Ước mơ trở thành nhà báo
1.Đó là năm tôi học lớp 12, đang rất "hot" chương trình SV trên kênh VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam. Thiệt tình, chết mê sự thông thái, hài hước của các sinh viên và hâm mộ vô cùng nhà báo Lại Văn Sâm trong vai trò người dẫn chương trình. Tôi thích tới mức "nghiện" cách ứng đối nhạy bén, cách dùng từ ấn tượng, những nhận xét đậm chất trí tuệ và dí dỏm của vị MC tài hoa này.
Minh họa: Hiền Nhân. |
Mấy đứa cùng lớp biết tôi si mê nhà báo, chúng xúi tôi có thể tìm ông để bái sư học đạo vì tôi cũng rất chi “mồm năm miệng mười” và cũng biết chọc cười có duyên. Biết bạn đùa mà bụng dạ bỗng nở cả rừng hoa. Thiệt là sướng cái cảm giác “một lời đã biết đến ta”. Cũng từ lúc đó, trong tôi có một giấc mơ thôi thúc, tôi muốn trở thành một nhà báo - dù thực sự lúc đó, xin lỗi, tôi chưa có ý niệm gì về công việc của một nhà báo. Nhưng không sao, đi học sẽ biết - tôi tâm niệm, miễn được làm nhà báo, nghề mơ ước thì dù khó khăn thế nào tôi cũng sẽ đối mặt.
Tôi toàn tâm toàn ý theo đuổi giấc mơ nên đã dồn hết sức lực cho năm học cuối cấp. Nước đã gần tới chân nhưng nếu cố chạy, biết cách chạy thì vẫn còn kịp - tôi tự động viên phải cố gắng không ngừng nghỉ. Tôi dùi mài, vì giấc mơ như ngọn đèn soi sáng, tôi đã bứt phá ngoạn mục. Năm đó, tôi có thành tích Á khoa kì thi tốt nghiệp phổ thông của một trường huyện.
Trước đó, tôi đã rón rén xin mẹ nộp hồ sơ thi vào trường báo chí. Mẹ nói không ổn, khuyên hãy tìm một phương án khác khả thi hơn. Tôi nuốt nước mắt khi mẹ ngậm ngùi:
- Giờ vào Sài Gòn thi, lỡ có đậu nhà cũng không đủ điều kiện cho con học. Mà nếu chỉ đi thi cho biết năng lực thì mẹ nghĩ không nên. Đã tốn tiền mà còn rước thêm đau khổ, nuối tiếc.
Chị tôi, có lẽ để an ủi hơn là trêu em nên bày tỏ:
- Mày mà bày đặt báo với chí, báo đời báo chướng thì có. Thôi, an tâm làm việc khác đi!
Tôi cười như mếu. Thì quá an tâm chứ ai làm gì mà không an tâm. Biết không đủ khả năng thì cũng mơ mộng chút cho vui. Đời này nghề chọn mình chứ mình đâu chọn nghề được mà buồn rầu chi!. Tôi nói rất hùng hồn, nhưng là để tự an ủi mình, kiểu không hái được chùm nho chín mọng khi bụng đang đói thì hất mặt chê “nho còn xanh lắm” cho đỡ ức thôi. Chứ lúc đó, tôi bụng dạ đang rơi vào vùng biển mang tên: Rầu ơi rầu. Tôi đâu có công năng làm thay đổi hoàn cảnh, tuy chấp nhận nhưng đã phải rầu rĩ, rất miễn cưỡng thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm. Tôi sẽ làm cô giáo để học phí được miễn, lại học gần nhà cho mẹ đỡ tốn. Đành lòng vậy, cầm lòng vậy chứ biết sao bây giờ. Cất giấc mơ dở dang vào nơi kín đáo nhất của trái tim. Xem như khát khao của một thời tuổi trẻ.
Tôi trở thành sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm ở tỉnh. Những mộng mơ từ đây khép lại.
