Vì sao cựu Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế được tạm đình chỉ điều tra
Ông Hoàng Văn Đức khi bị bắt vào tháng 2/2022. Ảnh: Công an cung cấp |
Tháng 2/2022, ông Hoàng Văn Đức, 53 tuổi, Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế cùng cấp dưới Hà Thúc Nhật, 40 tuổi bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế khởi tố, tạm giam về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan vụ án tại Công ty Việt Á.
Thời điểm đó, ông Đức và Nhật bị cáo buộc có nhiều sai phạm liên quan việc mua sắm trang thiết bị, vật tư hóa chất, quần áo bảo hộ để phục vụ chống dịch, trong đó có kit test Covid-19. Hai bị can "đã vụ lợi" dẫn đến vi phạm quy định về đấu thầu, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Hơn một năm sau, đầu tháng 8, ông Đức và ông Nhật được Sở Y tế tiếp nhận đi làm việc trở lại tại CDC Thừa Thiên Huế, trong thời gian Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tạm đình chỉ điều tra vụ án. Trước đó, hai ông đã được tại ngoại.
Ngày 11/8, đại tá Nguyễn Đình Thừa, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, giải thích đơn vị đang chờ kết quả trưng cầu giám định tài sản và hết thời gian điều tra nên phải tạm đình chỉ vụ án; tuy nhiên ông Đức và ông Nhật vẫn là bị can.
"Vài ngày nữa sẽ có kết quả trưng cầu giám định về thiệt hại tài sản. Khi có kết quả, đơn vị sẽ tiếp tục điều tra", đại tá Thừa nói và cho hay Sở Y tế khi sắp xếp công việc cho ông Đức và ông Nhật cần tránh việc tiếp xúc hồ sơ, ký các văn bản.
Đại tá Đặng Ngọc Sơn, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng cho rằng, việc tạm đình chỉ vụ án là hoạt động bình thường của cơ quan điều tra.
"Vì vụ án phức tạp, đòi hỏi phải có thời gian mà quy định thời gian điều tra có hạn cho nên hết thời gian điều tra thì cơ quan điều tra phải tạm đình chỉ để bảo đảm thời gian. Tạm đình chỉ vụ án không có nghĩa là đình chỉ, không có nghĩa là không có tội", đại tá Sơn giải thích.
Ông Bạch Chơn Đông, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị này đã có ý kiến sau khi Sở Y tế có tờ trình về việc tiếp nhận ông Đức và ông Nhật quay lại làm việc. Theo Luật Viên chức, nếu tạm đình chỉ điều tra nhưng chưa bị kỷ luật thì vẫn bố trí làm việc trở lại song không giữ chức vụ cũ.
Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự khi chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án; khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản,... nhưng đã hết thời hạn điều tra
Khi thời hạn tạm đình chỉ và lý do tạm đình chỉ không còn, cơ quan điều tra được tiếp tục thực hiện hoạt động điều tra để đưa ra kết luận cuối cùng, phục vụ cho giai đoạn tố tụng tiếp theo.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)