UBND huyện Yên Dũng đối thoại với doanh nghiệp, HTX, nhà đầu tư: Tháo gỡ nhiều vướng mắc
Các đồng chí chủ trì hội nghị. |
Thời gian vừa qua, do còn ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid -19, giá xăng dầu tăng, thị trường bất động sản đóng băng, cắt điện liên tục… dẫn đến nhiều DN, HTX, nhà đầu tư gặp khó khăn.
Nhắc lại những khó khăn mà DN, HTX, nhà đầu tư thời gian qua gặp phải do những nguyên nhân khách quan, tuy nhiên lãnh đạo UBND huyện cũng thừa nhận khó khăn cũng có một phần lỗi của chính quyền huyện, của các cơ quan liên quan. Điều này thể hiện ở chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI) rất thấp, năm 2022, Yên Dũng đứng thứ 9/10 huyện, TP.
Tại hội nghị, đại diện các DN cho biết chính quyền huyện lâu nay đã quan tâm hỗ trợ DN, nhất là trong cơ chế chính sách, công tác bảo đảm an ninh trật tự. Tuy nhiên các đại biểu cũng đặt nhiều câu hỏi, trình bày vướng mắc trong thủ tục pháp lý đầu tư, cơ chế chính sách, quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất, bảo đảm an ninh trật tự...
Ông Nguyễn Hoàng Huy, Trưởng Phòng nhân sự Công ty cổ phần PTDeahan Global Yên Dũng (xã Yên Lư) phản ánh, Công ty chuyên may hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Những tháng đầu năm, mặc dù khó khăn chung của thị trường thế giới, song Công ty vẫn tìm mọi giải pháp để ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm cho 900 công nhân.
Hiện nay, khi vào xin việc tại Công ty, để tăng bảo hiểm cho người lao động, Công ty vẫn cần có thông tin xác nhận nơi cư trú do công an cấp xã cấp. Nguyên nhân do hệ thống tích hợp thông tin cư trú trên căn cước công dân VneID chưa triển khai được toàn bộ người dân. Vì vậy đề nghị Công an huyện chỉ đạo công an các xã, thị trấn tiếp tục duy trì hỗ trợ cấp giấy xác nhận nơi cư trú cho người lao động để thuận lợi cho việc đóng bảo hiểm xã hội đúng theo hợp đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Huy, Trưởng Phòng nhân sự Công ty cổ phần PTDeahan Global Yên Dũng (xã Yên Lư) nêu ý kiến. |
Bên cạnh đó, tình trạng lừa đảo trong công nhân xảy ra thường xuyên. Đối tượng hướng dẫn cài đặt thẻ ngân hàng nhưng thực chất là tìm cách lấy mã OTP, nhiều công nhân đã bị lừa cả chục triệu đồng. Đề nghị Công an huyện có biện pháp, cử cán bộ đến tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này cho công nhân Công ty.
Bà Nguyễn Thị Sông, đại diện một DN nước sạch ở xã Đồng Phúc cho biết Công ty nhận chuyển nhượng từ năm 2019, vì nhiều lý do nên vẫn chưa có tư cách pháp nhân. Còn hai tuần nữa là hết hợp đồng với Điện lực Bắc Giang, Công ty lo lắng sẽ không được ký hợp đồng cung cấp điện, ảnh hưởng đến việc cấp nước sạch cho người dân cũng như hoạt động của DN.
Đại diện một DN kinh doanh xăng dầu ở xã Đồng Việt nêu ý kiến về một số văn bản pháp quy và các quy định của pháp luật DN không được kịp thời cập nhật. “Khi có đoàn kiểm tra đến bảo DN không thực hiện theo đúng văn bản này. Thực tế là chúng tôi không biết có văn bản đó. Nhiều khi không rõ làm thế này có đúng không. Đề nghị có cách để DN được tiếp cận kịp thời các văn bản liên quan nhằm thực hiện cho đúng, tránh tình trạng đi cửa trước nhưng phải luồn cửa sau"- Đại diện DN này cho biết.
