT.
Bài, ảnh: Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)