Còn mãi giai điệu tự hào
BẮC GIANG - Tôi sinh ra, lớn lên tại làng Đa Mai xưa, nay là phường Đa Mai (TP Bắc Giang), mảnh đất anh hùng từng hứng chịu những trận mưa bom, bão đạn của giặc Mỹ. Đây chính là nơi xuất xứ, ra đời bài ca “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, ca khúc bất hủ về tình quân dân, bản anh hùng ca ghi lại chân thực một thời đạn lửa trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ bằng không quân ra miền Bắc.
Dù chiến tranh đã qua mấy chục năm, nhiều bà mẹ năm xưa vá áo cho những người lính và nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý giờ đã về với đất mẹ nhưng bài ca ấy vẫn còn mãi với thời gian. Mỗi khi từng câu hát vang lên, cảm xúc trong tôi lại dâng trào. Không chỉ riêng tôi mà người Đa Mai dù ở nơi nào cũng rất đỗi tự hào về quê hương “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”.
Những người lính từng chiến đấu tại Đa Mai gặp mặt, tri ân các mẹ trong Hội Mẹ chiến sĩ. (Ảnh chụp năm 2000). |
Đa Mai nằm bên bờ sông Thương, nơi có cây cầu sắt nối tuyến đường huyết mạch từ biên giới Lạng Sơn chi viện cho tiền tuyến miền Nam những năm đánh Mỹ. Vào cuối năm 1964, sau thất bại nặng nề ở miền Nam, giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân. Thị xã Bắc Giang, cầu Sông Thương trở thành tâm điểm đánh phá của giặc hòng cắt đứt tuyến đường chi viện từ hậu phương ra tiền tuyến. Suốt 8 năm, từ 1964 đến 1972, với hơn 200 trận đánh, giặc Mỹ đã trút xuống vùng đất này hàng nghìn tấn bom, hàng trăm quả tên lửa, hàng vạn bom bi nhưng không làm lung lay được ý chí của người dân Đa Mai, quân và dân thị xã Bắc Giang.
Xung quanh địa bàn Đa Mai có 3 trận địa pháo cao xạ từ 37 mm đến 100 mm gồm: Đồng Găng, Chùa Đò và Vòng Xẻ để bảo vệ các mục tiêu: Cầu Sông Thương và tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn; kho xăng dầu; Nhà máy Phân đạm Hà Bắc... Lũ trẻ chăn trâu chúng tôi phải sơ tán sang tận đồng Giải, đồi Nan Bò gần với Đèo Lai, xã Nghĩa Trung (Việt Yên). Những ngày tháng ác liệt đó, khi còi ủ báo động ở thị xã rú lên, tiếng loa truyền thanh báo động dội đến là nghe thấy tiếng máy bay vọng xa xa rồi gầm rú trên bầu trời. Mỗi khi như vậy, chúng tôi nhìn lên cao xem máy bay địch bổ nhào thả bom, các trận địa pháo phòng không xung quanh gầm lên từng loạt đạn bắn trả dữ dội. Đã có lần chúng tôi hò reo khi máy bay địch trúng đạn loạng choạng, bốc cháy lao đầu xuống đất nổ tung. Có lần thấy cả phi công Mỹ phải nhảy dù...
Nếu ai đã từng sống ở thị xã Bắc Giang thời kỳ đó, hẳn còn nhớ cây cầu sắt bắc qua sông Thương có đợt lật úp nhịp xuống lòng sông. Khi ấy hầu như gia đình nào ở làng Đa Mai cũng có thành viên tham gia vào đội dân quân. Tôi đã thấy cha mình cùng những nữ dân quân đi làm đồng vẫn mang cây súng trường trên vai. Không chỉ vậy, lực lượng dân quân, phụ nữ trong làng, Hội Mẹ chiến sĩ Đa Mai còn tham gia nhiều công việc phục vụ các đơn vị bộ đội phòng không chiến đấu.
Bà Lương Thị Tới và Lương Thị Đỡ kể về kỷ niệm năm xưa vá áo cho chiến sĩ trong chương trình “Giai điệu tự hào”. |
Bà Lương Thị Tới (87 tuổi), vợ liệt sĩ ở tổ dân phố Mai Đọ kể: "Năm ấy tôi là cán bộ phụ nữ xã, trước tình hình chiến tranh ngày càng ác liệt, Hội Mẹ chiến sĩ họp quyết định phải tham gia phục vụ chiến đấu, giúp đỡ bộ đội 3 trận địa pháo đóng quanh làng. Công việc cụ thể là mang nước uống cho bộ đội, đan mũ rơm, vận chuyển đạn ra các ụ pháo. Tận mắt chứng kiến giặc ném bom liên tục, bộ đội ta chiến đấu suốt ngày đêm, thương các anh ấy quá nên chúng tôi chẳng còn biết sợ là gì nữa, cứ ngớt bom là lại lao ra ngay trận địa động viên, mang áo quần rách của bộ đội về giặt giũ, đưa cho các mẹ vá. Có hôm các mẹ chong đèn dầu vá suốt đêm cho chiến sĩ. Có những ngày, các mẹ phân công nhau khâu vá quần áo ngay tại trận địa". Nói rồi bà chậm rãi đọc một đoạn thơ các mẹ sáng tác để động viên bộ đội ngày ấy: “Mẹ thương chiến sĩ vô cùng/ Ngồi trên mâm pháo canh phòng ngày đêm/ Cũng vì máu chảy ruột mềm/ Mũ rơm áo giáp mẹ liền trao tay/ Áo rách các mẹ vá ngay/ Hy sinh không quản gian lao không sờn”.
