Trăng đậu sau nhà
- Có chuyện gì mà mặt anh xìu xịu thế?
Đặng không muốn nói. Dung gặng hỏi. Anh bảo:
- Gia đình anh không muốn anh gặp em nữa.
Dung chợt rùng mình. Cô hiểu lý do đó từ đâu.
- Chắc tại vì bố em nghiện mà!
Trăng rọi vào kẽ tóc Dung. Trong khung cảnh này, hơi thở của Đặng khiến cô thổn thức. Bờ rào cây ô thao đặc trưng nơi vùng núi này rờn rợn dưới ánh trăng. Tâm trạng cô cũng trĩu xuống, buồn như nước suối Na. Cô tiến sát Đặng. Khuôn mặt cô phả ra đặc màu trăng óng ánh.
Dung tủi thân quá đỗi. Là con gái họ Bạc, cô đã tự hào biết mấy, thì nay, thấy chông chênh bấy nhiêu. Con gái họ Bạc nhiều năm qua, được gả đi làm dâu khắp vùng Cò Phạ, đều giữ trọn vẹn nề nếp của một dòng họ có học. Đến đâu cũng được người ta quý trọng. Dung cũng được Đặng quý trọng.
Anh chàng có thân hình chắc như gỗ lim, kéo phăm phăm cùng lúc cả hai thân cây chuối lớn lên dốc ấy đích thị sẽ là người chồng tốt. Đặng lại có học, là người đầu tiên họ Vi ở vùng có bằng cao đẳng du lịch. Đặng dự định sau khi tốt nghiệp sẽ xin về làm cán bộ huyện bởi du lịch ở đây đang phát triển mạnh.
Ông Vi Trường Vình bố của Vi Trường Đặng ưng cái bụng con trai, thể hiện ra từng thớ thịt trên khuôn mặt. Ông cho rằng cưới Dung, hai bên môn đăng hộ đối. Nhưng người đàn ông uy tín nhất họ Bạc đã mắc nghiện. Vì sao thế chứ? Điều đó không khỏi khiến người ta hoang mang.
Dung và Đặng dẫn nhau ra mỏm đá bên suối Na. Đặng vuỗi sạch chỗ cho người yêu ngồi. Dung chăm chú nhìn cử chỉ của anh. Vẫn là anh của ngày trước, quan tâm và dịu dàng. Cuộc trò chuyện kéo dài đến lúc trăng lên thẳng đầu. Dung hơi dựa đầu vào vai Đặng. Lúc gần phải về, Đặng nói:
- Em khuyên bố đi, không thì anh chẳng biết làm thế nào.
- Vâng, em sẽ khuyên bố. - Mặt cô xịu xuống.
Cán bộ Bạc Văn Khổ vẫn không cai được nghiện. Ông đi làm, hết việc ở ủy ban thì về nhà. Phó Chủ tịch xã không được giao nhiều việc nữa. Người bản bảo con ma làm ông Khổ mờ mắt, che mất cái mắt ông nhìn. Ai khuyên ông cũng cằn nhằn chửi. Trước đây ông đến đâu thì dân cúi đầu nể, nay thì ngược lại. Người sốt ruột nhất là Dung, cả em gái Dung là Dìa. Hai chị em sợ muối mặt, đến cạnh bố đang chúi tâm với bàn đèn.
- Họ Vi cấm anh Đặng đến với con - Dung nói - Họ bảo thẳng rằng bố nghiện ngập, rồi của cải cũng ra đi, sự tôn trọng cũng chảy đi theo suối. Bố làm mất lòng tin rồi. Chúng con mong bố đập bỏ bàn đèn. Trong bàn đèn có con ma thuốc phiện. Hút có béo bở gì đâu. Con ma chỉ hại bố thôi.
Ông Khổ nổi cáu:
- Vậy không cưới xin gì nữa. Mày ở nhà, làm nương, lấy thóc lấy ngô về phục vụ tao và mẹ chúng mày.
Sự việc càng trở nên hệ trọng khi bố cô, ông Khổ đi sang bản Bon về. Ông bị bêu xấu bên đó. Người dân thách thức ông. “Không gương mẫu, làm sao chúng tôi noi theo. Chúng tôi không chấp hành”. Ông Khổ vẫn mang tiếng là cán bộ, không gương mẫu nói không ai nghe. Dân xúm vào. Nhà họ Vi cũng có người ở đó. Họ nói câu qua câu lại. Quay thế nào nói đến chuyện của Dung và Đặng. Đôi nam nữ yêu nhau đẹp nhất vùng, thế rồi nguy cơ tan vỡ.