2. Tôi bị bệnh, một căn bệnh không nan y mà cũng gần nan y. Bệnh ít người mắc, không nguy hiểm nhưng cũng khó lòng chữa khỏi, nếu không muốn nói phải sống “lê lết”. Sau những sang chấn về tình yêu và công việc, tôi mắc bệnh rối loạn ám ảnh sợ hãi kịch phát từng giai đoạn.
Sáng đó tôi phải uống thêm liều thuốc rồi mới lên trường. Mặt mày bợt bạt, nhàu nhĩ tới mức khó coi. “Em còn trẻ, thanh xuân còn đầy, sao lại chọn tồn tại chứ không phải sống ? Anh trước nay không nói vì nghĩ em cần một khoảng lặng để tự thăng bằng lại nhưng có vẻ em tự diễn biến lệch đường rồi, em đang tự lún sâu vào vũng lầy đời mình. Anh cá với em, cuộc đời ai cũng có một vũng lầy của riêng mình, chỉ khác là nó to hay nhỏ. Mà to hay nhỏ cũng do thái độ mình quyết định. Và cuộc đời, đơn giản là lựa chọn. Hạnh phúc là một lựa chọn, khổ đau cũng là một lựa chọn. Do mình hết”.
Anh đồng nghiệp thân thiết nói câu đó mong giác ngộ, nhưng tôi có vẻ vẫn như như bất động. Anh lại tiếp:
- Cũng may, em đã không trở thành… nhà báo.
Sau câu đó, tôi giật mình như có gai bất ngờ đâm vào mông. Đụng phải chỗ đau, tôi phản ứng liền, thái độ rất không vui:
- Anh nghĩ em không đủ năng lực?
- Không phải ý đó. Anh muốn nói, muốn làm nhà báo thì yêu cầu đầu tiên là tính cách phải ngoan cường mạnh mẽ, nghề báo rất nguy hiểm đó. Mà em thì yếu đuối tới mức… mong manh, sợ hãi.
Tôi cứng lưỡi, không đáp trả. Thực ra, đã cố chấp nhận thương đau, đã cố tìm niềm vui từ đống đổ nát nhưng giờ anh lại không ngần ngại xới tung nó lên. Tối đó, tâm tư nặng nề tới mức không cách gì chợp mắt. Mình đã làm gì cuộc đời mình thế này ? Sai lầm nối tiếp sai lầm, trượt dài, trượt dài trong bùn lầy không lối thoát. Nghĩ về những ngày đã qua, rùng mình, từng chân tóc túa mồ hôi. Hóa ra, chỉ là mơ mộng viển vông, giấc mơ đó quá sức, vậy mà mình vẫn ngấm ngầm tiếc nuối…
Không cam tâm, tôi muốn thay đổi. Tôi xin nghỉ việc đi nhập viện, tôi muốn điều trị cho mình được ổn nhất.
Ngày hôm đó, tôi lại theo thói quen sau giờ thăm khám thì ra hành lang ngồi. Chẳng dự định để làm gì. Trống rỗng. Nhưng thi thoảng có ướt mắt. Vừa lúc đó, có một bàn tay bất ngờ đặt lên cánh tay đang buông thõng. Ai thế này ? Một em học trò cũ vào bệnh viện thăm người thân, tình cờ thấy cô giáo nên mừng rỡ cầm tay. Sau một hồi trò chuyện, lúc tạm biệt em nhét vào tay cô mấy tờ báo. Thật vui và đáng kinh ngạc, cô bé ngày xưa tôi dạy năm lớp 7 đã trở thành nhà báo. Em tha thiết: Cô hãy đọc, nếu thấy chuyên mục nào hợp với mình thì cứ viết bài cộng tác. Cũng được hả em ? Được hết cô ạ. Em tin vào “sư phụ” của em.
Đêm đó, lại trống rỗng nhưng lại không ngủ được. Sáng tôi nói về tình trạng mất ngủ triền miên, bác sĩ bảo bị rối loạn giấc ngủ. Ra vậy, nhiều đêm thức trắng đã khiến tôi mang thêm một căn bệnh mới. Cuộc đời mình cũng éo le, cũng lắm trái ngang, đau như thế là cùng. Vậy sao mình không thử viết ? Như viết nhật kí cho mình cũng được mà.
