Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12: Bớt gánh nặng mưu sinh nhờ nghĩa tình đồng đội
BẮC GIANG - Có một ngôi nhà kiên cố để ở, một công việc ổn định để làm, một nguồn vốn hỗ trợ lúc khó khăn để vươn lên… là ước mơ của không ít cựu chiến binh (CCB). Ước mơ chính đáng đó đã trở thành hiện thực khi họ được chính những người đồng đội quan tâm giúp đỡ.
Ngôi nhà nghĩa tình
Sau chiến tranh, những người lính Bộ đội Cụ Hồ trở về từ khắp các chiến trường, hòa mình vào cuộc sống mới. Nhưng vẫn còn đó những hoàn cảnh khó khăn. CCB Phạm Hồng Thái ở thôn Đồng Bông, xã Tân Hiệp (Yên Thế) là một trong số đó. Ông chia sẻ: “Tôi lớn lên khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ác liệt nên đã xung phong đi bộ đội chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và bị thương (loại 2/4). Miền Nam giải phóng, tôi trở về quê hương. Do sức khỏe không tốt, ốm đau bệnh tật liên miên, vợ mất đã lâu, các con cũng không dư dả gì nên tôi ở một mình trong căn nhà cũ xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều lúc ước mong có căn nhà kiên cố để che nắng, trú mưa nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn đành ngậm ngùi”.
Lãnh đạo Hội Doanh nhân CCB tỉnh trao tiền hỗ trợ làm nhà cho CCB Phạm Hồng Thái. |
Được Hội CCB tỉnh và Hội CCB huyện Yên Thế giới thiệu, Hội Doanh nhân CCB tỉnh đã khảo sát và đồng ý tặng 50 triệu đồng hỗ trợ ông Thái xây dựng căn nhà mới rộng hơn 40 m2 khang trang đẹp đẽ để ổn định cuộc sống. Ngày 17/12, “Nhà nghĩa tình CCB” được trao cho ông Thái đúng dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12 càng thêm ý nghĩa. Ông Đỗ Văn Quý, Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh xúc động: “Giúp đồng đội xóa được căn nhà cũ nát, chuyển sang căn nhà mới không chỉ là niềm vui của chính đồng chí mà cũng là niềm vui của những CCB Bắc Giang chúng tôi. Rất mong CCB Phạm Hồng Thái có thật nhiều sức khỏe, sống vui vẻ, không ngừng phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống”.
Theo Hội CCB tỉnh, năm 2024, Hội phấn đấu xóa 95 nhà tạm, nhà dột nát cho hội viên khó khăn. Đến hết tháng 10 đã xóa được 164 nhà (vượt chỉ tiêu 173%), tổng trị giá hơn 6 tỷ đồng. Trong số này Hội CCB tỉnh hỗ trợ xóa 24 nhà, Hội Doanh nhân CCB tỉnh hỗ trợ xây mới 7 nhà; Hội CCB các huyện, thị xã, TP hỗ trợ và vận động xây mới 41 nhà, sửa chữa 92 nhà và làm giúp gần 3,2 nghìn ngày công. Với quan điểm “An cư lạc nghiệp”, qua thực tế, khi các CCB không còn khó khăn về nhà ở thì tư tưởng của họ cũng thoải mái, phấn khởi. Từ đó, tham gia tích cực hơn vào các phong trào, hoạt động của Hội cũng như của địa phương.
Gắn kết đồng đội
Tháng 3/1979, chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, ông Nguyễn Văn Sơn ở xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) lên đường nhập ngũ. Sau 4 năm 3 tháng chiến đấu nơi biên ải, ông may mắn trở về lành lặn. “Là người lính Cụ Hồ, trong thời chiến hay thời bình vẫn luôn phải nỗ lực phấn đấu, không ngừng vươn lên”- ông Sơn tâm sự. Với tâm niệm đó, ông Sơn đã làm đủ mọi việc, từ trồng rau ăn, gieo con rau giống, làm dịch vụ vật tư nông nghiệp đến buôn bán vật liệu xây dựng... Năm 2001, ông thành lập Công ty TNHH Xây dựng Hương Tiến có trụ sở tại thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) do ông làm Giám đốc. Doanh nghiệp đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động, trong đó có nhiều CCB và con em của CCB. Anh Nguyễn Văn Khôi ở thôn Nhất, xã Cảnh Thụy, nhân viên Công ty Hương Tiến đã có 13 năm với công việc bán xăng.
