Tiêu thụ vải thiều năm 2020: Khai thác hiệu quả thị trường nội địa
Nhiều bất lợi
Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, thời tiết thuận lợi nên theo Sở Nông nghiệp và PTNT, vải thiều năm nay được nhận định có chất lượng tốt nhất từ trước đến nay. Vải sớm bắt đầu cho thu hoạch vào khoảng 20/5. Bà Nguyễn Thị Hà, thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa (Tân Yên) cho biết: “Vụ này, lần đầu tiên tôi tham gia mô hình trồng vải GlobalGAP. Được chăm sóc đúng quy trình nên vải cho năng suất cao, ước thu về chừng 10 tấn quả trên diện tích gần 1 ha”.
Vùng vải xã Phúc Hòa (Tân Yên). |
Khoảng 10/6, vải thiều mới bước vào chính vụ. Với diện tích gần 30 nghìn ha, sản lượng vải ước đạt hơn 160 nghìn tấn. Tuy nhiên, việc tiêu thụ có nhiều bất lợi. Đó là, Trung Quốc-một trong những thị trường nhập khẩu vải thiều lớn của Bắc Giang đang siết chặt hoạt động thông quan để phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, tại cặp cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Việt Nam) - Thiên Bảo (Trung Quốc), từ ngày 9/4 phía Trung Quốc áp dụng quy định mới về quản lý người, phương tiện vận tải qua lại trong hoạt động giao nhận hàng hóa.
Trung Quốc chỉ cho phép những lái xe người Việt Nam có đăng ký hộ khẩu tại tỉnh Hà Giang được điều khiển phương tiện sang giao, nhận hàng và đi về trong ngày. Đồng thời, cũng giới hạn lái xe của Trung Quốc, chỉ bao gồm những công dân có hộ khẩu tại huyện Malipho, Châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam. Hiện, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Giang đã phối hợp với phía Trung Quốc thống nhất danh sách lái xe, mỗi bên 50 người để thực hiện vận tải hàng hóa tại cặp cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Việt Nam) - Thiên Bảo (Trung Quốc).
Tại cửa khẩu Lạng Sơn cũng giới hạn, rút ngắn thời gian thông quan; quản lý nghiêm cửa khẩu và các đường mòn biên giới; tăng cường quản lý đối với xe hàng và lái xe qua biên giới. Việc hạn chế thông quan đã khiến nhiều nông sản trong nước bị ùn ứ, chủ hàng thiệt hại nặng.
Ông Đinh Văn Hùng, Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Hùng Thảo (Lục Ngạn) cho biết: “Đơn vị chuyên thu mua xoài của nông dân một số tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp. Khi hàng ùn ứ bị thối hỏng tại cửa khẩu Lạng Sơn đã mất trắng hàng tỷ đồng”.
Ưu tiên thị trường trong nước
Trước thực tế trên, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Bắc Giang đã đưa ra 3 kịch bản, trong đó có kịch bản xấu nhất không xuất khẩu được vải thiều do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong tình huống này sẽ tập trung tiêu thụ sản phẩm trong nước. Tỉnh cũng sẵn sàng kích hoạt các kịch bản để chủ động, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người trồng vải bán được nông sản.
Gần 30 nghìn ha trồng vải của Bắc Giang đã được đánh mã số vùng trồng cho các nhóm thị trường. Cùng đó, gần 400 doanh nghiệp dịch vụ logistics từ bao bì, mẫu mã, vận tải hoạt động chuyên nghiệp, từng bước góp phần phát triển nông sản một cách bài bản, đồng bộ". Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường. |
Ông Trần Quang Tấn phân tích, thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, trong khi toàn châu Âu cũng chỉ có khoảng gần 500 triệu dân, như vậy thị trường nội địa là không hề nhỏ.
Tốc độ tăng trưởng và đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao thì đây là một thị trường lớn để tiêu thụ vải thiều. Hiện nay, Sở Công Thương đang tổ chức xúc tiến các thị trường miền Trung, Nam, kết nối với các tỉnh để đưa vải thiều vào các chợ đầu mối, hệ thống bán lẻ, siêu thị.
Về thăm vùng vải Bắc Giang vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, vải thiều Bắc Giang chiếm tới 50% tổng sản lượng vải thiều của cả nước. Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sản lượng vải thiều nhưng chỉ có khoảng 400 nghìn tấn vải.
Hơn nữa, những năm vừa qua, hằng năm có khoảng 26 - 30 tỉnh, TP đến xúc tiến thương mại cùng Bắc Giang nên vải thiều đã vào thị trường phía Nam từ nhiều vụ. Nhiều tập đoàn phân phối lớn tại Việt Nam như: Big C, Coopmart… đều đã đến Bắc Giang khảo sát, có kế hoạch cho vụ vải này. Do vậy, tổ chức tốt khâu thị trường thì tiêu thụ nội địa sẽ thuận lợi.
Ông Kamirim Noui, Giám đốc thu mua và xuất khẩu Big C Việt Nam nói: “Đơn vị đã tiêu thụ vải thiều nhiều năm qua và nhận thấy chất lượng vải của Bắc Giang thật tuyệt vời. Vì thế, vụ này chúng tôi đã khảo sát tại Tân Yên và Lục Ngạn, tiếp tục đặt hàng để thu mua, bán vải thiều trong hệ thống của Big C”.
Bắc Giang có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và tiêu thụ vải thiều. Cùng với việc xây dựng kịch bản tiêu thụ, xúc tiến, quảng bá, Bắc Giang đang tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thương nhân tiêu thụ. Thực tế năm ngoái, dù không phải xuất khẩu nhưng lần đầu tiên 12 quả vải GlobalGAP có giá 200 nghìn đồng.
Điều này cho thấy, vải thiều rất có tiềm năng, giá trị cao nếu khai thác tốt thị trường trong nước. Ngoài ưu tiên thị trường trong nước, Bắc Giang cũng tiếp tục khai thác thị trường truyền thống và từng bước xuất khẩu chính ngạch. Hy vọng với các giải pháp trên, năm nay chúng ta sẽ có một vụ vải thiều thắng lợi.
Trường Sơn
Ý kiến bạn đọc (0)