Tổng mức đầu tư sân bay Long Thành giảm 2.500 tỷ đồng
Ngày 5/10, Bộ Giao thông-Vận tải cho biết, Hội đồng thẩm định nhà nước đã hoàn tất thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, khẳng định đủ điều kiện để trình Thủ tướng xem xét phê duyệt quyết định đầu tư.
Phối cảnh sân bay quốc tế Long Thành. |
Hội đồng thẩm định nhà nước cũng lý giải mức giảm hơn 2.500 tỷ đồng so với đề xuất trước đó. Theo báo cáo tiền khả thi, sân bay Long Thành có tổng vốn đầu tư hơn 111.689 tỷ đồng (hơn 4,7 tỷ USD).
Quá trình thẩm định dự án, Chính phủ đã ban hành Nghị định 68/2019 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng thay thế Nghị định 32/2015 (từng được áp dụng để tính toán báo cáo tiền khả thi).
Xét theo Nghị định 68, tư vấn thẩm tra tính toán tổng mức đầu tư là 109.111 tỷ đồng (hơn 4,6 tỷ USD), giảm 2.577 tỷ đồng (114 triệu USD) so với ban đầu. Trong đó, chi phí xây dựng giảm 1.761 tỷ đồng, chi phí tư vấn, dự phòng, lãi vay giảm 1.525 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án cần bổ sung chi phí thuê đất, tăng mua sắm thiết bị cho sân bay...
Nếu vẫn áp dụng cách tính theo Nghị định 32 trước đây, tư vấn thẩm tra đánh giá dự án sẽ giảm tổng mức đầu tư còn 109.232 tỷ đồng, giảm 2.456 tỷ đồng.
Dự án được triển khai từ năm 2020 đến 2025 là phù hợp với mốc thời gian tối đa theo yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, tư vấn thẩm tra khuyến cáo, dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp nên thời gian hoàn thiện báo cáo khả thi, chọn tư vấn thiết kế, nhà thầu có thể kéo dài hơn so với dự kiến, việc hoàn thành dự án vào cuối năm 2025 là khó khăn.
Theo lãnh đạo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đại diện chủ đầu tư, nếu được Chính phủ thông qua, doanh nghiệp sẽ nỗ lực để có thể đẩy nhanh tiến độ xây lắp, phấn đấu hoàn thành vào năm 2025.
Ngay khi dự án được phê duyệt, ACV sẽ thi công hạng mục đầu tiên là hàng rào sân bay. Hạng mục này có thể làm cuốn chiếu, có mặt bằng sạch tới đâu sẽ thực hiện tới đó.
Trước đây, một số đại biểu Quốc hội lo ngại sân bay Long Thành có suất đầu tư cao so với một số nước. Lãnh đạo ACV khẳng định suất đầu tư sân bay Long Thành tương đương sân bay Đại Hưng (Trung Quốc) và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Tổng mức đầu tư sân bay Long Thành được tính toán chi tiết dựa trên bản vẽ thiết kế cơ sở, đơn giá vật tư tại địa phương, báo giá của các nhà cung cấp, suất đầu tư của các công trình có tính chất tương tự.
Để thẩm tra tổng vốn đầu tư, Hội đồng thẩm định nhà nước đã thuê tư vấn nước ngoài để thẩm tra độc lập dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1, trước khi trình Chính phủ phê duyệt dự án nghiên cứu khả thi.
Sân bay Long Thành được quy hoạch theo 3 giai đoạn đến năm 2040 bao gồm: 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ đảm bảo công suất phục vụ 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hoá mỗi năm. Theo báo cáo nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành, giai đoạn một sẽ đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách mỗi năm, nhà ga hành khách 1,2 triệu tấn hàng hóa. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn một trên 111.000 tỷ đồng (4,7 tỷ USD), dự kiến năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác. |
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)