CCB Nguyễn Văn Khôi ở thôn Nhất, xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) được Công ty TNHH Xây dựng Hương Tiến nhận làm nhân viên bán xăng, có thêm thu nhập. |
Anh bảo: “Tôi đi bộ đội ở Trung đoàn 460, Sư đoàn 338 đóng ở huyện Đình Lập (Lạng Sơn) - là đơn vị chú Sơn đã từng đóng quân. Khi xuất ngũ trở về, thấy tôi chưa có việc làm, chú đã nhận tôi vào làm công nhân. Được Công ty “nuôi ăn” hằng ngày, đóng bảo hiểm, cộng với mức lương 7,5 triệu đồng mỗi tháng (1 tháng làm 20 ngày), tôi thấy quá là may mắn”. Cùng làm tại công ty còn có các CCB: Đàm Đức Tuấn, thôn Bảy, xã Cảnh Thụy; Lê Văn Tuệ, thôn Thuận Lý, xã Tiến Dũng; Nguyễn Thế Quỳnh, thôn Bắc Am, xã Tư Mại… Được biết, với tấm lòng tương thân tương ái, năm nào ông Sơn cũng dành một phần đáng kể lợi nhuận để giúp đỡ người nghèo, khó khăn, trong đó có nhiều CCB. Tết Nguyên đán năm nay, ông Sơn cam kết dành 300 triệu đồng ủng hộ các hoàn cảnh khó khăn.
Toàn tỉnh hiện còn 789 hộ hội viên CCB nghèo. Để giúp đỡ, các cấp Hội đẩy mạnh phong trào giúp nhau giảm nghèo qua các hoạt động như: Góp quỹ cho nhau vay sản xuất không lấy lãi, xóa nhà dột, nhà tạm, giúp cây con giống, nhận CCB vào làm việc trong các doanh nghiệp, hợp tác xã. Mô hình “5, 10, 15, 20 + 1” của Hội CCB huyện Tân Yên là một điển hình. Theo đó, một nhóm gồm 5, 10, 15 hoặc 20 hội viên CCB có điều kiện khá, giàu cùng góp tiền (thấp nhất là 1 triệu đồng) cho 1 hội viên vay không lấy lãi để phát triển kinh tế.
Thí điểm từ đầu năm 2023 đến nay, toàn huyện Tân Yên đã xây dựng được 30 mô hình ở 22 xã, thị trấn với tổng số tiền hỗ trợ hơn 400 triệu đồng. CCB Nguyễn Huy Liệu, thôn Ngùi, xã Việt Ngọc được vay 21 triệu đồng để nuôi cá. Ông chia sẻ: “Khi xuất ngũ trở về địa phương, tôi tập trung vào làm kinh tế. Trong quá trình làm ăn không phải lúc nào cũng thuận lợi, nhất là làm nông nghiệp. Được vay số tiền này tôi thấy vui không chỉ vì số tiền được nhận đúng thời điểm mình cần, không cần phải thủ tục giấy tờ, cũng không phải lo trả lãi. Vui hơn nữa là tôi thấy mình được động viên về mặt tinh thần. Thỉnh thoảng anh em hội viên đến nhà chơi, uống trà, câu cá, chuyện trò, thư giãn cảm thấy tình đồng chí, đồng đội quý lắm, gắn kết nhau hơn”
Được biết, bên cạnh việc hỗ trợ trên, Quỹ nội bộ CCB còn có tổng dư nợ hơn 65,7 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, gần 4.300 lượt hộ hội viên được vay không lấy lãi hoặc lãi suất rất thấp để phát triển kinh tế, kịp thời giúp đỡ khi có công việc cấp bách, khó khăn. Nhờ đó, không chỉ nâng cao đời sống vật chất tinh thần của hội viên CCB mà còn tạo được tinh thần đoàn kết, gắn bó, thu hút, tập hợp được hội viên vào sinh hoạt hội.
Ý kiến bạn đọc (0)