Triều Tiên phóng tên lửa hiện đại nhất để răn đe Mỹ - Hàn
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) rạng sáng 19/12 cho biết, lãnh đạo Kim Jong-un đã trực tiếp thị sát cuộc phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-18 diễn ra hôm 18/12. Tên lửa Hwasong-18 đạt độ cao tối đa 6.518,2 km, bay xa 1.002,3 km và lao chính xác xuống mục tiêu ở vùng biển phía đông Triều Tiên sau 4.415 giây.
"Hoạt động tuân theo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên về vô hiệu hóa mối đe dọa quân sự từ đối phương thông qua những hành động cảnh báo mạnh mẽ", hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA cho biết.
Tên lửa Hwasong-18 sau khi rời bệ phóng hôm 18/12. Ảnh: KCNA |
Truyền thông Triều Tiên nói rằng vụ phóng tên lửa Hwasong-18 là động thái đáp trả những động thái của Mỹ và Hàn Quốc, gần đây nhất là vòng đối thoại thứ hai của Nhóm Tham vấn Hạt nhân (NCG), trong đó Washington dọa đáp trả "áp đảo" nếu Bình Nhưỡng dùng vũ khí hạt nhân.
"Đợt huấn luyện nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng răn đe hạt nhân Triều Tiên và đã thể hiện độ tin cậy, năng lực tác chiến và khả năng cơ động của họ. Hoạt động này không gây tác động tiêu cực đến an ninh của các nước láng giềng", KCNA thông báo.
Đây là lần thứ ba Triều Tiên thử thành công tên lửa Hwasong-18 sử dụng nhiên liệu rắn, sau các lần thử thành công hồi tháng 4 và 7. Giới chuyên gia ước tính loại tên lửa này có tầm bắn hơn 15.000 km nếu được phóng theo góc tối ưu, đủ sức bao trùm toàn bộ lãnh thổ Mỹ.
Bình Nhưỡng mô tả Hwasong-18 là dòng ICBM mang động cơ nhiên liệu rắn đa tầng hiệu suất cao, trang bị công nghệ tách tầng và hệ thống điều khiển có độ tin cậy cao.
Các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trước đây của Triều Tiên đều sử dụng nhiên liệu lỏng, vốn dễ chế tạo hơn rất nhiều so với tên lửa nhiên liệu rắn. Dù vậy, tên lửa nhiên liệu rắn sở hữu hàng loạt ưu thế vượt trội.
Chúng không mất nhiều thời gian nạp nhiên liệu trước khi phóng, tăng khả năng cơ động, khó bị các hệ thống trinh sát của đối phương phát hiện và có thể triển khai từ nhiều địa điểm khác nhau. Tên lửa nhiên liệu rắn cũng tốn ít thời gian, công sức bảo dưỡng và di chuyển hơn nhiên liệu lỏng.
Phát triển ICBM dùng nhiên liệu rắn từ lâu đã là một trong những mục tiêu then chốt của Bình Nhưỡng, nhằm tăng khả năng sống sót của lực lượng tên lửa chiến lược khi nổ ra xung đột.
Ý kiến bạn đọc (0)