Văn hóa báo chí
Đây là hoạt động có ý nghĩa đối với các cơ quan báo chí và những người làm báo để hiện thực hóa mục tiêu “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí chính là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa. Có 6 tiêu chí của cơ quan báo chí văn hóa và 6 tiêu chí văn hóa của người làm báo.
Tất cả đều nhằm thúc đẩy các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tạo ra các sản phẩm báo chí giàu chất văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của đời sống.
Thực tế nhiều cơ quan báo chí, nhiều người làm báo đã tự hình thành nên những giá trị văn hóa, môi trường văn hóa tốt đẹp và coi đó là điều hiển nhiên, lẽ tất yếu của người làm báo. Tuy nhiên, cũng có một số phóng viên chạy theo thị hiếu tầm thường, lệch chuẩn văn hóa, bị lợi ích vật chất cám dỗ dẫn tới vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, đáng phê phán.
Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, hơn hết là đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ, trong sáng tạo tác phẩm báo chí. Mỗi cơ quan báo chí là một cơ quan văn hóa đồng nghĩa với việc xây dựng và tổ chức thực hiện nội quy, quy định gắn với các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa; tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, thân thiện, hợp tác trong cơ quan.
Với tiêu chí mỗi nhà báo là một nhà báo có văn hóa, yếu tố trung thực, công tâm, không vụ lợi, không sách nhiễu, cửa quyền khi hành nghề được đặt lên hàng đầu. Cùng đó là việc người làm báo phải tôn trọng quyền con người, quyền riêng tư, không gây tổn thương tinh thần, nhân phẩm, danh dự của cá nhân và tổ chức. Đặc biệt, dù là tác phẩm báo chí hay phát ngôn trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông, rất cần tính nhân văn, văn hóa, sự thân thiện ở đó…
Nghề báo là nghề cao quý và được xã hội, bạn đọc trân trọng, có ý nghĩa định hướng dư luận. Việc phát động xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí cũng là để mỗi cơ quan báo chí và mỗi người làm báo thêm một lần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trước việc hướng tới các giá trị “chân, thiện, mỹ”, lan tỏa những điều tốt đẹp, phản bác những sai trái, tiêu cực.
Mà muốn vậy, để phong trào đi vào thực chất, hiệu quả, hơn hết, đó phải vừa là trách nhiệm, vừa là vấn đề tự thân, nhu cầu, đòi hỏi từ chính mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo; có như vậy mới tạo sự lan tỏa và có chiều sâu.
Bảo Châu
Ý kiến bạn đọc (0)