Tiếng mõ trâu
Bà chỉ tay vào đám rêu mọc xanh ở chân tường gạch bảo: “Ẩm ướt là lũ rêu này nó mọc nhanh. Dạo bà còn ở trên Đồng Ngải, rêu này nhiều lắm, kín các ngõ lát gạch”. Tôi bỗng sực nhớ ra cái xứ mơ hồ và kỳ lạ bà vẫn hay kể với chúng tôi mỗi đêm. Đồng Ngải xa xôi mà huyền hoặc.
Tôi chưa bao giờ đến đó. Bố mẹ tôi dường như cũng muốn đi một chuyến nhưng bà không cho thì phải. “Bà kể đi, Đồng Ngải của bà có những gì?”- tôi ôm cổ bà nhõng nhẽo. “Cha bố cô, cũng biết nói Đồng Ngải của bà. Muốn kể, nhưng có đám rêu mọc khắp trí nhớ của bà rồi”… Bà bỗng nhìn xa xăm. Mấy đứa ngừng tay bóc lạc, xem chừng không hiểu đám rêu vẫn ở chân tường kia sao nhảy vào đầu bà được. Tôi buông cổ bà, ngồi sát vào lòng bà.
Cụ Tổng Quỳnh nổi tiếng khắp xứ, được người ta gọi là chúa tể trâu. Nhà cụ có đến mấy trăm con trâu mộng đẹp như tranh vẽ, chiều chiều đi thành hàng dài dưới chân đồi. Cụ Quỳnh có cái roi da bò khiếp lắm. Nhìn cụ đeo roi da, cưỡi ngựa đi thăm bãi thả trâu là mấy người giúp việc sợ xanh mắt. Hai bà vợ của cụ đưa mắt nhìn nhau mỗi lúc cụ dắt cái roi vào cạp quần. “Roi phép thuật hả bà”? “Ừ, phép thuật lắm, thế mà lại bỏ quên cuộc đời bà cụ Mía- Tết này bà sẽ cho cả nhà lên Đồng Ngải một chuyến, bà già rồi, lẽ ra bà không nên cố chấp, ở đó là một thế giới khác, lũ bay mang thân phận khác”... À, chuyện cụ Mía, tôi từng nghe bà kể. Cụ Mía là con gái vợ hai của chúa trâu. Bà nội xem chừng nhớ cụ Mía, mắt đã đỏ lên.
Minh họa của Thế Đại. |
Ngày đó Đồng Ngải chỉ có rừng và đồng ruộng, cụ Tổng Quỳnh ngày ngày rong ruổi đi khắp vùng giao lưu với các chánh tổng khác, cụ Cả làm dâu ngày ngày quần quật việc đồng áng nhà cửa, quán xuyến, trông coi người làm và đàn trâu lớn. Ba giờ sáng cụ Cả đã dậy xay lúa giã gạo. Ngày cụ Tổng Quỳnh mang theo người đàn bà đẹp về nhà thì đêm đó cụ Cả bỏ nhà đi. Cụ Cả đã đến chân trời nào không ai tìm thấy, 5 người con ở lại lớn lên gắn với việc buôn bán đàn trâu của gia đình. Sau này ai cũng thành người giàu có và ai cũng đau đáu đi tìm mẹ.
Mía 18 tuổi, đẹp như Bạch Tuyết trong cổ tích, ngồi dưới gốc đào chờ mong chàng trai của mình. Chàng là người đẹp trai nhất vùng này. Tiếng vó ngựa khua tan sương sớm. Chàng đánh xe chở hoa đào về phố cho người ta chưng Tết. Chàng đã bế Mía về khi cô lạnh cóng nằm trên ngôi mộ hoang ngày nào. Mía vốn dĩ không thuộc về lam lũ - ai cũng bảo vậy, nhưng Mía tin đó là số phận. Mía trải tấm bạt, ngả lưng xuống gốc đào, đầu gối lên cái giỏ nan đựng đầy quả bông mới hái.
