Lo ngại tín dụng đen gia tăng
Mới đây, Công an tỉnh đã ra lệnh tạm giữ đối tượng Nguyễn Thị Chinh, trú tại xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Theo điều tra ban đầu, Nguyễn Thị Chinh đã cho đôi vợ chồng ở huyện Yên Thế vay 21 triệu đồng với lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày. Hằng tháng, họ đều phải trả tiền lãi cho Chinh.
Trước đó, Công an tỉnh đã bắt giữ các đối tượng gồm Nguyễn Văn Hà ở Yên Thế và và La Văn Sơn ở huyện Hiệp Hòa về hành vi "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự". Đáng chú ý, lãi suất những đối tượng này áp dụng lên tới từ 750 đến 1000%/năm, thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng.
Còn rất nhiều vụ án tín dụng đen khác ở trong và ngoài tỉnh mà không mấy ngày không thấy tin trên báo chí. Rõ ràng tín dụng đen vẫn gia tăng. Ai là nạn nhân của tín dụng đen? Với mức lãi suất cao như vậy tại sao nhiều nạn nhân vẫn lao vào tín dụng đen như con thiêu thân, khiến nợ nần không thể trả nổi, sống trong sợ hãi, khốn cùng trước sự hăm dọa của chủ nợ ?
Theo các chuyên gia, thủ tục đơn giản, nhanh chóng là nguyên nhân của việc tín dụng đen được ưa chuộng. Mục đích vay tiền không chính đáng hay thiếu kiến thức pháp luật, đôi khi là ngần ngại đến ngân hàng mà họ đã tìm đến tín dụng đen.
Người tìm đến tín dụng đen có thể là thương nhân trong trường hợp cần tiền “nóng”, những người dân cần tiền chữa bệnh cho người nhà, đóng học phí cho con mà không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng, họ nghĩ ngay đến vay nóng của các chủ tiền ngoài xã hội vừa nhanh, vừa dễ về thủ tục.
Trong khi vay vốn ở các cơ sở hoạt động hợp pháp thì phải có bộ hồ sơ, có tài sản thế chấp thì vay vốn của tín dụng đen không phải thực hiện các thủ tục đó, cũng như linh hoạt về thời hạn cho vay, số tiền vay, mức lãi.
Cái dễ nữa là các đối tượng cho vay nặng lãi tìm nhiều cách tiếp cận khách hàng, các bức tường, thân cột điện ở mọi xóm phố luôn nhan nhản quảng cáo dịch vụ cho vay vốn với nội dung chỉ cần đặt chứng minh nhân dân hay giấy chứng nhận sở hữu xe gắn máy, thẻ sinh viên…là có thể vay được những khoản tiền nhất định để thoải mái trong chi tiêu.
Hệ lụy của tín dụng đen làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều gia đình, tình trạng đòi nợ thuê diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Để ngăn chặn tín dụng đen, nhiều ý kiến đề xuất lực lượng chức năng cần triệt phá mạnh mẽ hơn nữa những tổ chức cung cấp dịch vụ tín dụng đen, có thể đề xuất các chế tài mới đủ sức răn đe nếu đối tượng tái phạm.
Về phía các tổ chức tín dụng cần ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng thuận lợi, phù hợp với mọi người dân; triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid -19, người lao động mất việc làm.
Cùng đó, đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người dân về thủ đoạn trong hoạt động tín dụng đen, không cả tin vào tính dễ dãi đơn giản của thủ tục vay nợ để rồi gặp rắc rối phiền phức khi đáo hạn.
Trần Anh
Ý kiến bạn đọc (0)