Vay tiền "tín dụng đen": Dễ trước, khó sau
Tiền lãi nhiều hơn tiền gốc
Do cần tiền gấp, ngày 16/6/2023, chị Nguyễn Thị Th (SN 1984) ở tổ dân phố Dinh Hương, thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) vay của Nguyễn Văn Tấn (SN 1973) ở cùng tổ dân phố 20 triệu đồng với lãi suất 20.000 đồng/1 triệu/ngày. Ngày 18/6, chị Th vay tiếp 20 triệu đồng, ngày 2/7 vay thêm 50 triệu đồng và đến cuối tháng 7 chị vay tổng cộng của Tấn 6 lần với số tiền gốc là 120 triệu đồng.
Đối tượng Nguyễn Văn Tấn ở thị trấn Thắng (Hiệp Hòa). |
“Lãi mẹ đẻ lãi con”, đến giữa tháng 10, chị Th tá hỏa khi Tấn nói số tiền lãi lên đến… 189 triệu đồng. Chậm thanh toán, Tấn nhiều lần nhắn tin, gọi điện, đến tận nhà chửi bới, đe dọa sẽ làm hại đến gia đình chị. Ngày 16/10, Tấn bị Công an huyện Hiệp Hòa bắt quả tang về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” khi hắn vừa nhận 200 triệu đồng của chị T. Tấn không có việc làm ổn định. Hắn cho vay tiền với mức lãi suất từ 5.000 đồng đến 20.000 đồng/1 triệu/ngày.
Khi người vay tiền không có khả năng trả nợ sẽ bị Tấn “phạt tiền” và cộng tiền phạt với tiền lãi vào thành khoản vay mới, đồng thời dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ép người vay tiền phải trả tiền. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hiệp Hòa khởi tố Tấn về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Mở rộng vụ án được biết, ngoài chị Th, từ ngày 1/1/2022, Tấn còn cho chị Ph ở tổ dân phố Đức Thịnh, thị trấn Thắng vay 70 triệu đồng (5 lần), sau hai năm Tấn thu lời bất chính hơn 238 triệu đồng; cho chị A ở xã Ngọc Sơn (Hiệp Hòa) vay 31 triệu đồng, thu lời bất chính 27 triệu đồng; cho anh K ở xã An Thượng (Yên Thế) vay 25 triệu đồng từ ngày 25/9, sau 1 tháng thu lời bất chính gần 3 triệu đồng.
Trước đó, ngày 10/5/2023, Công an huyện Hiệp Hòa cũng khởi tố Nguyễn Văn Nguyên (SN 1984) trú tại thôn Bảo An, xã Hoàng An (từng có 2 tiền án) về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Từ năm 2022, Nguyên cho nhiều người vay tiền với mức lãi suất từ 5.000 đồng đến 7.000 đồng/1 triệu/ngày. Người vay phải viết giấy vay tiền nhưng không thể hiện lãi suất, phải để lại tài sản thế chấp và sẽ bị Nguyên cắt luôn tiền lãi một tháng trừ vào tiền gốc vay. Bước đầu xác định từ năm 2022 đến nay, Nguyên đã cho nhiều người vay tiền, thu lợi bất chính gần 100 triệu đồng.
Công an huyện Hiệp Hòa đọc lệnh bắt tạm giam Nguyễn Văn Nguyên. |
Cờ bạc, lô đề, làm ăn thua lỗ, thất nghiệp, ốm đau... dẫn đến nợ nần đẩy nhiều người vào tình trạng túng quẫn, phải vay mượn để tồn tại. Hầu hết nạn nhân vướng phải “tín dụng đen” xuất phát từ tâm lý chủ quan khi thấy thủ tục nhanh chóng, không cần thế chấp tài sản như vay tiền ở các tổ chức tín dụng nên chấp nhận “vay nóng” lãi suất cao để giải quyết khó khăn trước mắt. Thế nhưng khi vay được tiền rồi, họ không ngờ khoản lãi khủng khiếp phải trả khiến cho đã nợ lại càng nợ thêm.
Quyết liệt đấu tranh
Người vay “tín dụng đen” không cần tài sản thế chấp, nhiều khi chỉ là thỏa thuận miệng hoặc viết giấy biên nhận vay tiền là xong; tiền sau đó được chuyển ngay vào tài khoản. Hiện nay thông qua app vay tiền, chỉ chụp gửi căn cước công dân, số điện thoại cũng trở thành một phần tài sản thế chấp, người vay và người cho vay cũng chẳng cần biết mặt nhau. Xe máy, điện thoại, laptop... là những thứ được nhiều người thế chấp để vay tiền.
Nhiều công nhân sử dụng phương thức vay này với số tiền vay chỉ vài triệu đồng, đến kỳ lĩnh lương phải trả có khi số tiền lãi còn ngang với tiền gốc. Ngoài chiêu trò lách luật tinh vi, các đối tượng còn đối phó với lực lượng chức năng bằng cách thỏa thuận miệng về mức lãi suất; cất giấu sổ sách, giấy tờ về hoạt động cho vay ở địa điểm khác nhau; khi không đòi được còn gửi đơn kiện... người vay. Nhiều đối tượng sử dụng số thuê bao, tài khoản không chính chủ gây khó khăn trong điều tra, đấu tranh.
Thực hiện Công điện số 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”, Phòng Cảnh sát hình sự tham mưu Giám đốc Công an tỉnh mở đợt cao điểm tấn công trấn áp (từ ngày 15/9 đến 14/3/2024). Sau hơn 2 tháng, lực lượng chức năng đã kiểm tra 67 lượt cơ sở cầm đồ, phát hiện một cơ sở có biểu hiện “tín dụng đen” do Trần Hữu Huân (SN 1993) ở thôn Bằng, xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang) làm chủ. Huân đã cho một số đối tượng vay tiền với lãi suất cao, thu lời bất chính hơn 80 triệu đồng. Căn cứ tài liệu điều tra, ngày 6/11, Huân bị khởi tố về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Thiếu tá Hoàng Ngọc Anh, Phòng Cảnh sát hình sự cho biết: “Tội phạm “tín dụng đen” thường đi liền với tội phạm về hình sự, ma túy, cờ bạc, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích. Thống kê năm 2023, Công an tỉnh đã khởi tố 20 vụ với 25 bị can liên quan đến “tín dụng đen”. Trong số này có 2 vụ cướp tài sản, 2 vụ chiếm đoạt tài sản, 1 vụ cố ý gây thương tích”.
Bên cạnh đấu tranh triệt phá, lực lượng cũng đẩy mạnh tuyên truyền, công khai thủ đoạn hoạt động để người dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa và mạnh dạn tố giác hành vi vi phạm của các đối tượng. Khuyến cáo người dân nên đến ngân hàng, các đơn vị có uy tín để vay theo đúng các quy định của pháp luật. “Tín dụng đen” núp bóng các app cho vay online đều có lãi suất rất cao. Do đó, người có nhu cầu vay nhìn vào lãi suất cao để biết mà tránh, đặc biệt phải xem kỹ các điều khoản ẩn sau cách tính lãi.
Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)