Hôm đó, phòng có một người khách đến thăm bệnh nhân giường bên. Tôi lịch sự ra ngoài. Khi thấy khách về, tôi cũng vô phòng chuẩn bị ăn trưa. Giáp mặt ngay cửa, một người tuổi trung niên, diện mạo không bảnh nhưng ưu điểm nam tính. Anh không bước ra mà chắn ngay trước mặt:
- Xin lỗi vì có liếc nhanh bài viết của em trên bàn. Em viết rất có cảm xúc. Đọc mủi lòng muốn khóc. Em làm nghề gì ?
- Dạ. Em là cô giáo.
Trò chuyện thêm một hai câu thì biết anh Lực, hiện đang công tác tại báo tỉnh là bạn của một chị đồng nghiệp cùng tổ ở trường. Thật đáng kinh ngạc, ngày bé anh còn ở xóm trên, tôi xóm dưới nữa. Nhận ra người quen, tôi và anh bèn trao đổi nick cho nhau để liên lạc.
Một tối sau đó nữa, khi các bệnh nhân chuẩn bị ngủ, tôi lấy giấy bút ngồi thẫn thờ bên chiếc ghế đá gần phòng bệnh, nơi có bóng điện thắp sáng đêm. Một ý tưởng bỗng lóe lên, tôi viết tản mạn, nằm viện một mình. Một mình, tôi chiêm nghiệm được nhiều thứ. Một mình, đối mặt với sinh tử, tôi hiểu mình phải mạnh mẽ đến nhường nào.
Tôi cố gắng làm những cuộc động não hiệu quả, chỉnh sửa tới mức hoàn thiện nhất có thể rồi ra quán Internet trước cửa bệnh viện ngồi gõ vào gmail và gửi cho Lực. Anh lập tức hồi âm bằng một cuộc điện thoại:
- Chúc mừng em, lần đầu tiên viết mà rất có chất. Anh thích nhan đề và văn phong của em, cát kết mở khá tốt. Anh sẽ gửi về đúng với chuyên mục của nó. Em hãy chờ tin vui…
Ngày cầm trên tay tờ báo biếu, mắt tôi ướt đầm vì hạnh phúc.
3. Hôm đó, trường có đón một ê kip các nhà báo về làm phóng sự cho những nỗ lực “Tiếp sức cho em đến trường” với nhiều mô hình sáng tạo có hiệu quả ở trường. Tôi tình cờ gặp lại Lực. Trời ơi, trái đất tròn. Tôi mừng run, ngơ ngác… Nói chung là đủ các cảm giác khó gọi thành tên.
Nhưng tôi không có thời gian để trò chuyện cùng anh khi có những cô cậu học trò níu kéo. Thiệt trêu ngươi thay. Đúng lúc nên diện kiến anh ở trường thì tôi phải làm công việc tư vấn tâm lý cho học trò. Làm sao bỏ được khi các em đang cần cô hỗ trợ ứng xử các rắc rối trong mối quan hệ bạn bè, gia đình.
Đêm về, tôi nhận Email từ anh. Anh đã lặng lẽ quan sát tôi. Đã xúc động khi thấy học trò cầm tay, ôm và dựa đầu vào ngực cô như một người mẹ. Anh bảo, công việc tư vấn tâm lý cho học trò ở trường sẽ chính là nguồn tư liệu lớn để cộng tác với báo chí ở các chuyên mục: Giáo dục, Hôn nhân gia đình, Xã hội… Ngay cả khi học trò khó khăn, sẽ có các chuyên mục: Tiếp sức, Địa chỉ cần giúp đỡ… ở hầu hết các tờ báo. Anh khuyên tôi hãy mạnh dạn …
Và tôi trở thành cộng tác viên với báo chí từ đó. Thấy ấm lòng vì giấc mơ ngày xưa được hiện tại an ủi…
Nguyễn Thị Bích Nhàn
Ý kiến bạn đọc (0)