"Tổ quốc gọi, chúng ta ra trận"
BẮC GIANG - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với tinh thần "Tổ quốc gọi, chúng ta ra trận", hàng vạn sinh viên các trường đại học ở miền Bắc đã lên đường nhập ngũ. Hơn nửa thế kỷ đã qua, những sinh viên - chiến sĩ "xếp bút nghiên lên đường" năm ấy không quên ký ức một thời hoa lửa.
Trên thao trường Việt Yên năm ấy
Năm 1971, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước sang giai đoạn có tính chất quyết định, nhu cầu chi viện cho các mặt trận phía Nam trở nên cấp bách. Hàng vạn sinh viên các trường đại học đã được động viên lên đường nhập ngũ, đông nhất là đợt ngày 6/9/1971. Họ là sinh viên các trường đại học: Y, Dược, Tổng hợp, Bách khoa, Xây dựng, Sư phạm, Thủy lợi, Giao thông, Nông nghiệp…
Những người lính sinh viên ôn lại kỷ niệm ở thao trường Việt Yên. Ảnh tư liệu. |
Hôm ấy, tại hơn 40 trường đại học trên toàn miền Bắc đồng loạt vang lên tiếng trống. Khác với những mùa thu năm trước, tiếng trống không báo hiệu ngày khai trường mà là tiếng trống khai trận, khai lệnh cho hơn 3.500 sinh viên. Sau lệnh động viên tuyển quân, các sinh viên từ biệt giảng đường, từ biệt Thủ đô yêu dấu, hối hả lên tàu đến ga Sen Hồ (Việt Yên). Từ đây họ tỏa đi các vùng đồi núi ở tỉnh Bắc Giang, tập trung đông nhất ở hai xã Hương Mai và Việt Tiến (Việt Yên) để tham gia khóa huấn luyện cấp tốc trước khi vào miền Nam chiến đấu.
Đại tá Quách Văn Thủy (Hà Nội), cựu sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhớ lại: "Tàu hỏa đến ga Sen Hồ vào lúc nửa đêm, vậy mà đã thấy rất đông bà con Việt Yên tíu tít mang xe bò, xe cải tiến đến giúp chúng tôi chở vật dụng nặng của đơn vị về địa phương. Tiểu đội tôi được phân công ở nhà vợ chồng anh Chiến - chị Thùy ở thôn Mai Thượng, xã Hương Mai. Anh chị rất nghèo, có 6 người con, con út lúc đó mới 1 tuổi. Chúng tôi sống trong tình yêu thương, đùm bọc của gia đình. Có củ khoai, củ sắn anh chị cho chúng tôi ăn, có tấm phản nhường cho chúng tôi nằm. Chị còn làm cả một chum tương rất ngon, mỗi bữa cơm, chị múc riêng một bát để chúng tôi chấm rau muống, dầm với cà".
Ông Thân Quang Hoạt, phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang), cựu sinh viên Trường Đại học Xây dựng cho biết: "Chúng tôi ở nhờ nhà dân, mỗi nhà 3 người, sinh hoạt trong tổ “tam-tam”, được bà con yêu quý, coi như thành viên trong gia đình. Tuy tiêu chuẩn bữa ăn của bộ đội khá hơn sinh viên nhưng vẫn không đủ vì huấn luyện rất vất vả. Bà con thương nên cho sắn, khoai, thậm chí cả thịt gà, thịt lợn, rau xanh. Nhờ vậy, những người lính có điều kiện cải thiện bữa ăn, bảo đảm sức khoẻ".
Từ những chàng sinh viên tay quen cầm bút, hết giờ học cầm đàn, nay họ đi huấn luyện, ba lô trên vai, vác súng băng đồi. Thao trường ở Việt Yên là những chân ruộng mạ, đồi bạch đàn. Để có sức khỏe dẻo dai, các chiến sĩ phải tập mang vác nặng nhưng ai cũng cố gắng. Ba tháng cấp tốc huấn luyện, mọi người đều nắm được các thao tác, kỹ thuật, chiến thuật quân sự cơ bản, sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Chiến đấu ngoan cường
Rời thao trường huấn luyện, những người lính được biên chế vào các quân, binh chủng, có mặt ở hầu khắp các trận tuyến khốc liệt nhất. Thương binh Đỗ Huy Dư, phường Mỹ Độ (TP Bắc Giang), cựu sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) kể: “Mùa hè năm 1972, tôi trực tiếp chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị. Các loại pháo mặt đất bắn phá không ngừng. Đạn bắn rát, bộ đội ta vẫn kiên cường bám trụ từng mét đất, căn nhà. Tranh thủ ngưng tiếng bom, tiếng súng, anh em ăn tạm miếng lương khô, uống nước sông Thạch Hãn và chợp mắt. Không một ai chùn bước, lung lay ý chí”.
Đài chứng tích sinh viên - chiến sĩ tại Thành cổ Quảng Trị. |
Từng là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1, ông Nguyễn Ngọc Đủ ở phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) chia sẻ: Được Đảng, Nhà nước cho ăn học, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng nên những sinh viên vào chiến trường luôn lạc quan, tràn đầy khí thế, niềm tin chiến đấu. Sinh viên văn khoa đa phần lãng mạn. Đi trên chiếc xe zin 3 cầu, mặc cho bom đạn ầm ầm trên đầu nhưng những người lính vẫn yêu đời lắm. Chúng tôi hát hò, làm thơ suốt dọc đường hành quân. Những lúc nghỉ ngơi, nhiều người tranh thủ viết nhật ký chiến trường”.
Đến ngày đất nước thống nhất, nhiều sinh viên nhập ngũ năm 1971 đã nằm lại chiến trường. Sau này, một số trường như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam… đã xây dựng “Đài kỷ niệm cán bộ, sinh viên tham gia quân ngũ, bảo vệ Tổ quốc”. Với những người đã đi qua cuộc chiến, họ trở về giảng đường tiếp tục học tập, thực hiện ước mơ còn dang dở. Dù ở cương vị nào, các cựu chiến binh đều giữ gìn, phát huy phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, chung tay dựng xây, kiến thiết đất nước, quê hương.
Sau hơn nửa thế kỷ kể từ ngày nhập ngũ, dịp kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (tháng 4/2023), lần đầu tiên Ban Liên lạc cựu sinh viên - chiến sĩ Hà Nội đã tổ chức gặp mặt tại Việt Yên. Hơn 200 cựu sinh viên của 18 trường đại học đã trở về “thao trường Việt Yên năm ấy”, xúc động ôn lại ký ức hào hùng của một thời tuổi trẻ, tri ân nhân dân và cấp ủy, chính quyền địa phương đã đùm bọc, giúp đỡ bao người lính sinh viên trong những ngày đầu nhập ngũ.
Ý kiến bạn đọc (0)