Vị thế mới của vải thiều Bắc Giang
Được người tiêu dùng đón nhận
Lâu nay, cứ ở đâu xảy ra dịch bệnh là việc lưu thông hàng hóa nói chung, nông sản nói riêng gặp trở ngại. Vải thiều Bắc Giang thì khác! Dịch Covid-19 bùng phát với hàng nghìn ca nhiễm song đến ngày 12/6, toàn tỉnh đã tiêu thụ hơn 80 nghìn tấn vải thiều, trong đó xuất khẩu gần 50%. Riêng vải sớm kết thúc mùa vụ được đánh giá là thắng lợi vì giá bán tương đương năm ngoái dù dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Vườn vải thiều trĩu quả tại xã Hồng Giang (Lục Ngạn). |
Đến nay, vải thiều đang bước vào chính vụ, sản phẩm được tiêu thụ tại một số thị trường khó tính như: Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ… Phát biểu tại điểm cầu Nhật Bản trong hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều trực tuyến với 30 điểm cầu trong và ngoài nước, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam thông tin: “Năm 2021 là năm thứ hai vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu sang Nhật Bản. Người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá, vải Bắc Giang ngon nhất trong số các loại vải có mặt tại Nhật Bản và mong chờ đặc sản này sẽ đến được nhiều vùng, miền hơn của đất nước họ”. Vải thiều Lục Ngạn cũng là trái cây duy nhất của Việt Nam được cấp Bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý. Đây là những thông tin quan trọng thể hiện chất lượng cũng như vị thế của vải thiều Bắc Giang trên thị trường trái cây trong nước và quốc tế.
Với thị trường xuất khẩu truyền thống là Trung Quốc, vụ vải này, dù thương nhân nước bạn không sang thu mua được nhưng cũng gửi tiền, đặt cọc mua hàng chục nghìn tấn vải. Chị Nông Thị Lợi, tiểu thương tại xã Tân Hoa (Lục Ngạn) cho biết: “Làm ăn lâu năm nên đối tác tin tưởng tôi và chất lượng quả vải Lục Ngạn. Hơn nữa loại quả này được người dân nước họ yêu thích nên nhiều người kinh doanh muốn nhập hàng để bán. Mỗi ngày, gia đình tôi cung cấp cho bạn hàng 60 tấn vải, từ đầu vụ đến nay khoảng 900 tấn qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn)”.
Không chỉ xuất khẩu, ở thị trường nội địa, nhiều chuyến vải thiều đưa về các tỉnh Yên Bái, Khánh Hòa… thường tiêu thụ rất nhanh, nhiều người còn tiếc nuối vì không kịp mua vải.
Nâng chất lượng, linh hoạt trong tiêu thụ
Trái cây nói chung, vải thiều nói riêng không phải là mặt hàng thiết yếu và cũng có thể thay thế bằng loại quả khác trong sinh hoạt. Tuy vậy, vải thiều Bắc Giang lại rất được ưa chuộng khiến không ít người đặt câu hỏi, dịch bệnh như vậy sao vải thiều vẫn được giá, bán chạy? Trả lời câu hỏi này, chắc chắn ai cũng đồng tình rằng, chất lượng vải thiều Bắc Giang hiếm nơi đâu có được bởi cây vải được trồng trên chất đất và điều kiện tiểu khí hậu đặc biệt. Bằng chứng là vải thiều được trồng ở nhiều tỉnh, TP lân cận song cho quả nhỏ, hạt to, vị chua.
Với chất lượng, mã quả vượt trội cùng với các giải pháp linh hoạt, sáng tạo của tỉnh về quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, vải thiều Bắc Giang đã khẳng định vị thế, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Hy vọng trong tương lai, vải thiều của Bắc Giang vươn xa hơn trên toàn cầu để người tiêu dùng khắp nơi thưởng thức trái vải thơm ngon nức tiếng này. |
Bắc Giang có vùng trồng vải tập trung, sản lượng hằng năm lớn nhất cả nước, năm 2021 là 180 nghìn tấn. Vải thiều cũng là thương hiệu của Bắc Giang, đang được cơ quan chức năng của tỉnh hoàn thiện các tiêu chí trở thành sản phẩm quốc gia. Như vậy, nông sản này không chỉ ở phạm vi cấp tỉnh mà rộng hơn, tầm cỡ hơn, được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm. Về phía địa phương, tỉnh luôn chủ động các giải pháp giữ vững chất lượng, linh hoạt trong tiêu thụ sản phẩm, điều này được thể hiện rõ nét trong điều kiện dịch bùng phát trong vụ vải năm nay.
Là năm có sản lượng vải thiều cao nhất từ trước đến nay, ngay từ khi dịch chưa diễn biến phức tạp, phát huy lợi thế sẵn có, tỉnh đã chủ động ứng phó, không chỉ biết “kêu khó”. Cụ thể là xây dựng 3 kịch bản về tiêu thụ sản phẩm. Ngay khi dịch bùng phát, tỉnh kích hoạt kịch bản 2, tiêu thụ 70% nội địa, 30% xuất khẩu; đồng thời gấp rút triển khai xây dựng lá chắn bảo vệ vùng vải an toàn không Covid-19.
Bắc Giang cũng hoàn tất các thủ tục chứng minh lô vải an toàn khi vận chuyển tiêu thụ, đó là lái xe vận chuyển vải và người trồng vải được ưu tiên tiêm phòng vắc-xin Covid-19, xét nghiệm, chứng nhận không mắc Covid-19. Lô hàng có sự xác nhận trong vùng an toàn dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm. Năm đầu tiên tỉnh thành lập hai tổ công tác tại cửa khẩu ở Lào Cai, Lạng Sơn để kịp thời nắm bắt, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều. Sở Giao thông - Vận tải bố trí hàng trăm phương tiện tham gia vận chuyển vải thiều. Các cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn có “luồng xanh” dành riêng cho vải thiều thông quan; cán bộ ở cửa khẩu làm việc trên tinh thần “hết việc không hết giờ” giúp vải thiều thông quan thuận lợi nhất.
Điểm mới của tiêu thụ vải thiều năm nay là Bắc Giang khuyến khích đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử, tăng cường kết nối trực tuyến trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Với chất lượng, mã quả vượt trội cùng với các giải pháp linh hoạt, sáng tạo của tỉnh về quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, vải thiều Bắc Giang đã khẳng định vị thế, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Hy vọng trong tương lai, vải thiều của Bắc Giang vươn xa hơn trên toàn cầu để người tiêu dùng khắp nơi thưởng thức trái vải thơm ngon nức tiếng này.
Ý kiến bạn đọc (0)