Ông Khổ nói cóc thèm thông gia với họ Vi. Họ Vi bảo họ Bạc hết lộc rồi, họ Vi phát tiết. Từ nay lộc trời đến, cứ thế mà ăn. Ông Khổ uất ức, cãi nhau một hồi rồi được người ta can, đẩy về. Ông vừa đi vừa chửi. Về đến mái hiên nhà mình vẫn chửi. Đến lúc ôm bàn đèn vẫn chửi. Thấy Dung, ông chửi to hơn. Từ chửi người đến chửi con. Đôi bạn trẻ lén gặp nhau kể lại sự tình. Làm sao thoát khỏi cảnh này?
Chuyện hai người gặp nhau ông Khổ đã biết. Ông bắt Dung ở nhà. “Họ làm tao nhục, mày còn gặp gỡ thằng đó à? Mày muốn tao nhục thêm nữa, phải nhảy suối Na, suối Seo hay sao?”. “Họ làm bố nhục, hay là chính bố làm mình nhục?”. Lời nói của Dung phải nhận một cái tát. Đau điếng đến tận óc. Cô gái chúi xuống, suýt ngã xuống sàn, váy áo thổ cẩm xộc xệch. “Đã thế tao sẽ tìm xích để xích mày vào cột, khỏi phải đi đâu nữa”.
Ông Khổ nhanh chóng tìm được dây và cuộn xích ở chuồng ngựa để xích con. Cô bỗng trở thành tên tù nhân của chính bố đẻ. Xong, ông đi loanh quanh với vẻ mặt đau đớn khó chịu. Ông ngồi phì phèo châm thuốc rồi bỏ đi đâu đó. Đám khói kết hình thù rùng rợn, cũng đặc màu khó chịu. Chắc tìm bạn hút. Trong bản, chính ông đã thống kê mấy chục bàn đèn, những ai hay hút, những ai trẻ tuổi môi thâm. Ông Khổ từng thống kê.
Ông từng nói cho cả nhà biết mà. Ngoài ủy ban nắm rõ hơn cả, danh sách còn lưu. Bây giờ ông phản bội cả những dự định của mình. Con ma nào chui vào đầu, đã làm ông thay đổi nhanh đến vậy? Đêm. Ánh trăng lọt qua khe cửa gọi mời. Cả nhà đi ngủ, Dung vẫn ngồi một góc. Chân bị xích, lúc cần đi vệ sinh thì gọi, có người mở cho.
Đến đêm thứ ba thì Đặng đến tìm chìa khóa mở cho Dung. Chìa khóa ông Khổ giấu trong túi áo, nhưng mắc ở đinh đóng cột chỗ nằm. Đôi bạn nhìn nhau. Họ nhớn nhác tìm cách bỏ trốn. Cô em Dìa lúc này trở dậy làm Dung giật mình. “Dìa ơi, thương chị. Em đừng bảo gì với bố. Để anh chị đi”. Dìa gật đầu: “Em không nói đâu. Em ủng hộ hai người. Nhưng hai người định đi đâu? Em sẽ ở nhà chăm sóc bố. Nhưng phải làm gì đó để bố cai dứt đi chứ, nghe người ta nói ù tai lắm. Bố không làm cán bộ xã chắc chẳng đến nỗi”. Dung nhìn em, trào nước mắt: “Chị cảm ơn Dìa nhé”.
Thế là Đặng kéo Dung đi. Đi đâu, họ còn chưa biết kia mà. Nhưng lòng Dìa sôi lên. Tối chập chờn bản xa. Căn nhà thông thốc gió. Ông Khổ chợt nhớ đến Dung. Con bé đâu rồi? Rõ ràng nó bị xích chân, sao có thể bốc hơi được.
Trăng lách qua khe cửa, chui vào mắt Dìa. Ánh sáng của nó khiến cô nghĩ đến những đêm hẹn hò của anh chị, cũng như các đôi trai gái trong bản. Mải mê nghĩ về bắp chân của chị Dung sẽ leo dốc ngược, miệng thở hồng hộc ra sao, chợt Dìa nghe tiếng bước chân lên cầu thang gỗ. Là chị Dung. Sao chị lại quay về?
