Hội thảo đề xuất giải pháp phát triển cụm tương hỗ vải thiều ở Bắc Giang
Quang cảnh hội thảo. |
Dự hội thảo có đại diện các viện, trung tâm nghiên cứu thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và một số doanh nghiệp tham gia sản xuất, đóng gói và xuất khẩu nông sản.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ độc lập cấp quốc gia “Nghiên cứu phát triển cụm tương hỗ vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang” từ năm 2018. Hiện, đề tài đã giải quyết được các nội dung cơ bản về cụm tương hỗ, đưa ra nội hàm, phương hướng, giải pháp phát triển cụm tương hỗ vải thiều ở Bắc Giang.
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận một số vấn đề như: Đánh giá, đề xuất tổ chức sản xuất kinh doanh vải thiều và vải sớm, vùng địa lý tập trung Lục Ngạn theo chu trình và vòng đời cụm tương hỗ; đổi mới tổ chức lãnh thổ địa lý tập trung tiềm năng, lợi thế của Lục Ngạn trong sản xuất, kinh doanh hai loại vải thiều theo chu trình và vòng đời; áp dụng quản trị tinh gọn 5S made in Vietnam hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh vải thiều tại huyện Lục Ngạn theo hình thức cụm (Clusster).
Cùng đó, đánh giá đầu tư, cạnh tranh kinh tế và giá trị gia tăng cho sản xuất, tiêu thụ vải thiều ở Bắc Giang theo hình thức tinh gọn; đánh giá thực trạng xuất khẩu nông sản của Việt Nam giai đoạn 2009 - 2018, giải pháp xuất khẩu những năm tới; cơ chế, chính sách tổ chức sản xuất kinh doanh...
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội thảo. |
Được biết, hiện nay, tổng diện tích trồng vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn khoảng 28 nghìn ha, mục tiêu của tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 xuất khẩu vải thiều vào thị trường Nhật Bản nên các biện pháp được tỉnh triển khai rất khẩn trương, tập trung. Tỉnh chú trọng kết nối đồng bộ 4 nhà gồm: Nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân để tạo thuận lợi trong việc tiêu thụ vải thiều.
Kết thúc hội thảo, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá cao các ý kiến thảo luận tại đây; đồng thời đề nghị các cơ quan nghiên cứu đưa ra các giải pháp cụ thể hơn nữa trong việc phát triển cụm tương hỗ vải thiều trên địa bàn tỉnh trên cơ sở căn cứ vào tình hình thực tiễn sản xuất tại địa phương. Mục tiêu nhằm phát triển vùng sản xuất vải thiều tại Bắc Giang ngày càng hiệu quả, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh.
Hoàng Phương
Ý kiến bạn đọc (0)