Mía bỏ cái mõ trâu ra giơ lên cao ngắm nghía, mõ làm bằng miếng gỗ bóng nước thời gian, gắn thêm ba cái lục lạc bằng bạc. Mía lúc lắc, âm thanh vang lên xa vắng như vọng về từ ký ức thẳm sâu. Mẹ đã chạy theo Mía, khoác lên cổ Mía cái mõ, vuốt má Mía và dặn: “Con giữ lấy rồi còn về nhà”. Nhưng cuộc về nhà của Mía chưa biết là khi nào. Ai cũng bảo, sao Mía lại tự dưng bị lìa khỏi gia tộc vương giả để ở với người đàn bà cô đơn, nghèo khó nhất vùng trung du này. Nhưng Mía biết, dòng sữa cô bú mớm từ còn nhỏ là của u Xoan. Ngày vợ bé cụ Quỳnh đẻ sinh đôi hai cô con gái sau ba bận con trai trước đó, u Xoan đã đến làm vú nuôi.
Vú muốn xin cụ Quỳnh bé Mía về nuôi cho nhà có tiếng người, một hai năm thì mang trả, bởi vú đã không may mất con từ lúc nó mới sinh ra. Cụ Quỳnh đồng ý, vậy là Mía theo u Xoan ra đi. Mẹ Mía thì khóc, ngồi như hóa đá giữa 9 đứa con vừa của bà Cả vừa của mình. Nhưng không ai dám trái lệnh cụ Quỳnh.
Bé Mía cầm cái bánh nướng theo u Xoan. Ở nhà Mía có tên Kiều Trang. Mẹ giục Kiều Trang ôm mẹ và chị đi. Mía quay lại ôm mẹ và áp người vào chị. Mía phải quên thân phận Kiều Trang về ở cùng u Xoan trên một căn nhà sườn núi. Ngày ngày theo u đi mót sắn, bắt cua. Mà rồi Mía quên thật, Mía cứ nghĩ mình sinh ra là để lầm than như vậy.
Có buổi chiều Mía đi theo bà già buôn trầu vỏ đến đứng trước cổng nhà cụ Quỳnh, nhìn thấy cô gái trạc tuổi mình mặc bộ đồ lụa nô đùa. Mía đứng chờ mẹ ra thì vào nhà, nhưng không thấy, hầu như không ai còn nhận ra Mía nữa. U Xoan đã kéo Mía về, rồi chuyển nhà đi nơi mới, tận cái chợ ven sông. Hai mẹ con bán nước chè, kẹo lạc cho người qua đò.
Người ta kể, lẽ ra vài năm bà vú phải mang Mía về trả cho cụ Quỳnh, nhưng vú tham, nuôi mãi, lại còn trốn đi xa. Đến lúc Mía 16 tuổi mới đánh tiếng cho Mía trở về, cụ Quỳnh giận, không nói nửa lời, vậy là vú không dám quay lại nữa. Mẹ của Mía thì vẫn âm thầm nhờ người đi tìm tung tích u Xoan.
Bọn tôi không biết rằng, trong lòng bà luôn nhớ thương Đồng Ngải, luôn muốn trở về, nhất là nhiều năm trước bà đã đi theo mẹ mình - cụ Mía về dự đám tang của cụ Tổng Quỳnh và người đàn bà thêu nổi tiếng. Bà đã thả vào lửa đốt cái thư mời trở về của người anh trai, vì giận, vì tủi thân, vì mặc cảm… |
Mía rung rung cái mõ, tiếng của nó gọi gió, gọi nắng của xứ Đồng Ngải về ngay trên đầu. Đàn trâu mấy trăm con của cha đi vòng quanh các sườn đồi, bóng chiều rạp xuống cho tiếng mõ bay cao hơn, đi xa hơn. Lốc cốc, lốc cốc… tiếng mõ len qua vách đá, len qua những bức tường nâu sẫm thời gian, bay trên đồi hoa đào, mang theo bao ấm ức khổ cực đã qua. Tiếng mõ bỗng du dương, khao khát, mê hoặc và trải dài, thật dài kéo theo vạt sương khổng lồ. Mía và chàng trai của mình nằm trên thảm sương ấy ngắm núi đồi. Mía đẹp, cô ý thức được mình như thế, nhưng Mía sẽ không sống cuộc đời của u Xoan. Nhiều đêm Mía thấy u Xoan lén khóc, ngồi bên giường sờ lên khắp mặt mũi thân thể Mía. Trong hình dung, Mía thấy mẹ đẻ mình mặc váy lụa đỏ, ngồi bên thềm nhà thêu thùa. Lụa đỏ trút xuống trước mắt cha Mía. Cha mẹ Mía đã yêu nhau, tan vào trong tiếng mõ đều đều.
