Ươm mầm tài năng âm nhạc học đường
Sân chơi hấp dẫn
Tháng 10/2019, Nguyễn Tâm Anh (SN 2009), học sinh Trường Tiểu học Đông Thành (TP Bắc Giang) xuất sắc vượt qua hàng trăm thí sinh giành ngôi Quán quân “Tìm kiếm tài năng nhí” do Nhà Văn hóa Thiếu nhi tỉnh (Tỉnh đoàn Bắc Giang) tổ chức với bài hát “Trên đỉnh Phù Vân”. Đây là ca khúc mang âm hưởng dân gian đương đại với giai điệu và ca từ rất khó thể hiện.
Một buổi luyện thanh nhạc của Trường Tiểu học Đông Thành (TP Bắc Giang). |
Ở vòng sơ khảo, chung khảo, Tâm Anh đã thể hiện thành công ca khúc “Đất nước lời ru” (dòng nhạc dân gian) và “Ngọn lửa cao nguyên” (dòng nhạc trẻ). Trước đó, em giành nhiều giải cao ở các cuộc thi văn nghệ do các đơn vị cấp thành phố, cấp tỉnh tổ chức.
Cô giáo Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phong trào ca hát, nhà trường thường xuyên tổ chức các cuộc thi, giao lưu văn nghệ vào các ngày lễ, kỷ niệm trong năm. Hiện trường đã thành lập được CLB Năng khiếu âm nhạc dành cho học sinh khối 3, 4, 5 với hơn 20 thành viên hoạt động đều đặn.
Với mục đích tạo sân chơi bổ ích, phát hiện, tìm kiếm tài năng âm nhạc, thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ trong thanh thiếu niên, nhi đồng; thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với Tỉnh đoàn, các đơn vị trực thuộc tổ chức nhiều cuộc thi có tính chuyên nghiệp cao, như: “Tìm kiếm tài năng nhí”, “Giai điệu tuổi hồng”, “Đôi bờ sông Thương”, “Giai điệu tuổi thần tiên”…
Năm 2019, tại cuộc thi “Tìm kiếm tài năng nhí” do Nhà Văn hóa Thiếu nhi tỉnh tổ chức đã có 14 tiết mục xuất sắc vào chung kết được trao giải. Ngoài thí sinh Nguyễn Tâm Anh, Trường Tiểu học Đông Thành giành quán quân thể loại ca-nhạc, em Nguyễn Bảo Hưng (SN 2009), Trường Tiểu học Phi Mô, thị trấn Vôi (Lạng Giang) cũng giành Á quân ở thể loại này.
Với chất giọng khỏe, cao, Hưng tham gia nhiều cuộc thi âm nhạc lớn trong nước dành cho lứa tuổi “nhí”. Đáng chú ý, em xử lý kỹ thuật tốt cả dòng nhạc dân gian đương đại và nhạc trẻ với các ca khúc như: Độc huyền cầm, Đá trông chồng, Ngựa ô thương nhớ...
Hay em Nguyễn Bảo Nam, lớp 5, Trường Tiểu học Tăng Tiến (Việt Yên) xuất sắc thể hiện tài năng qua tiếng sáo; em Nông Thị Minh Thùy, lớp 7, Trường THCS Phong Minh (Lục Ngạn) với chất giọng nhạc dân gian mượt mà, đằm thắm, chạm tới trái tim khán giả; Hồ Duy Khánh, lớp 8, Trường THCS Mỹ Hà (Lạng Giang) chơi đàn Piano điệu nghệ, khiến người xem thán phục.
Theo ông Chu Thượng Thắng, Giám đốc Nhà văn hóa Thiếu nhi tỉnh, ở các cuộc thi, không chỉ tỏa sáng với năng khiếu, các thí sinh còn chinh phục ban giám khảo và đông đảo khán giả bằng niềm đam mê, sự tự tin trên sâu khấu.
Tạo nguồn, thúc đẩy phong trào
Theo bà Đào Thị Hường, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, để thúc đẩy phong trào ca hát, các đơn vị trong ngành luôn chú trọng công tác bồi dưỡng, thành lập các CLB văn nghệ trong trường học, phát hiện những em có tố chất để đầu tư, tham gia các cuộc thi. Định kỳ 2 năm một lần, Sở GD-ĐT tổ chức Cuộc thi “Giai điệu tuổi hồng” từ bậc tiểu học đến THPT. Năm học 2018- 2019, ở cuộc thi cấp tỉnh đã thu hút 58 đơn vị tham gia với hơn 200 tiết mục ở các thể loại hát, múa, tấu nhạc.
Cũng từ phong trào văn hóa, văn nghệ, nhiều học sinh bước chân vào các trường chuyên nghiệp, tiếp tục theo đuổi sự nghiệp ca hát của mình. Trong điều kiện ngân sách có hạn, các hoạt động văn nghệ đã nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ tích cực của các nhà hảo tâm, cha mẹ học sinh về kinh phí, thời gian, công sức để tổ chức các sân chơi; khen thưởng, động viên kịp thời những cá nhân xuất sắc.
Ngoài những dòng nhạc phổ biến, nhiều địa phương còn đưa những loại hình âm nhạc đặc trưng của quê hương vào trường học. Ví như, huyện Việt Yên, trong nhiều năm tổ chức dạy quan họ cho học sinh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn; huyện Lạng Giang có CLB hát Then, đàn violon ở xã Thái Đào; huyện Lục Ngạn có CLB dạy hát Soong hao của dân tộc Tày, Nùng; huyện Hiệp Hòa có CLB đàn Ooc gan...
Từ đây, nhiều học sinh đã tham gia đoạt giải cao ở các hội thi. Năm 2017, em Nguyễn Ngọc Phan Anh, lớp 3, Trường Tiểu học Minh Đức (Việt Yên) đã giành giải đặc biệt Liên hoan hát quan họ tỉnh Bắc Giang, tổ chức tại chùa Bổ Đà. Giờ đây, em có thể hát hàng chục bài quan họ lời cổ với kỹ thuật khó.
Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, tới đây, ngành giáo dục sẽ tiếp tục phối hợp chính quyền, ngành chức năng các cấp tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy âm nhạc; bồi dưỡng các em có năng khiếu nổi trội ở các môn học, trong đó có âm nhạc; đa dạng hóa hoạt động của các CLB; bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho giáo viên dạy âm nhạc. Thường xuyên phối hợp tổ chức sân chơi, hội thi, cuộc thi để học sinh bộc lộ năng khiếu của mình.
Bắc Giang tự hào khi có những ngôi sao ca nhạc được đông đảo công chúng hâm mộ như Tùng Dương, Lương Nguyệt Anh, Đinh Mạnh Ninh, Lương Hải Yến… Đây là những ca sĩ được phát hiện, trưởng thành trong các phong trào ca hát khi còn nhỏ tuổi. Điều đó cho thấy tiềm năng âm nhạc trong học đường rất lớn nếu các cấp, ngành chức năng có sự quan tâm bồi dưỡng, tạo sân chơi bổ ích hấp dẫn, thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ phát triển.
Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)