Tìm mai giữa đại ngàn Yên Tử
Mỏi mắt tìm mai
Khi tôi nói có ý định mua mai vàng Yên Tử nhưng phải nhìn tận mắt mới trả giá, H - một thanh niên tại thị trấn Thanh Sơn (Sơn Động) cảnh báo: “Đường xa, khó đi lắm, chị không leo được đâu. Trai tráng khỏe mạnh như chúng em còn đi mất cả ngày nên chị cần cây thì em giới thiệu người đánh về cho chứ đừng cố lên làm gì”. Dù vậy, sau một hồi thuyết phục, H cũng đồng ý dẫn đường cho tôi.
Tác giả bên cây mai cổ thụ. |
Đứng trên đỉnh tường than thải cao chót vót, chỉ tay về phía rừng già, H nói: “Chị nhìn kìa, chúng ta phải đi bộ từ đây lên đến mãi chỗ kia may ra mới tìm được mai. Mà đoạn đường đi là thác ghềnh, dốc chứ không bằng phẳng đâu. Cây mà em thấy từ trước Tết chưa chắc đã còn, có khi bị đào mất rồi. Chị còn ý định đi nữa không?”. Thấy tôi vẫn quyết tâm, H tiếp tục dẫn đường.
Đi được vài chục mét trong rừng thì mất sóng điện thoại. Chúng tôi trèo qua những tảng đá rêu phong, lội suối và len qua rặng cây rậm rạp. Có chỗ nhiều phiến đá cao, trơn trượt khiến tôi rơi tõm xuống suối ướt gần nửa người nên hai chị em đành men theo lối cây rừng. Rừng sâu không một bóng người, âm u tĩnh lặng. H phăm phăm bước, thỉnh thoảng ngoái lại động viên: “Chị cố lên, sắp đến nơi rồi”.
Sau gần 4 giờ leo rừng, chúng tôi dừng lại nghỉ chân bên thác nước dội ầm ào, nơi cách địa điểm có mai vàng vài trăm mét, bỗng H kêu to và chỉ vào hố nước đọng: “Chị nhìn xem, đây là một phần thân gốc mai đã bị cưa. Có khi cây em định dẫn chị đến đã bị đào mất rồi”.
Theo kinh nghiệm của H, gốc mai này ít nhất cũng 30 năm tuổi. Sốt ruột, chúng tôi rảo bước nhanh hơn. Lúc chùn bước, chân tôi chậm lại thì đã mất dấu H, phải gọi to mới bắt được tín hiệu. Từ đằng xa, tôi nghe tiếng H vang lên: “Không còn cây rồi, đến chỗ phiến đá bị lật ngược lên, chị cứ ở đấy. Em tìm xung quanh xem sao”.
Cành và lá mai bỏ lại sau khi người đào lấy đi phần thân, gốc. |
Nhìn người đồng hành với ánh mắt cảm thông, H lại tiếp tục dẫn tôi đi tìm mai. Chui qua rặng tre gai góc, chúng tôi đi về phía cách cây mai đã bị đào gần 200 m. Bỗng H reo lên: “May quá vẫn còn chị ạ! Hồi em 10 tuổi trong một lần theo cậu ruột lên đây lấy lá cọ, măng thì cây này đã to, cành lá rậm rạp. Giờ em hơn 30 tuổi rồi chắc cây cũng chừng hơn 40 tuổi rồi đấy!”.
Trước mắt tôi, cây mai sừng sững mọc thẳng, rễ bám chặt vào những phiến đá to. Lấy tay đo đường kính thân cây, tôi ước chừng được gần 50 cm, cao khoảng 12 m. Tán lá xanh mỡ nhưng cành không còn sum suê nữa vì bị người dân lấy về cắm trưng Tết. H bảo, do cây to nên người ta chưa đào vì vận chuyển khó khăn. Nếu những cây kia hết thì sẽ đến lượt cây này thôi.
Để cây quý còn mãi với non thiêng
Chụp được ảnh mai, tận tay sờ, ôm gốc mai cổ, tôi hào hứng vì rút cuộc mình đã biết hình dạng mai rừng Yên Tử ra sao, điều mà trước đây chỉ nghe, thấy qua sách báo, ti vi. Trời đã sang chiều, chúng tôi nhanh chóng xuống núi.
