TP Bắc Giang: Dẹp chợ cóc, chợ tạm, xây dựng văn minh thương mại
Chợ cóc, chợ tạm mất an toàn, mỹ quan
Mặc dù tại phường Dĩnh Kế có chợ Kế và chợ Mé đã được xây dựng tại vị trí phù hợp vậy nhưng buổi chiều hằng ngày, dọc đường Lê Lợi đoạn gần giao cắt với đường Giáp Hải có nhiều người bán thực phẩm, rau quả trên vỉa hè. Hàng hóa đủ loại bày tràn lan trên bàn, dưới mặt đất. Hàng thịt, cá đổ nước thải lênh láng; cuộng rau, rơm rác xả luôn xuống đường.
Chợ cóc ven quốc lộ 17, đoạn qua xã Song Mai. |
Giờ tan tầm, cán bộ, công nhân, người dân dừng xe dưới lòng đường mua bán trong khi xe cộ qua lại đông đúc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Tan chợ, vỉa hè, đường phố ngổn ngang, nhếch nhác.
Bà Hoàng Thị Lan, người dân sống tại đây cho biết: “Trước cửa nhà tôi là dãy hàng cá, thịt chó, thịt lợn vừa bẩn vừa hôi hám nên cứ phải đóng cửa vì ruồi nhặng. Đi làm về dắt xe vào nhà cũng khó khăn. Tôi mong muốn UBND phường sớm giải tỏa khu chợ này”.
Nhiều hộ kinh doanh cho hay, họ chỉ bán hàng trong chợ Kế vào buổi sáng còn chiều đến lại bày hàng ngoài đường để tiện phục vụ khách tiêu dùng. Vì vậy lâu nay tại đây luôn có cảnh trong chợ thì vắng, phía ngoài lại đông người mua bán. Cũng có hạ tầng khá khang trang với hàng trăm ki-ốt song chợ Song Mai cũng chỉ họp một buổi sau đó các hàng thực phẩm, rau quả, đồ dùng sinh hoạt lại di chuyển ra ven đường.
Hằng ngày, ven quốc lộ 17 tập trung nhiều mặt hàng như rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống bày ngay trên nền đất, người mua tấp nập bất chấp xe cộ vun vút phóng qua.
Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 10 chợ cóc, chợ tạm nằm cả ở tuyến phố sầm uất cũng như len lỏi trong các khu dân cư. |
Tình trạng này còn xuất hiện ở một số nơi khác như Mỹ Độ, Dĩnh Trì, Thọ Xương… Tại TP có khoảng 10 chợ cóc, chợ tạm nằm cả ở tuyến phố sầm uất cũng như len lỏi trong các khu dân cư. Hầu hết các chợ tạm tồn tại song song với một chợ chính trong quy hoạch. Ví như chợ cóc Kế nằm cạnh chợ Kế, chợ Mé; chợ cóc đường Lê Lợi nằm cạnh chợ Thương; chợ cóc đường Thánh Thiên gần chợ Tiền Môn.
Nhiều thời điểm trong ngày, trong chợ chính vắng vẻ chỉ còn vài hàng bày bán còn hầu hết những quầy thực phẩm, rau quả đều tập kết ngoài lề đường, hình thành chợ cóc thu hút rất đông người mua và dừng đỗ phương tiện lộn xộn. Thói quen tiện đâu mua đó của nhiều người hiện nay khiến chợ cóc tồn tại thời gian dài mà không thể giải tỏa triệt để.
Tại những chợ cóc, chợ tạm, chất lượng thực phẩm khó kiểm soát. Các loại thịt gia cầm, thịt lợn, trâu, bò… hầu như không có dấu kiểm dịch của thú y. Thậm chí như ở xã Dĩnh Trì, dù chợ mới đã xây dựng khang trang, bề thế vài năm nay nhưng không hoạt động. Hộ kinh doanh và người mua vẫn tập trung ở khu chợ cũ sập xệ và lấn ra tuyến đường khu đô thị mới gần đó. Theo các hộ, việc kinh doanh tại chợ cũ đã quen khách và hiện nay chưa hết thời hạn hợp đồng thuê ki-ốt nên chưa muốn chuyển ra chợ mới.
Kiên quyết dẹp chợ cóc
Những năm gần đây, cùng với nguồn ngân sách, UBND TP kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu chợ và đưa vào khai thác phục vụ nhân dân. Hiện nay trên địa bàn TP có 14 chợ quy mô cùng 7 siêu thị, 7 trung tâm thương mại và 16 cửa hàng bán lẻ của WinMart, hàng trăm cửa hàng tiện ích.
Nhằm bảo đảm trật tự đô thị (TTĐT), xây dựng văn minh thương mại, UBND TP đã chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị phối hợp với các phường, xã tập trung giải tỏa chợ cóc, chợ tạm, xử lý hàng quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân, hộ kinh doanh thực hiện tốt các quy định về TTĐT, tăng cường tuần tra, nhắc nhở, xử phạt những trường hợp cố tình lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nhất là dẹp bỏ hàng rong, kiên quyết giải tỏa chợ cóc.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo kiểm tra và chấn chỉnh hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để bày bán hàng, đỗ phương tiện, nhất là ở các tuyến đường vốn phức tạp về TTĐT như: Yết Kiêu, Thánh Thiên, Lê Lợi. Nắm bắt tại một số khu vực đã bước đầu chuyển biến. Đơn cử như tại đường Yết Kiêu gần chợ Ngô Quyền; cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đường Quang Trung, Lý Thái Tổ; đường Trần Bình Trọng gần chợ tạm Hồ Bắc... tình trạng người dân mua bán hàng dưới lòng đường đã giảm, phố phường phong quang, sạch đẹp hơn.
Tuy nhiên, sau các đợt lực lượng chức năng ra quân xử lý, chấn chỉnh hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để bán hàng, dừng đỗ xe, không ít tuyến đường, phố ở TP Bắc Giang tình trạng này lại tái diễn. Nhiều chợ cóc vẫn nhộn nhịp trong khi chợ chính hoạt động chưa hiệu quả, chưa khai thác hết hạ tầng đã được đầu tư xây dựng.
Theo ông Đào Công Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP, để đáp ứng nhu cầu người dân, UBND TP tiếp tục quy hoạch và kêu gọi nhà đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ với mục tiêu đến năm 2025, trên địa bàn TP có 18 chợ. Tại các khu dân cư sẽ được bố trí đầy đủ, hợp lý hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng thuận tiện, bảo đảm vệ sinh, giá cả hợp lý phục vụ người dân.
Với quyết tâm không để tình trạng chợ tạm lộn xộn gây mất TTĐT và mỹ quan đường phố, UBND TP khuyến khích, hỗ trợ tiểu thương vào kinh doanh tại các chợ đã quy hoạch. Các phường, xã tuyên truyền nâng cao ý thức và yêu cầu tiểu thương ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè lòng đường để họp chợ. Cùng đó nhắc nhở mỗi người dân về trách nhiệm, văn hóa ứng xử trong mua bán, tự giác chấp hành quy định an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, từ bỏ thói quen “tiện đâu mua đấy” để xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Bài, ảnh: Quế Thương
Ý kiến bạn đọc (0)