Truyền tích Đức Thánh Hùng Linh Công ở chùa Y Sơn
Đoàn binh mã biểu tượng sức mạnh của Đức Thánh Hùng Linh Công tái hiện tại lễ hội. Ảnh: Việt Hưng |
Chùa cổ tọa lạc bên sườn đông núi Y Sơn, sang thời Nguyễn niên hiệu Khải Định thứ 2 (1917), nhân dân địa phương di chuyển ngôi chùa sang sườn Tây núi Y Sơn để hợp với cảnh quan và địa thế nên chùa còn có tên chữ là Y Sơn Tây tự. Núi Y Sơn dân gian còn gọi núi Ia hay núi Cả, đột khởi giữa vùng đồi gò và ruộng vườn rộng phẳng, với độ cao 103 m so mặt nước biển.
Sách Đại Nam nhất thống chí và Bắc Ninh tỉnh chí thời Nguyễn có ghi về núi Y Sơn “lên đỉnh núi Ia có thể nhìn xa xung quanh, đời Lê từng dựng hành cung ở đây, trên núi có Miếu Sơn thần. Cảnh sắc nơi đây nhuốm màu huyền thoại, có núi cao, sông dài (sông Cầu) nên hội tụ đủ linh khí, thế núi voi phục, hổ chầu tạo nên quần thể di tích danh thắng nổi tiếng xứ Kinh Bắc. Sự tích về Đức Thánh Hùng Linh Công được hoài thai từ ngôi chùa cổ trên núi Y Sơn lại mang màu sắc huyền diệu Phật Pháp càng tăng sự hấp dẫn cho khu di tích danh thắng này.
Theo bản thần tích ở địa phương do Hàn Lâm Viện, Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) được sao lục vào năm Vĩnh Hựu thứ 3 (1737) và năm Thành Thái thứ 7 (1898) cho biết: Vào thời Hùng Vương thứ 6, quan tư xứ Kinh Bắc là Hùng Nhạc, vợ là Cao Tiên tuổi đã cao mà chưa có con thường đi du ngoạn nhiều nơi cầu tự. Ông bà đến vùng núi Y Sơn nghỉ lại ở ngôi chùa nhỏ, sau về bà Cao Tiên có thai sinh được nam tử đặt tên là Hùng Linh Công.
Lớn lên Hùng Linh Công khôi ngô tuấn tú, kỳ tài. Lúc bấy giờ lang thú hoành hành quấy phá, giặc Ân sang xâm lược nước ta, nhân dân đói khổ. Theo lệnh chỉ nhà vua, Hùng Linh Công đi dẹp loạn lang thú lại cùng Phù Đổng Thiên Vương đánh tan giặc Ân bảo vệ đất nước. Ghi nhớ công ơn, nhân dân địa phương xây dựng đền Y Sơn thờ Hùng Linh Công và thờ Thánh Phụ, Thánh Mẫu (cha mẹ Hùng Linh Công) tại chùa này.
Chùa Y Sơn có kết cấu kiến trúc khác lạ so với nhiều ngôi chùa cổ ở miền Bắc. Tổng thể kết cấu các khối kiến trúc bao gồm nhà Phật đình hương hội, tòa Tam bảo và nhà Hậu điện. Trải bao năm tháng nên dấu ấn ngôi chùa cổ hiện nay chỉ còn bảo lưu được nét kiến trúc và đồ thờ của thời Lê (thế kỷ XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Tam quan chùa mới xây, kiến trúc kiểu gác chuông hai tầng mái. Nhà Phật đình hương hội phía trước toà Tam bảo đã bị hư hỏng trong những năm kháng chiến chống Pháp nay được phục dựng lại theo lối kiến trúc xưa gồm ba gian, hai chái, mái đao cong. Kết cấu khung liên kết vì mái kiểu chồng rường giá chiêng, chạm khắc đơn giản.
Tòa tam bảo bố cục kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm toà Tiền đường 5 gian nối toà Thượng điện 3 gian xây bít đốc. Khung liên kết vì mái kiểu kẻ truyền, chồng rường giá chiêng, các cấu kiện kiến trúc chạm khắc hình hoa lá, vân mây vẫn còn đượm màu thời gian cổ kính. Toà Thượng điện có ba gian, khung liên kết vì mái kiểu chồng rường giá chiêng và cốn mê. Các cấu kiện kiến trúc cũng chạm khắc nổi hình hoa lá, văn kỷ hà rất tinh tế. Tòa này bài trí đủ hệ thống tượng Phật uy nghi. Tòa Hậu điện (đền Thánh Mẫu) ở phía sau Tam bảo cũng đã được tu sửa lại có 3 gian, kết cấu khung vì mái đơn giản kiểu vì giá chiêng và vì kèo trốn trụ. Hậu điện bài trí tượng Thánh Phụ, Thánh Mẫu và tượng Sư Tổ trụ trì ở chùa.
Chùa Y Sơn còn lưu giữ hệ thống tượng Phật có giá trị nghệ thuật, các tài liệu khoa học phong phú như bốn bài vị đá thời Lê (thế kỷ XVIII) ghi tên những người đã về Tây phương công đức lớn cho việc xây dựng tu sửa chùa Y Sơn, một bia đá “Hậu Phật bi ký” dựng năm 1864, hệ thống hoành phi, câu đối, đôi nghê gỗ thời Nguyễn (thế kỷ XIX)...
Ngôi chùa còn là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945, là một trong những điểm di tích thuộc hệ thống An toàn khu II ở Hiệp Hòa. Tại chùa Y Sơn diễn ra buổi diễn thuyết tuyên truyền về tinh thần Nghị quyết Hội nghị tháng 11 năm 1939 của T.Ư Đảng ngày 5 tháng 3 năm 1940. Ngày 12 tháng 7 năm 1945, tại chùa Y Sơn còn diễn ra cuộc mít tinh lớn biểu dương lực lượng cách mạng của Đảng ta.
Chùa Y Sơn là trung tâm sinh hoạt văn hóa tôn giáo, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Lễ hội có nét đặc trưng hiếm thấy ở xứ Bắc, diễn ra trong phạm vi rộng, gọi chung là hội vùng Y Sơn. Hội lệ diễn ra ngày 15, 16, 17 tháng Giêng với nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian độc đáo như: Lễ rước ngựa Thần; lễ rún (lễ tướng quản); lễ rước chuối dò; lễ cuốn quân tập trận... Với giá trị và ý nghĩa độc đáo, lễ hội Y Sơn đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2015.
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)