Nhiều ý kiến đề nghị UBND huyện tăng cường giải pháp để DN được tiếp cận nguồn vốn vay với thủ tục thuận lợi nhất. Có cơ chế để DN nhỏ được vào thuê đất, đầu tư sản xuất kinh doanh tại khu, cụm công nghiệp của huyện. Ngành bảo hiểm giãn nộp bảo hiểm xã hội cho DN…
Có HTX phản ánh mặc dù có quy mô nhỏ thôi nhưng khi tiến hành đầu tư phải làm rất nhiều thủ tục; cần tạo điều kiện cho HTX chuyển đổi mục đích sử dụng đất trang trại (xây lán trại, kho bảo quản) để thuận tiện cho việc nuôi trồng thuỷ sản, trồng sâm trên núi Cô Tiên…
Bà Nguyễn Thị Tươi, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thạch Bàn phản ánh có giải pháp hữu hiệu hơn nữa để bảo đảm an ninh trật tự. Đề nghị tăng cường kiểm tra an ninh, lắp camera ở một số tuyến đường khu, cụm công nghiệp; mở các lớp đào tạo kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ bảo vệ DN.
Bà Nguyễn Thị Tươi, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thạch Bàn nêu ý kiến.
|
Tiếp thu các ý kiến, đồng chí Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện bày tỏ vui mừng khi cuộc đối thoại này có 240 DN, HTX, nhà đầu tư trên địa bàn đăng ký tham dự. Đánh giá cao các ý kiến phát biểu thẳng thắn, trực diện của các đại biểu, đồng chí khẳng định những vướng mắc DN gặp phải có một phần do cơ chế chính sách, văn bản quy định của pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, khó thực hiện.
Đồng chí cho biết, bên cạnh trả lời trực tiếp tại hội nghị, UBND huyện sẽ tổng hợp các ý kiến phản ánh, tiếp tục giao cơ quan chuyên môn trả lời bằng văn bản, có hướng dẫn rõ ràng, cụ thể, có lộ trình, thời điểm giải quyết.
“Chúng tôi hứa có những giải pháp, điều hành làm sao hướng đến tạo môi trường đầu tư tốt nhất cho DN phát triển. Đối với những kiến nghị liên quan đến chính sách không thuộc thẩm quyền, huyện sẽ tổng hợp đề xuất, kiến nghị tháo gỡ”-ông Thanh nói.
Đồng chí Hoàng Văn Thanh kết luận hội nghị. |
Người đứng đầu chính quyền huyện Yên Dũng cũng mong muốn thường xuyên tiếp nhận được các ý kiến, đóng góp của các DN, HTX, nhà đầu tư vì sự phát triển của quê hương. Việc kết nối không chỉ thông qua hội nghị đối thoại mà còn qua cầu nối là Hội DN huyện Yên Dũng, Cổng Thông tin điện tử UBND huyện…
Qua đây, đồng chí nhắn nhủ đến các DN, HTX, nhà đầu tư rằng: "Trong thời điểm gặp khó khăn chung, rất cần đến sự kiên nhẫn, kiên trì cả phía DN và chính quyền. Đừng vì hơi khó một chút, hơi vướng một chút mà bỏ không làm hoặc ngại làm. Khảo sát cho thấy hiện nay có không ít DN hoạt động cầm chừng, không dám mạnh dạn đầu tư".
Theo báo cáo của UBND huyện, 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị sản xuất (theo giá năm 2010) ước đạt hơn 9.642 tỷ đồng, thấp hơn 2.928,31 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 8,71%, thấp hơn 25,24% so với cùng kỳ năm 2022 (thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng bình quân chung toàn tỉnh), xếp thứ 5/10 huyện, TP.
Tin, ảnh: Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)