Tôi đã nghe ông Đoàn Thao, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao, con trai của mẹ Giáp Thị Khôi - một trong những người đầu tiên có sáng kiến xây dựng Hội Mẹ chiến sĩ - kể rằng, khi đang học tập tại Liên Xô, ông đã rất ngạc nhiên bởi mỗi lần nhận được thư là một lần mẹ dặn mua thật nhiều cuộn chỉ gửi về. Sau này ông mới hay, những cuộn chỉ ấy được chia ra để các mẹ vá áo cho chiến sĩ.
Tái hiện cảnh các mẹ, các chị đan mũ rơm, áo giáp rơm phục vụ bộ đội tại nhà bà Lương Thị Tới. |
Những năm kháng chiến chống Mỹ, Hội Mẹ chiến sĩ Đa Mai đã khâu 2.500 tấm áo cho chiến sĩ, cùng nhân dân đóng góp hàng nghìn ngày công xây dựng 7 trận địa pháo cao xạ. Đặc biệt, có 30 chị em tham gia dân quân luyện tập quân sự sẵn sàng thay thế pháo thủ. Ngoài ra, các mẹ còn vận động nhân dân đóng góp tre cho bộ đội làm hầm tránh đạn, đan 387 áo rơm và 218 mũ rơm... Chính sự quan tâm, động viên kịp thời, tình nghĩa của những bà mẹ đã hun đúc, khích lệ tinh thần chiến đấu của bộ đội để chiến thắng quân thù.
Trong chiến tranh, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã có mặt ở đây. Hình ảnh những bà mẹ Đa Mai ngồi thâu đêm khâu áo cho các chiến sĩ đã in sâu trong tâm trí của nhạc sĩ. Ông đã lắng nghe câu chuyện của họ, vô cùng xúc động khi hình dung gương mặt các mẹ với những cặp mắt không còn tinh anh, những đôi tay run run vì tuổi tác vẫn cặm cụi vá áo bên ngọn đèn dầu leo lét nhằm tránh máy bay trinh sát của địch phát hiện được ánh sáng trong đêm. Ca khúc “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” ra đời trong hoàn cảnh ấy.
Bà Lương Thị Đỡ (79 tuổi) ở tổ dân phố Hòa Sơn bồi hồi nhớ lại: “Giữa những ngày tháng chiến tranh ác liệt, khi nghe thấy bài hát được phát trên radio, tôi xúc động đến chảy nước mắt. Với các mẹ trong làng thì còn nặng lòng hơn, có người cứ nghe bài hát mắt lại đỏ hoe. Làm sao không cảm động được khi lời bài hát có câu “Tấm áo ấy bấy lâu nay con quý hơn cơm gạo, đời mẹ nghèo trông áo rách, áo rách nên thương".
Thời gian trôi qua, vào năm 2000, tôi có cơ hội được chứng kiến cuộc giao lưu “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” giữa những người lính đã từng chiến đấu tại các trận địa ở làng Đa Mai với các mẹ ở Hội Mẹ chiến sĩ. Khi những câu hát "Các con ra đi đã mấy chiến trường/ mang theo cả tình thương của mẹ" được cất lên, có nhiều giọt nước đã mắt rơi. Những bàn tay các mẹ cứ nắm chặt tay các con bộ đội không rời.
Chiến tranh đi qua, cuộc sống mới hồi sinh trên mảnh đất vốn là những hố bom, trận địa, chiến hào. Vùng đất Đa Mai nay đổi thay, trù phú, không còn dấu tích của bom đạn. Những nhân chứng lịch sử ít ỏi còn lại như các bà: Lương Thị Tới, Nguyễn Thị Kính, Vũ Thị Nhẫn, Lương Thị Đỡ… hẳn sẽ không bao giờ quên ký ức về những năm tháng hào hùng ấy.
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ca khúc "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” được phát trên sóng VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam trong chương trình “Giai điệu tự hào”. Ca khúc nhắc lại ký ức về những tháng ngày không thể nào quên. Đó là bản hùng ca giàu cảm xúc, thắm đượm tình nghĩa quân dân, góp phần tạo nên chiến thắng của dân tộc.
Ý kiến bạn đọc (0)