Tuyên truyền, trợ giúp pháp lý cho trẻ vị thành niên: Đa dạng cách làm, tăng hiệu quả
Ba năm qua, trên địa bàn cả nước có gần 5 nghìn trẻ em bị xâm hại, trong đó 80% số vụ là xâm hại tình dục (XHTD). Còn ở trong tỉnh, hai năm qua đã xảy ra 31 vụ xâm hại trẻ em, riêng năm 2020 là 21 vụ XHTD, tăng 12 vụ so với năm trước. Nổi lên là vụ đối tượng Ngô Văn Hào (SN 1953) ở xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa) hiếp dâm cháu T. (SN 2014); Trần Văn Độ (SN 1968) trú tại tổ dân phố Quảng Mô, thị trấn Vôi (Lạng Giang) XHTD con riêng của vợ mới 12 tuổi; Giáp Văn Ngọ (SN 1954) ở thôn Đông Am Vàng, xã Việt Lập (Tân Yên) nhiều lần hiếp dâm con gái riêng của vợ…
Học sinh Trường THPT Mỏ Trạng (Yên Thế) trả lời câu hỏi tình huống về phòng, tránh xâm hại trẻ em. |
Trong quá trình xử lý đối tượng vi phạm gặp nhiều khó khăn do thủ phạm và trẻ bị XHTD thường có quan hệ thân quen, cùng nơi cư trú nên ngại tố cáo. Có một số vụ bị đe dọa trả thù hoặc để lâu mới trình báo cơ quan chức năng nên quá trình điều tra gặp nhiều trở ngại. Mặt khác, do nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa muốn giải quyết thông qua thương lượng, đền bù cho người bị hại.
Ông Phạm Xuân Anh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia tỉnh cho biết, trước thực trạng đó, Hội Luật gia tỉnh đã chỉ đạo 9 huyện, thành hội và 11 chi hội trực thuộc xây dựng kế hoạch tuyên truyền, TGPL cho trẻ vị thành niên. Đối tượng tập trung vào học sinh với ba nhóm nội dung: An toàn giao thông đường bộ; phòng, chống xâm hại trẻ em và bạo lực học đường.
Từ quý III/2020, ngay sau khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, Tỉnh hội chủ động phối hợp với Chi hội luật gia Công an tỉnh trực tiếp tuyên truyền, TGPL tại bốn trường học gồm: THPT Lạng Giang số 1, THCS thị trấn Vôi (Lạng Giang); THCS Lý Tự Trọng, THCS Lê Lợi (TP Bắc Giang) với hàng nghìn lượt học sinh tham gia. Cùng với tuyên truyền trực tiếp, Hội Luật gia tỉnh đã in 10 nghìn tờ rơi phát đến một số điểm trường để giúp học sinh dễ nhận diện thủ phạm dụ dỗ trẻ em, những hành vi XHTD và ảnh hưởng của nó tới nạn nhân trẻ em như thế nào.
“Sau khi được nhà trường phát tờ rơi tuyên truyền về XHTD đã giúp em hiểu hơn về các thủ đoạn của đối tượng như: Người lạ đi nhờ xe, dụ dỗ đi chơi xa, mua quà tặng, đưa đến những nơi vắng vẻ vào buổi tối... Qua đó giúp em cập nhật được các tình huống cũng như kỹ năng phòng tránh.” - Đào Thị Hồng, lớp 10A3, Trường THPT Lạng Giang số 1 chia sẻ.
Từ đầu năm đến nay, các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh đã tổ chức được 262 buổi tọa đàm; 357 buổi truyền thông về ATGT; phòng, chống tội phạm ma túy, mua bán người, xâm hại trẻ em. |
Xác định công tác tuyên truyền, TGPL cho học sinh có ý nghĩa quan trọng, Hội Luật gia tỉnh còn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tích cực chỉ đạo, hướng dẫn triển khai TGPL cho học sinh ở cả ba cấp, tổ chức chương trình ngoại khóa tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, kỹ năng phòng, chống XHTD, bạo lực học đường. Từ đầu năm đến nay, các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh đã tổ chức được 262 buổi tọa đàm; 357 buổi truyền thông về ATGT; phòng, chống tội phạm ma túy, mua bán người, xâm hại trẻ em.
Phối hợp với Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an tỉnh) tổ chức 6 lớp truyền thông kiến thức phòng, chống tội phạm với sự tham gia của hơn 500 cán bộ, giáo viên bộ môn Giáo dục công dân, Tổng phụ trách Đội, Bí thư Đoàn trường. Sở Giáo dục và Đào tạo cùng với các ngành chức năng và địa phương cấp phát kịp thời 12.290 tài liệu tuyên truyền.
Cô giáo Huỳnh Thị Hòa Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Lạng Giang số 1 cho biết: Trường có số lượng học sinh đông thứ hai trong tỉnh với 1.902 em, trong đó có hơn 1.400 em sử dụng xe máy điện, xe đạp điện. Buổi ngoại khóa tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ với những tình huống cụ thể thường gặp trên đường giúp các em dễ tiếp thu, qua đó hạn chế tai nạn giao thông.
Đa dạng các hình thức tuyên truyền, TGPL cho trẻ vị thành niên đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hội Luật gia tỉnh sẽ triển khai rộng rãi trong thời gian tới.
Hoàng Hà
Ý kiến bạn đọc (0)