Tri ân đồng đội
BẮC GIANG - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều người lính đã anh dũng hy sinh. Đồng đội may mắn còn sống trở về luôn đau đáu, tâm nguyện làm một điều gì đó có ý nghĩa nhằm tri ân những người đã ngã xuống cho cuộc sống thanh bình hôm nay.
Ông Nguyễn Thế Bổn (SN 1949) hiện sinh sống ở phường Lê Lợi (TP Bắc Giang), từng xung phong vào chiến trường miền Nam giữa lúc diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Từ năm đó đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng (năm 1975), do yêu cầu nhiệm vụ của người chiến sĩ quân báo, hoạt động, thu thập thông tin một cách cực kỳ bí mật, ông không được về thăm nhà cũng không hề có liên lạc với gia đình, do đó người thân ở quê cứ ngỡ ông hy sinh.
CCB Nguyễn Thế Bổn nhớ về đồng đội khi xem cuốn sách "Khu tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Đoàn 6 Pháo binh - tri ân những tấm lòng vàng". |
Ông Bổn kể: “Đó là quãng thời gian thanh xuân đẹp nhất và ý nghĩa nhất trong cuộc đời quân ngũ của tôi. Những năm tháng nghĩa tình đồng đội, đồng chí gắn bó sâu đậm, chia ngọt sẻ bùi, sống chết cùng nhau tôi không bao giờ quên được”. Trong 7 năm đó, đơn vị ông chủ yếu hoạt động ở chiến trường Tây Ninh, ven vùng đất thép Củ Chi. Sau ngày đất nước thống nhất, khi tình hình biên giới Campuchia diễn biến phức tạp, năm 1977, ông Bổn và đồng đội lại sang nước bạn giúp đỡ. Khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, ông rời Campuchia đến tỉnh Cao Bằng làm nhiệm vụ trong 4 năm. Qua nhiều đơn vị công tác, từ Học viện Chính trị, Tỉnh đội Hà Bắc rồi cuối cùng ở Ban CHQS huyện Hiệp Hòa, năm 1995 ông về nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tá.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, khi "cơm, áo, gạo, tiền" không còn là nỗi lo toan, nhiều cựu chiến binh (CCB) liên lạc với nhau, ôn lại kỷ niệm chiến đấu một thời. Trong cuộc đời binh nghiệp, ông Bổn không bao giờ quên trận chiến Vịnh Chèo vô cùng đau thương xảy ra vào sáng 29/12/1974. Thời điểm đó, Đoàn pháo binh 6, Quân khu 9 được lệnh phối hợp với đơn vị quân báo của ông và một số đơn vị khác tổ chức phục kích đánh địch trên cánh đồng ven rạch Vịnh Chèo thuộc ấp 6, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.
Thế nhưng do công tác hiệp đồng thiếu chặt chẽ, địa hình chiến đấu không thuận lợi khi mà giữa đồng Tháp Mười mênh mông nước là thế mà hôm đó nước lại rút, lúa vừa gặt xong trơ gốc rạ, thông tin liên lạc bị gián đoạn… nên quân ta bị lộ, địch tiến hành vây bắt, trận chiến thất bại. 51 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi. “Hình ảnh các liệt sĩ luôn ám ảnh, nặng trĩu trong lòng dù đã qua mấy chục năm. Mình còn sống về với gia đình thế này là hạnh phúc lắm rồi. Vì vậy tôi cùng những đồng đội còn sống luôn đau đáu phải làm một điều gì đó như một nén hương tưởng nhớ, tri ân”, ông Bổn ngậm ngùi.
Nhà tưởng niệm Di tích lịch sử - văn hóa “Trận chiến Pháo binh Vịnh Chèo 1974” được xây dựng khang trang. Ảnh tư liệu. |
Đúng 45 năm sau trận đánh bi hùng Vịnh Chèo đó, năm 2019, những CCB Đoàn pháo binh 6, Quân khu 9 lại có mặt nơi trận địa năm xưa để cùng nhau bàn tính chuyện xây dựng khu nhà tưởng niệm đồng đội hy sinh (gồm 51 liệt sĩ trận Vịnh Chèo và 392 liệt sĩ Đoàn pháo binh 6). CCB Nguyễn Thế Bổn khi đó đang nghỉ hưu tại TP Bắc Giang đã trích một phần tiền lương ủng hộ, rồi bỏ hết việc nhà, cùng với một số đồng đội lặn lội vào tận tỉnh Hậu Giang ăn ở tại đó hàng tháng trời để thực hiện nhiều đợt khảo sát với tâm nguyện được đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào việc xây dựng nhà tưởng niệm.
Ngay từ những ngày đầu, ông Bổn đã ăn ở, bám trụ trong căn nhà vách tôn dựng tạm giữa cánh đồng lúa Vịnh Chèo. Hình ảnh người CCB đất Bắc Nguyễn Thế Bổn đeo kính cận, đội mũ cối, khi thì mặc quân phục bộ đội, khi trong trang phục dân sự giản dị xắn quần chân thấp chân cao bám công trường, sâu sát với công việc đã trở nên quen thuộc với đội ngũ công nhân thi công công trình.
Sau hơn hai năm thi công, vào sáng 22/12/2022, đúng dịp kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với Ban Liên lạc truyền thống Lữ đoàn Pháo binh 6 (Quân khu 9) tổ chức Lễ khánh thành công trình Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Đoàn 6 Pháo binh và công bố Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với di tích “Trận chiến pháo binh Vịnh Chèo năm 1974”.
Công trình được xây dựng tại đúng địa điểm trận địa của trận chiến pháo binh Vịnh Chèo năm 1974 có diện tích 5.000 m2 gồm 12 hạng mục ý nghĩa như: Nhà thờ, bia đá ghi danh liệt sĩ, nhà chuông, nhà trưng bày truyền thống… Tổng giá trị công trình gần 27 tỷ đồng do các CCB đóng góp, vận động xã hội hóa từ đồng đội, các nhà hảo tâm. Đây là một biểu tượng linh thiêng của nghĩa tình người lính. Nghĩa cử đó vô cùng ý nghĩa, thấm đượm tình đồng chí, đồng đội, mang lại niềm động viên, an ủi cho những gia đình liệt sĩ cũng như đồng đội sát cánh bên các anh trong những ngày khói lửa chiến tranh. Đứng trước bia đá Khu tưởng niệm ghi danh các liệt sĩ, bên tiếng chuông ngân xa, vang vọng khắp cánh đồng Vịnh Chèo, nhiều lần ông lặng lẽ gọi: "Đồng đội ơi!…".
Ý kiến bạn đọc (0)