Lừa truy cập vào đường link, quét mã QR để chiếm đoạt tài sản
BẮC GIANG - Gần đây, hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng liên tục biến tướng với nhiều thủ đoạn, trong đó có việc lừa người dân truy cập vào đường link hoặc quét mã QR giả mạo của cơ quan, doanh nghiệp. Từ đó, các đối tượng thâm nhập sâu vào điện thoại để đánh cắp thông tin cá nhân, rút tiền trong tài khoản ngân hàng của bị hại. Mặc dù phương thức, thủ đoạn này không mới song ngày càng tinh vi nên nhiều người vẫn “sập bẫy”.
Sáng 12/12/2024, chị Bùi Thị Th (SN 1996), trú tại phường Xương Giang (TP Bắc Giang) nhận được tin nhắn trên Facebook có người tự giới thiệu tên là Nguyễn Phương Trà hiện đang sinh sống, làm việc ở Hàn Quốc muốn mua 30 kg gạo của chị để gửi cho bố mẹ đang trú trên địa bàn phường. Đối tượng xin số tài khoản ngân hàng của chị để chuyển tiền trước.
Đối tượng lừa đảo làm giả hóa đơn chuyển tiền từ Hàn Quốc cho chị Bùi Thị Th. |
Chị Th hiện có cửa hàng bán gạo ở chợ, thỉnh thoảng đăng tin bán gạo trên Facebook cá nhân. Nếu ai có nhu cầu, chỉ cần chuyển tiền trước là chị cho người mang gạo đến tận nhà. Vì thế, khi đối tượng đặt vấn đề, chị Th không ngần ngại nhắn luôn số tài khoản của mình ở Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank). Vài phút sau, đối tượng gửi cho chị tin nhắn giả của MB Bank báo tiền đã được cộng vào tài khoản của chị. Tuy nhiên, chị Th kiểm tra tài khoản thì chưa thấy nên báo lại đối tượng.
Theo đó, đối tượng gửi cho chị Th hình ảnh chụp một biên lai chuyển tiền bằng hệ thống Western Union để làm bằng chứng (đây là hóa đơn chuyển tiền quốc tế); đồng thời nói rằng sẽ liên lạc với MB Bank để hỏi hoặc cho chị số diện thoại để chủ động liên lạc với ngân hàng. Trên biên lai chuyển tiền được ghi song ngữ Tiếng Anh - Hàn Quốc và thể hiện rõ người chuyển tiền là Nguyễn Phương Trà, người nhận tiền là Bùi Thị Th, với tổng số 1.250.000 đồng.
Khoảng 10 phút sau, chị Th nhận được cuộc điện thoại tự xưng là nhân viên của MB Bank báo chị đang có 2 món tiền bị treo. Thực chất, đây vẫn là đồng bọn với đối tượng lừa đảo. Đối tượng cho biết, để gỡ treo món tiền trên thì chị phải quét 2 mã QR do chúng chuyển đến; đồng thời yêu cầu chị chụp ảnh thẻ ATM (2 mặt) gửi lại chúng. Tin theo người lạ, chị Th dùng điện thoại quét 2 mã QR trên thì thấy trong tài khoản của mình bị trừ luôn 2 khoản, với cùng số tiền 9.999.999 đồng. Chị Th vẫn chưa hết bàng hoàng nói: “Bọn chúng giả làm hóa đơn của ngân hàng quá tinh vi. Bản thân tôi cũng chủ quan mất cảnh giác không kiểm tra kỹ nên mắc lừa”.
Một người dân trên địa bàn TP Bắc Giang đến Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) trình báo bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. |
Khác với chị Th, gần đây, anh Đồng Văn H ở xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang) bị đối tượng lừa mất tiền chỉ vì truy cập vào đường link giả của ngành Điện lực do đối tượng lạ chuyển đến. Theo anh H, ngày 29/11/2024, anh nhận được cuộc điện thoại của một người tự xưng là cán bộ Điện lực huyện Lạng Giang thông báo tiền điện của gia đình anh trong tháng 10 chưa đóng. Nếu trong vòng 24 giờ, anh không nộp khoản tiền trên sẽ bị ngành điện ngừng cung cấp điện cho gia đình. Trong lúc anh H đang nghĩ xem gia đình đã đóng tiền điện tháng đó chưa thì đối tượng tiếp tục gọi điện giục anh kết bạn Zalo. Chúng sẽ chuyển đường link để anh tải app thanh toán tiền điện rồi vào đó kiểm tra xem có đúng không.
Nghe theo đối tượng, anh H kết bạn Zalo và truy cập vào đường link do chúng chuyển đến rồi cài đặt ứng dụng app thanh toán tiền điện trên điện thoại. Vài phút sau, tài khoản ngân hàng của anh bị trừ mất 12 triệu đồng. Khi anh H hỏi lại Điện lực huyện Lạng Giang thì không có nhân viên nào gọi điện cho anh; gia đình cũng không nợ bất kỳ tiền điện tháng nào. App thanh toán tiền điện trên là giả mạo ngành điện. Lúc đó, anh H mới ngớ ra là mình bị lừa. Ông Nguyễn Văn Kh, cán bộ xã Nghĩa Hưng cho biết thêm: “Bản thân tôi cũng bị đối tượng lạ gọi điện tự xưng nhân viên Điện lực huyện thông báo gia đình chưa đóng tiền điện tháng 10/2024. Sinh nghi, tôi đã liên hệ với Điện lực huyện thì được biết gia đình không nợ tiền điện. Mấy lần sau, đối tượng điện đến, biết là lừa đảo nên tôi chặn số, gửi tin nhắn đến tổng đài để nhà mạng có biện pháp ngăn chặn”.
Giả danh nhân viên Điện lực TP Bắc Giang gọi điện lừa đảo khách hàng.
Theo thông tin từ Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, lực lượng công an toàn tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết gần 40 vụ liên quan tội phạm lợi dụng công nghệ cao, trong đó chủ yếu lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, gây thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng. Các thủ đoạn gồm: Lừa mua, bán hàng; giả danh cơ quan tư pháp, bác sĩ, nhân viên điện lực; đầu tư tài chính; tuyển cộng tác viên... Đặc biệt, vào dịp cuối năm, các đối tượng tập trung lừa đảo giả mua bàng online, giả chuyển nhầm tiền vào tài khoản, giả cơ quan chức năng thông báo công nợ… để từ đó dẫn dụ người dân truy cập vào đường link, tải app giả mạo của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoặc quét mã QR có mã độc. Khi bọn chúng thâm nhập được vào điện thoại của người dùng sẽ nhanh chóng chiếm quyền điều khiển, thực hiện các giao dịch rút tiền từ các tài khoản ngân hàng của bị hại.
Thiếu tá Chu Văn Hiệu, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) cho biết: Dịp cuối năm, hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao có nhiều diễn biến phức tạp, vì thế khuyến cáo người dân không truy cập vào các đường link hoặc quét mã QR do đối tượng lạ gửi đến; không thực hiện giao dịch theo yêu cầu của các đối tượng lạ khi nhận được điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến giao dịch ngân hàng. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, số tài khoản ngân hàng… cho người không quen biết. Nếu phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần nhanh chóng báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất; đồng thời thông báo để người thân, bạn bè biết phòng tránh.
Ý kiến bạn đọc (0)