Tục thờ tổ nghề
Lễ tế tại đền Thần Nông, xã Cẩm Lý (Lục Nam). Ảnh: Đức Quang |
Bắc Giang nằm trong vùng văn hóa Kinh Bắc có nhiều làng nghề truyền thống, mỗi làng nghề lại có vị tổ nghề được tôn thờ như: Thờ tổ nghề nấu rượu ở làng Vân, nghề làm gốm làng Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên), vùng Đức Thắng (Hiệp Hòa) có tục thờ tổ nghề rèn sắt và nhiều địa phương khác trong tỉnh có tục thờ tổ nghề nông nghiệp như thờ thần Tri Nông ở Lương Phong; thờ Thần Nông ở Hoàng An (Hiệp Hòa), ở Cẩm Lý (Lục Nam), hay của đồng bào dân tộc Dao, Tày, Nùng ở Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế…
Việc thờ phụng các tổ nghề thực chất là sự khẳng định, tôn vinh ngành nghề truyền thống. Đó là truyền thống tốt đẹp, thể hiện lòng biết ơn đối với người sáng lập nghề, giúp nhân dân có cuộc sống tốt hơn. Những bậc tổ sư, tổ nghề này thường có tiểu sử nhưng cũng có nơi không tìm được xuất xứ rõ ràng của tổ nghề. Để có thể hình dung về những đấng sáng tạo mà mình tôn thờ, người dân đã tìm trong kho tàng dân gian hoặc tìm cách huyền thoại hóa để tăng phần thiêng liêng.
Tổ nghề rèn sắt ở Đức Thắng, Hiệp Hòa là ông Khổng Minh Không thực ra là nguyên mẫu của thần Dương Tự Minh dưới thời Lý có công đánh giặc Tống được nhân dân địa phương tôn thờ ở đình làng. Những biểu hiện tín ngưỡng dân gian qua tục thờ được thấy rõ trong ngày hội làng vào ngày 10 tháng Giêng. Trong lễ hội có đám rước, tế lễ, các trò chơi dân gian, trong đó có nhiều cuộc thi, trò chơi liên quan đến nghề nghiệp. Những người thợ trưởng thành của làng nghề thường tự tay làm ra các sản phẩm độc đáo để dâng tiến vào đình, đền…
Làng Vân Hà thờ tổ nghề nấu rượu là bà Nghi Điệt, được thờ ở chùa Dộc. Bà Nghi Điệt gần như là một nhân vật trong huyền thoại, không rõ thực hư. Chỉ biết bà là người sống ở làng Vân. Tương truyền, chồng bà Nghi Điệt thích uống rượu nên bà đã tìm cách chế men cất nên thứ rượu ngon, rồi đem truyền lại cho người làng Vân để lưu truyền hậu thế...
Hằng năm, làng Vân có tục thờ tổ nghề vào ngày 7 tháng Giêng tại chùa Dộc. Ngày này làng còn làm lễ ăn thề để giữ bí quyết nghề nấu rượu. Lời thề ghi nhận: Chế ra rượu quý là kỹ nghệ của tổ tông truyền lại muôn đời cho con cháu mai sau làm nghề sống, không được truyền cho người ngoài.
Nếu kẻ nào hoặc vì bầu bạn thâm giao, hoặc tham tiền của ngoại khách mà phản lại khoán ước của tổ tông, truyền dạy nghề cho người ngoài làng thì trước án đàn xin nguyện cầu trời đất cùng các vị long thần vật chết để kẻ đó không được hưởng phúc ấm của tổ tông.
Làng Thổ Hà thờ ông tổ nghề gốm là Đào Trí Tiến. Tương truyền vào cuối thời Lý, ông Đào Trí Tiến được cử đi sứ sang Trung Quốc với ông Hứa Vĩnh Cảo và ông Lưu Phong Tú. Sau khi hoàn tất sứ mệnh, trên đường trở về nước qua tỉnh Quảng Đông thì ba ông gặp bão phải nghỉ lại đây. Tại đây có lò gốm rất nổi tiếng nên ba ông đến thăm và học được kỹ thuật làm gốm. Về nước, ông Đào Trí Tiến truyền nghề làm gốm cho người dân Thổ Hà. Ghi nhớ công lao, hằng năm, nhân dân làng Thổ Hà tổ chức lễ hội ngày 21, 22 tháng Giêng để dâng hương suy tôn tổ nghề.
Liên quan đến tín ngưỡng dân gian thờ tổ nghề nông nghiệp, tại vùng Lương Phong (Hiệp Hòa) có tục thờ thần Tri Nông và lễ kéo ngựa cầu mưa trong ngày hội lệ, làng An Cập, xã Hoàng An (Hiệp Hòa) có tục cướp bò vua trong ngày hội truyền thống.
Đền thờ Thần Nông, xã Cẩm Lý còn sự tích lưu truyền về vị khách phương xa đến khi dừng chân trên một đỉnh núi cao thì có một cơn gió mát từ trong núi thổi ra. Đứng trên đỉnh núi, chòm sao Thần Nông sáng rực, rất gần, có thể đếm rõ từng con vịt của Thần Nông trên dải sông Ngân Hà. Dân gian vẫn cho đó là huyệt đạo của Thần Nông…
Mỗi dịp hội hè, thực hành tín ngưỡng dân gian thờ tổ nghề là bằng chứng cụ thể để thấy vị trí ngành nghề trong đời sống người dân làng nghề ở Bắc Giang. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống thể hiện sự tri ân, truyền thống uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của người dân làng nghề.
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)