Trình Quốc hội một số nội dung quan trọng về y tế, phòng, chống dịch bệnh
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). |
Gia hạn giấy phép hành nghề y khoa 5 năm 1 lần
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với cơ quan soạn thảo việc ghi nhận hình thức tổ chức này trong dự thảo Luật theo hướng quy định Hội đồng Y khoa quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập với các nhiệm vụ cụ thể, giao Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định Hội đồng Y khoa quốc gia chủ trì phối hợp với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về khám, chữa bệnh và cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh. Việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề sẽ không gây khó khăn cho người xin cấp giấy phép hành nghề và không bị ùn ứ kết quả.
Về thời hạn của giấy phép hành nghề, theo dự thảo Luật, cứ 5 năm 1 lần, người hành nghề thực hiện thủ tục gia hạn giấy phép hành nghề chỉ phải cung cấp thông tin chứng minh về sức khỏe, cập nhật kiến thức y khoa liên tục (có nhiều hình thức cập nhật kiến thức khác nhau). Dự thảo Luật cũng quy định việc gia hạn có thể được thực hiện trực tuyến (chủ yếu sẽ là gia hạn trực tuyến khi ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số).
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý cụ thể hơn theo hướng hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước và tư nhân được chia thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật. Cấp ban đầu sẽ bao gồm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có điều trị nội trú (phòng khám, trạm y tế xã); cấp cơ bản sẽ bao gồm các bệnh viện huyện, trung tâm y tế huyện, bệnh xá, bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tư nhân; cấp chuyên sâu sẽ bao gồm các bệnh viện tuyến cuối. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc phân cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh không làm ảnh hưởng đến hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo 4 cấp hành chính hiện nay.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự thảo Luật quy định Nhà nước bảo đảm kinh phí đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao khi thực hiện tự chủ. Bên cạnh đó, quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đã quy định việc định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải bảo đảm nguyên tắc bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh, chữa bệnh, do vậy cơ chế tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước quy định như dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi khi thực hiện.
Dự thảo Luật cũng quy định ngân sách nhà nước bảo đảm khi cơ sở thu không đủ chi để bảo đảm các điều kiện cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Để bảo đảm chất lượng cung cấp dịch vụ, dự thảo Luật quy định bắt buộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm định kỳ đánh giá chất lượng và cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm tra trên cơ sở kết quả đánh giá của cơ sở.
Về thẩm quyền của Nhà nước (Bộ Y tế) trong định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng 2 phương án xin ý kiến thảo luận của Quốc hội: Nhà nước (Bộ Y tế) quy định giá tối đa dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước; Nhà nước (Bộ Y tế) quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thanh toán bằng bảo hiểm y tế theo lộ trình, phù hợp khả năng ngân sách nhà nước và chi trả của người dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15. |
Đề xuất chuyển tiếp 2 chính sách tại Nghị quyết số 30/2021/QH15
Báo cáo đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Chính phủ kính đề nghị Quốc hội ghi nhận các kết quả đã triển khai thực hiện trong thời gian qua với sự tham gia tích cực, sự chung tay, đồng hành, vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ, ủng hộ của quốc tế, thể hiện rõ nét sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự lãnh đạo sáng suốt, chủ động, sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ghi nhận sự nỗ lực, chủ động, quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15, từ đó đã kiểm soát thành công dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, ổn định và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với một số chính sách đã triển khai nhưng cần thêm thời gian để thực hiện hết cho các đối tượng và giải quyết các vướng mắc, tồn đọng đối với các hoạt động đã thực hiện nhưng chưa được chi trả, quyết toán và trong thời gian sửa đổi, hoàn thiện các quy định, Chính phủ đề xuất Quốc hội việc chuyển tiếp thực hiện đối với 2 chính sách để bảo đảm quyền, lợi ích của người dân.
Cụ thể, các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 của cơ sở y tế và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thực hiện trước ngày 31/12/2022 theo các quy định của Nghị quyết số 30/2021/QH15 và các văn bản hướng dẫn mà chưa thanh toán xong thì được tiếp tục thực hiện thanh toán theo các quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và các văn bản hướng dẫn bảo đảm hoàn thành trước ngày 31/12/2023.
Về cơ chế thanh toán chi phí phòng, chống dịch cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh Covid-19 đang thực hiện theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 được hướng dẫn bởi Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 và Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 được tiếp tục cho đến hết ngày 31/12/2023.
Trong đó, cơ sở y tế công lập tiếp tục được sử dụng nguồn tài chính của đơn vị để chi phục vụ công tác phòng, chống dịch theo phân công của cơ quan có thẩm quyền và sau đó ngân sách nhà nước hoàn trả các chi phí này cho cơ sở y tế công lập. Tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh tại các cơ sở thu dung, điều trị do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế cho đến khi các cơ sở này chấm dứt hoạt động. Chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh. Trường hợp không bóc tách được chi phí khám bệnh, chữa bệnh và các bệnh khác để thanh toán theo các nguồn hoặc không thu được các khoản chi phí mà người bệnh phải trả theo quy định do nguyên nhân bất khả kháng thì được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Nghị định số 29/2022/NĐ-CP.
Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2024, giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đã nộp hồ sơ gia hạn mà chưa được gia hạn theo quy định Luật Dược thì được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành từ ngày hết hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024 đối với các trường hợp: Thuốc, nguyên liệu làm thuốc không thuộc trường hợp bị thu hồi giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Điều 58 Luật Dược 2016; thuốc, nguyên liệu làm thuốc không thuộc trường hợp có dấu hiệu không an toàn cho người sử dụng theo quy định tại khoản 6 Điều 77 Luật Dược 2016; thuốc, nguyên liệu làm thuốc không thuộc trường hợp cần phải tiếp tục theo dõi an toàn, hiệu quả theo kết luận của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo quy định tại khoản 6 Điều 56 của Luật Dược 2016.
Báo cáo thẩm tra về nội dung trên, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cơ bản nhất trí sự cần thiết chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược nhằm khắc phục tồn tại, vướng mắc đối với các chính sách đã thực hiện trong giai đoạn cấp bách thời gian qua và tình trạng tồn đọng việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hiện nay.
Ý kiến bạn đọc (0)