Văn chỉ Thổ Hà - di tích Nho học
Văn chỉ Thổ Hà thờ Khổng Tử, ghi danh phối thờ 70 vị tiên hiền, nho sinh đỗ đạt ở địa phương. Công trình tín ngưỡng này được xây dựng từ thế kỷ XVII và đã được tu sửa qua nhiều giai đoạn. Tại đây còn lưu giữ hệ thống bia đá cổ, trong đó tấm bia “Tiên hiền tự miếu bi” có nội dung ghi về việc mua đá xây miếu thờ tiên hiền dựng năm Vĩnh Trị thứ 5 (1680) cho biết: Văn chỉ trước kia được xây dựng ở bên cạnh chùa Thổ Hà.
Văn chỉ Thổ Hà, xã Vân Hà, Việt Yên. |
Năm 1704, quan viên, nho sinh, sinh đồ, xã Thổ Hà, huyện Yên Việt, phủ Bắc Hà, trùng tu miếu vũ thờ phụng Thánh hiền. Sang thời Nguyễn, văn chỉ được chuyển về vị trí hiện nay bên cạnh bờ sông Cầu. Việc này được bia đá “Long Phi Bính Thìn” dựng năm Tự Đức thứ 9 (1856) ghi lại: “Trong xã Thổ Hà tỉnh ta trước kia có ngôi đền thờ Tiên thánh ở bên cạnh chùa. Quy mô ngôi đền chật chội, ẩm thấp. Giữa lúc đó tỉnh ta có quan Án sát sứ họ Phan, người ở An Đồng, La Sơn, (Nghệ An, Hà Tĩnh). Trước đây ngài đã ngắm khu đất này, nhiều lần muốn di chuyển văn chỉ nhưng chưa có kết quả, năm Giáp Dần đời vua Tự Đức, ngài bèn chở đến một chiếc ngưỡng cửa đặt vào đó để làm hướng. Đầu năm sau, ngài bàn với các vị ấp trưởng việc xây dựng, còn ngài tự khuyên góp hương bổng được 100 quan tiền cúng vào, người trong ấp đều sôi nổi hưởng ứng và có hằng tâm ủng hộ. Tháng 10 năm Ất Mão bắt đầu khởi công, xây 3 gian chính điện và 5 gian tiền điện, tường xây bằng gạch, mái lợp ngói, cột gỗ…”.
Công trình tín ngưỡng Nho học đã tồn tại trên 300 năm. Bình đồ kiến trúc văn chỉ hiện nay kiểu chữ nhị gồm toà Tiền tế 5 gian xây bình đầu bít đốc và toà Hậu cung 3 gian. Các cấu kiện kiến trúc chạm khắc hoa lá, hình gờ nổi, nghệ thuật chạm khắc chủ yếu mang phong cách thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Trong hậu cung bài trí tượng Khổng Tử, ban thờ 70 vị tiên hiền nho sinh ở địa phương đỗ đạt qua các thời kỳ. Tại đây còn lưu lại các bức đại tự chữ Hán với ý nghĩa triết lý Nho học: “Siêu Thiên cổ”; “Vương Bách quan” và “Thái Bình nguyên khí”.
Bia đá trong văn chỉ Thổ Hà. |
Ngoài ý nghĩa giá trị về việc tôn vinh nền học vấn Nho học, văn chỉ Thổ Hà còn là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hoá vật thể quý giá như: 07 tấm bia đá thời Lê và thời Nguyễn khắc ghi về việc xây dựng văn chỉ và tên các vị tiên hiền nho sinh của làng đỗ đạt qua các thời kỳ.
Xuân Thu nhị kỳ một năm hai lần, làng Thổ Hà tổ chức tế lễ, dâng hương tại văn chỉ vào các ngày 15 tháng Giêng và 20 tháng 8 âm lịch để tưởng nhớ ơn đức Khổng Tử và các vị tiên hiền nho sinh của làng, nêu cao tinh thần truyền thống hiếu học của quê hương. Trong ngày sự lệ, ngoài việc đọc văn tế Khổng Tử, người viết văn tế phải ghi lại đầy đủ tên 70 vị tiên hiền nho sinh của làng đã được khắc ghi trên bia đá vào lòng văn tế. Việc này cũng được văn bia “thờ các bậc tiên hiền” ghi lại: “Từ nay về sau cứ đến ngày Xuân Thu tế lễ. Người viết văn phải viết đủ họ tên đúng như tên đã khắc trong hai văn bia, đó là trọng đạo, để lại muôn đời, con cháu mai sau. Ước mong những đời sau, người nối tiếp khoa danh, vinh thăng hiển đạt. Về sau này có ai thi đậu, nhập vào hội tư văn, mà khi tả văn, không ghi các bậc tiên hiền, tiền sư như đã ghi tên trong 2 bia đá, thời xin thánh hiền soi xét, thần linh trừng trị”.
Di tích văn chỉ không chỉ là niềm tự hào của quê hương mà còn là nơi hun đúc tinh thần hiếu học cho các thế hệ con em địa phương, có tác động tích cực đến tiến trình phát triển của làng quê trong thời đại hội nhập. Với giá trị và ý nghĩa lịch sử về nền học vấn Nho học, năm 1994 văn chỉ Thổ Hà được xếp hạng di tích cấp Quốc gia.
Dòng Như Nguyệt xưa chiến công lừng lẫy
Nhớ buổi chia tay, chuyến đò năm ấy
Chẳng hẹn ngày về, đất nước chiến tranh
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)