Tương truyền, thế kỷ 13, sau khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con và lên núi Yên Tử tu hành, Ngài cùng các phật tử trồng cây mai vàng. Sau hàng thế kỷ, vùng Yên Tử đã có rừng mai cổ thụ. Vào mùa xuân, mai nở vàng rực, toàn thân chỉ hoa, không lá, nổi bật giữa vùng rừng xanh thăm thẳm. Nhìn xa, người dân ví hoa mai như tấm áo cà sa phủ lên non thiêng. |
Trên đường về đã thảnh thơi hơn, tôi có dịp nói chuyện với H nhiều hơn về mai vàng Yên Tử. “Chúng ta chỉ leo, đi không thế này đã quá nhọc rồi thì đánh cây, vận chuyển ra bằng cách nào?”- tôi hỏi.
H thành thật kể, thông thường đánh một cây mai cổ tính ra cũng chẳng được bao nhiêu tiền. Mỗi cây như thế, người đào phải huy động 10 người khỏe mạnh cùng khiêng. Vừa đi, vừa nghỉ có khi mất đến hai ngày mới ra đến cửa rừng. Mỗi cây như vậy bán khoảng 6-7 triệu đồng. Sau đó, giới chơi cây sang tay, mua đi bán lại có thể lãi gấp vài lần.
H cho biết: “Một người bạn của em ở Quảng Ninh là thợ chuyên nghiệp săn mai vàng. Vừa rồi nó gặp khách, bán một cây mai cổ giá gần 40 triệu đồng”. Cùng xã H, trong nhóm bạn cũng có 3 cây mai đào sẵn, gặp khách là bán. Loại này thường có khách đặt người dân mới lên rừng đào mang về. “Âu cũng vì muốn kiếm thêm vài đồng chứ chuyển cây không chỉ mệt mà còn nguy hiểm nữa. Chẳng may trượt chân rơi xuống ghềnh đá thì không có đường về”- H thở dài.
Câu chuyện về mai vàng cứ cuốn theo bước chân chúng tôi. Tương truyền, thế kỷ 13, sau khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con và lên núi Yên Tử tu hành, Ngài cùng các phật tử trồng cây mai vàng. Sau hàng thế kỷ, vùng Yên Tử đã có rừng mai cổ thụ. Vào xuân, mai nở vàng rực, toàn thân chỉ hoa, không lá, nổi bật cả một vùng rừng xanh thăm thẳm. Nhìn xa, người dân ví hoa mai như tấm áo cà sa phủ lên non thiêng.
Mai vàng Yên Tử cùng loài với cây mai vàng miền Nam nhưng mang vẻ đẹp riêng là nở theo chùm và một cây có rất nhiều chùm. Đặc biệt, loại mai này tươi khá lâu. Đợt Tết vừa qua, H chặt được một cành về cắm lọ chưng Tết mà để hai tháng hoa mới tàn.
Hoa mai vẫn tươi đẹp sau hai tháng chưng trong nhà. |
Lá của mai Yên Tử xanh mướt mỏng manh nhưng nhìn từ xa, màu xanh ấy khác biệt hoàn toàn và luôn nổi bật giữa vô vàn cây khác. Vì thế dân đi đào mai cổ thường căn cứ vào đặc điểm này của lá để nhận biết, tìm hướng đến.
Trên đường về, thi thoảng tôi thấy H dừng lại, nhổ vài cây mai con mang về trồng. Đây là do quả của mai già phát tán hạt, từ đó nảy mầm sinh trưởng mà thành. Dù cây nhỏ bé nhưng theo H cũng đã vài năm tuổi.
Nếu cứ đánh cả gốc, một ngày nào đó mai cổ không còn thì ắt hẳn mai vàng nhỏ không thể sinh sôi. Vì thế, H đã trồng một số cây mai nhỏ trong vườn nhà. Là người đi rừng nhiều năm, H nói bây giờ có khi đi cả ngày chẳng tìm thấy cây nào! Hơn nữa, mai vàng Yên Tử mọc theo các ghềnh đá. Khi đánh mai thường phải dùng mìn phá đá, có thể gây cháy rừng.
Nghe những chia sẻ của người gắn bó, am hiểu về núi rừng, tôi không khỏi lo lắng và nghĩ rằng, việc gìn giữ, ngăn chặn tình trạng đào gốc mai cổ hiện nay cần đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết nếu không muốn loài cây quý này bị “xóa sổ” ở vùng non thiêng Yên Tử.
Ý kiến bạn đọc (0)