Túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) tối 15/8 cho biết những ngày qua nhiều "túi thuốc cùng F0 chiến thắng Covid-19" đã được trao đến từng người dân mắc Covid-19 ở phường 1, quận Tân Bình. Những túi thuốc này vừa góp phần hỗ trợ sức khỏe, giúp F0 sớm khỏi bệnh, lại vừa động viên tinh thần, giúp họ an tâm điều trị tại nhà.
Mỗi túi thuốc mà F0 đang cách ly, điều trị tại nhà nhận được bao gồm thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc và thiết kế kèm mã QR vào nhóm bác sĩ hỗ trợ. |
"Chỉ cần được báo có ca F0 hay người dân cần thuốc là sẽ có người đến tận nơi trao túi thuốc cho người bệnh", anh Ngô Nam Việt, Bí thư đoàn Thanh niên phường 1, quận Tân Bình, chia sẻ.
Mỗi túi thuốc mà F0 nhận được gồm paracetamol 500g (hạ sốt), acetylcystein (tiêu đờm), multivitamin (vitamin tổng hợp), nước súc họng, nước muối 0,9% (natri clorid 0,9%), viên C sủi và khẩu trang, kèm hướng dẫn sử dụng. Đây là những loại thuốc mà Trạm y tế phường 1, nhóm bác sĩ tình nguyện chuẩn bị dựa trên danh mục thuốc theo công văn Bộ Y tế ban hành.
Bên ngoài túi thuốc có in kèm mã QR, để bệnh nhân có thể quét mã và tham gia vào nhóm Bác sĩ đồng hành cùng F0 - phường 1 trên ứng dụng Zalo. Y sĩ Lê Minh Quân, phụ trách chống dịch tại Trạm y tế phường 1, cho biết các thành viên trong nhóm Bác sĩ đồng hành cùng F0 - phường 1 bao gồm thường trực ban chỉ đạo phòng chống dịch, tổ phản ứng nhanh, 6 bác sĩ và hai dược sĩ thuộc đội hình Blouse trắng trực 24/7. Tất cả đều cùng một mục đích hỗ trợ người bệnh ngay lập tức.
Nhân viên y tế đưa thuốc tới từng gia đình có F0, bảo đảm các quy định phòng, chống dịch. Ảnh: HCDC. |
Hằng ngày, các F0 sẽ thông báo tình trạng bệnh của mình trong nhóm thông tin này. Qua đó các y, bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng cụ thể của từng người và có những hướng dẫn, hỗ trợ điều trị phù hợp. Những trường hợp có triệu chứng sẽ được tư vấn trực tiếp. Riêng F0 cần can thiệp y tế khẩn cấp như hạ nồng độ oxy trong máu (SpO2), cần cung cấp bình oxy tại nhà hoặc chuyển viện khẩn cấp... sẽ được chuyển cho Tổ phản ứng nhanh của phường xử lý theo đúng quy trình.
HCDC dẫn lời bệnh nhân Thành, cư trú tại phường 1, cho biết gia đình ông có 4 F0. Ban đầu khi kết quả xét nghiệm dương tính, cả nhà rất lo lắng, nhất là lúc được biết cả tất cả sẽ cùng cách ly điều trị tại nhà. Tuy nhiên, sau khi được các nhân viên y tế hướng dẫn cách ly tại nhà, cách phân bố nơi ở của từng người, cách liên hệ khi cần thiết và mỗi ngày được các bác sĩ trong nhóm hỗ trợ thăm hỏi, cả nhà đã bình tĩnh, yên tâm hơn.
Ông Thành cho biết thêm, trong quá trình điều trị tại nhà, một người con của ông bị khó thở, đã được chuyển đi điều trị kịp thời và nay đã dần hồi phục.
Hôm 14/8, Bộ Y tế cho biết chương trình Điều trị tại nhà (home-based care) có kiểm soát cho các trường hợp F0 tại nhà và cộng đồng, triển khai thí điểm tại TP HCM từ ngày 16/8.
Chương trình được triển khai với 3 hoạt động chính, gồm lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, cộng đồng; cung cấp hộp thuốc điều trị tại nhà cùng một số sản phẩm nâng cao sức khỏe, đồng thời hỗ trợ tư vấn và quản lý sức khỏe trong phòng, chống dịch Covid-19; cung cấp gói thực phẩm bảo đảm an sinh xã hội cho người nhiễm và các thành viên trong gia đình ở tại nhà, không ra ngoài, tránh tiếp xúc, góp phần làm giảm nguy cơ lây lan.
Bộ Y tế cũng cung cấp Tài liệu hướng dẫn chi tiết đối với các F0, giúp họ tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe và liên lạc với cơ sở y tế trong trường hợp xuất hiện triệu chứng trở nặng để được giúp đỡ.
Trước đó, giới chức TP HCM cũng đã chuẩn bị thực hiện mô hình điều trị F0 tại nhà. Trong cuộc họp báo thông tin công tác phòng chống Covid-19 ở TP HCM ngày 13/8, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi khẳng định, trọng tâm chống dịch 30 ngày tới của thành phố là điều trị để giảm tử vong. Trong đó, việc chăm sóc F0 tại nhà và cộng đồng có thể sẽ tác động đến 80% F0 trong chiến lược điều trị giảm tử vong
Theo ông Mãi, việc triển khai chăm sóc F0 tại nhà đã được thực hiện thời gian qua nhưng sắp tới sẽ thực hiện đồng bộ và mạch lạc hơn. Thành phố đặt mục tiêu quản lý có thể lên tới 90% bệnh nhân, chỉ còn 10% cần điều trị, trong đó chỉ 5-7% chuyển nặng.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)