Dung đến trước mặt bố và em. Cô đanh giọng:
- Con muốn bố đi cai nghiện. Con và anh Đặng nói với nhau, không thể sống chui lủi được. Chúng con yêu nhau và muốn cả hai gia đình chấp thuận. Cái bụng bố quyết thì con tin gia đình bên kia cũng quyết. Vả lại, con không thể để em Dìa chịu tội thay con.
Ông Khổ chỉ gồng lên những câu ngụy biện. Tự dưng ông đuối lý trước đứa con gái. Nhận thức của nó thay đổi nhanh quá rồi à. Ông tự nghĩ. Chen giữa dòng suy nghĩ của ông vẫn là Dung. Còn Dìa thì nước mắt ngắn dài. Tại sao chị dại thế, đã đi rồi còn quay về làm gì.
Rõ ràng bụng ông thấy con đúng lắm. Nhưng cái tự ái trong ông dồn ứ, cục tức nuốt còn chưa trôi. Dung bồi tiếp: “Bố thương gia đình, thương chúng con, và thương chính bản thân bố. Hãy nghe lời con, nghe lời các chú ấy, về huyện cai thôi bố ơi”. Lúc sau cả Đặng cũng tiến vào, gan lỳ đứng, mặc ông Khổ chửi mãi cũng không đi. Ông Khổ thấy hình ảnh của mình trong cách mà bọn trẻ quan tâm đến nhau. Đứa con gái của ông, với đôi mắt lấp lánh ánh trăng, y như mẹ nó đứng bên gốc lê đầu xuân năm ấy.
Ông đã nghe thấy tiếng con gái và Đặng bàn với nhau dưới gốc lê. Chúng nhiều tâm trạng quá. Nhưng chỉ đến thế thôi, lòng tự ái lại chen vào, khiến ông hục hặc với bạn trai của con. “Chúng mày không được đến với nhau”, ông nói. Dung thưa: “Chúng con sẽ phải cưới nhau, bố ạ. Chúng con có cơ hội trốn đi, và giờ chúng con quay về để xin bố”.
Ông Khổ thách thức: “Vậy chúng mày cứ làm đi, nếu thấy giỏi”.
Dung bừng mặt, lao ra phía suối Na. Cô chạy như bay, Đặng hớt hải chạy sau. Họ chụm lại ở mỏm đá, lời tâm sự trôi dài sang phía trăng lên. Dung thấy sự quyết tâm của mình đúng lắm. Dung nhủ, phải đối mặt với hiện thực, không thể trốn tránh, bởi danh dự của dòng họ không thể dễ dàng mất đi.
Cô nói với Đặng: “Chúng mình bàn kỹ rồi mà. Phải có trách nhiệm trước gia đình và chính bản thân, anh nhá”. Đặng ôm Dung, nói thêm: “Suối Na đã nuôi bản làng này. Suối Na có lúc nhu mì, chầm chậm, lúc chảy xiết. Nhưng suối Na kiên trì. Bố em là một con người, một người cha. Anh tin một lúc nào đó bố em sẽ thay đổi”.
Một ngày kia, Chủ tịch xã không thấy ông Khổ ở trụ sở cả tuần. Ông về nhà tìm. Gặp ông Khổ đang bó gối bên hiên. Chủ tịch xã bảo:
- Này ông, cái bụng còn ấm ức à. Thằng Đặng là cháu trong họ tôi. Nó và con gái ông ưng bụng nhau. Chúng nó đến nhờ tôi. Tôi thuyết phục được bố thằng Đặng rồi. Ây dà, mình là người lớn ở xứ này mà. Mình không thể để ma men và ma thuốc phiện làm hư mình mãi. Tôi với ông đều thương bọn trẻ. Hãy cho chúng cơ hội.
Ông Khổ nắm tay ông Chủ tịch xã:
- Ông không trách tôi chứ?
- Tôi hứa không để bụng. Những người cùng ông đánh thổ phỉ năm nào cũng không để bụng đâu. Dưới xuôi người ta làm kinh tế giỏi lắm. Chúng ta cũng phải đi học làm giàu thôi!
- Hè này, mẹ tao hứa sẽ cho tao về ngoại. Thằng Phan và thằng Xô khoe với nhau niềm vui vì có mẹ. Chúng liếc nhìn Thương bằng cặp mắt đồng cảm:
- Mẹ mày mất rồi. Ba thì đi làm ăn xa. Bà ngoại mày thì già yếu. Tội mày. Phan bảo.
Diên Khánh
Ý kiến bạn đọc (0)