Từ chỉ họ Ngô - Nơi ghi nhớ công đức Quận công Ngô Đạt Dụng
Từ chỉ họ Ngô ở Hoàng Ninh. |
Quận công Ngô Đạt Dụng sinh ra và lớn lên ở thời kỳ đất nước loạn lạc bởi nội chiến đầu thế kỷ XVII. Theo nội dung văn bia “Ngô gia từ chỉ bi ký”- bia ghi chép về Từ chỉ họ Ngô niên hiệu Chính Hòa thứ 7 năm 1686 cho biết: Ngô Đạt Dụng từng giữ chức Tri thị Nội thư, Tả hộ phiên, Tư lễ giám, Tổng thái giám, Đề đốc và được phong tước Quận công. Năm Bính Dần niên hiệu Chính Hòa thứ 7- 1686, giặc cướp xâm lược cướp bóc đất biên giới vùng Tuyên Quang và Hưng Hóa. Triều đình sai chư tướng đi đánh dẹp và Ngô Đạt Dụng tham gia vào đoàn quân đi chinh phạt những bè đảng gây phản loạn.
Sau này, ông giữ chức quan Trấn thủ hai vùng Tuyên Quang Hưng Hoá (Hà Giang ngày nay). Khi đất nước yên bình, chúa Trịnh vời ông về phủ giao chức quan Tri thị nội thư, Tả hộ phiên, Tư lễ giám, Tổng Thái giám, Đề đốc. Năm 1692, ông giữ chức Đề đốc thần vũ tứ vệ quân vụ sự. Đây là chức quan võ đứng đầu chỉ huy bốn cánh quân bảo vệ phủ chúa.
Bia ghi chép việc phụng thờ nhà họ Ngô dựng năm Chính Hòa thứ 13- 1692 có ghi về ông như sau: “Ngô lệnh công là người khoan hậu, tính cách cư xử ôn dung cung kính, hiếu nhân, hiếu lễ, đức hạnh trong nhà, hết lòng vì việc nước. Công lao lớn ban khắp nhiều nơi. Ân sủng vinh hoa ở chốn quan trường, lại được theo hầu bên phủ chúa. Giúp dân cai quản công việc giang sơn từng xứng danh là bậc quân tử ở núi Nam Sơn…”.
Cũng trong văn bia này ghi: “Ngô Lệnh Công vốn thiên tư nhân hậu, đi đứng khoan thai, lời nói và việc làm ở quê hương đều trước sau như một lại là người coi nhẹ việc tiền tài mà coi trọng việc yêu quý con người. Thật là một đấng đại phu xứng danh quân tử mà cách ngôn của thánh nhân vẫn hằng nêu. Những công đức, ân nghĩa của ngài thấm nhuần khắp trong thôn ấp khó có thể nói ra, bản đình dấy lên việc tạo sửa từ chỉ để phụng sự, lại cùng nhau xin lệnh công lập dựng bia đá để nối tiếp việc thờ tự. Xuân thu nhị kỳ vào ngày 12 tháng Giêng và ngày 12 tháng Tám đều có lễ tại từ chỉ”.
Do có công lớn với đất nước và quê hương nên sau khi ông mất, nhân dân địa phương xây dựng Từ chỉ thờ dòng họ và lăng mộ thờ ông cùng phu nhân ở thôn My Điền. Bình đồ kiến trúc Từ chỉ hiện nay theo kiểu chữ nhất chạy dọc từ ngoài vào trong. Các linh vật, hiện vật trong khu Từ chỉ được bài trí theo một trục dọc đối xứng gồm: Đôi chó đá ngồi canh cổng, hai trụ cột đá xanh được gia công mài đẽo gờ cạnh chi tiết theo hình lục lăng, trục đường Thần đạo lát gạch, khu thờ tự bài trí hai bàn đá đặt đối xứng bên Đông và bên Tây. Hai bàn đá mặt trước chạm hình linh thú rất đẹp, tiếp đến là nhang án đá cao cũng được chạm khắc rất chi tiết gồm ba tầng, phần mặt trên tạo các đường gờ chỉ thẳng thành từng lớp, phần thân cũng được chạm chau chuốt, tỉ mỉ các đường gờ bao quanh, đặc biệt phần chân đế chạm hình mây nước, hoa văn cách điệu mang nét độc đáo, phía sau là sập đá, bia đá và khu mộ.
Ngoài giá trị về lịch sử tín ngưỡng người được thờ, Từ chỉ họ Ngô còn lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật quý từ thời Lê như 2 chó đá, 2 bàn đá, nhang án đá, sập đá và 2 bia đá được tạo dựng năm Chính Hoà thứ 7-1686 và Chính Hòa thứ 13- 1692. Đây là những tài liệu hiện vật có giá trị nghiên cứu khoa học trên nhiều lĩnh vực, lịch sử văn hoá, vùng đất con người và giá trị mỹ thuật ở thời Lê thế kỷ XVII.
Theo lệ xưa, hằng năm, vào ngày 12 tháng Giêng và 12 tháng Tám tại Từ chỉ đều diễn ra sự lệ cúng tế ôn lại sự tích công trạng của Quận công Ngô Đạt Dụng. Đây cũng là dịp để tôn vinh truyền thống vẻ vang của dòng họ Ngô ở Hoàng Ninh. Di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)