Mía nghe thấy người ta kháo nhau ở cái xứ Đồng Ngải hồi xưa đó, con cháu cụ Quỳnh đề huề đông đúc, mẹ Cả đã trở về, tu tại gia ngay cái chùa sau nhà. Mẹ Hai của Mía - mà của cô bé Kiều Trang mới đúng thì đẹp nổi tiếng, làm bà chủ của thương hiệu khăn thêu tay. Đàn trâu đã không còn, cả nhà chuyển qua kinh doanh buôn bán mật ong. Mía không biết những cái mõ trâu đã đi đâu. Tiếng của nó có khi còn lưu lạc trên cánh đồng rau ngải mênh mông. Hay đêm đêm vẫn nối đuôi nhau bay vòng quanh các ngọn đồi, hú tìm nhau, kết lại thành khối vang vọng, làm nên những câu chuyện ma huyền thoại?!
Chàng xe ngựa đẹp trai của Mía là con trai cả của gia tộc chuyên vận tải thuê bằng ngựa. Chàng vạm vỡ, khỏe mạnh, khuôn mặt thanh tú và giỏi thổi sáo. Tiếng sáo đã làm Mía thức giấc, đêm ấy, Mía ngủ quên trên mộ hoang. Chàng bế Mía về nhà, cho uống nước ấm, đắp cho Mía tấm chăn chờ Mía tỉnh lại. Mía chỉ nhớ, có tiếng sáo đã dìu Mía đi rất xa, đến tận bến sông nơi u Xoan đã mất. Bến sông toàn hoa bỉ ngạn, màu đỏ chói ngời đổ tràn mặt nước. Mía thấy mình bước lên cầu Nại Hà bên bến Vong Xuyên chuẩn bị uống bát canh quên hết quá khứ của Mạnh Bà thì tiếng sáo giật lại, tiếng sáo của người đàn ông đầy uy quyền đã bế Mía lên, chạy một mạch ra khỏi bến sông, bỉ ngạn hoa đỏ lùi xa một dặm dài.
“Anh là ai”? “Vậy em là ai? Sao lại ngủ ở nơi kỳ lạ”? “ Em đi bắt cua”. “Không thể tin nổi… Anh là người ông trời sai xuống cứu em”… Chỉ nói có thế, chàng trai biết thừa Mía đẹp, dù trên người là bộ quần áo rách. Mía đưa anh chàng về bến sông, kể lại gia cảnh. Rồi Mía đồng ý về làm người ghi sổ sách cho nhà chàng. Mía ở một mình trong căn nhà nhỏ cạnh vườn đào. U Xoan chỉ cho Mía học đến cấp hai nhưng trời phú cho Mía trí thông minh tuyệt vời, việc gì chỉ cần nhìn một lần là Mía làm được, sổ sách tính toán sau vài tuần học việc Mía làm chu đáo.
Mía khéo tay, đan được những chiếc áo len khăn len đẹp mê mẩn. Kia rồi, người yêu đã đến, Mía ào xuống chân đồi, ôm chầm lấy chàng trai của mình. Hai người nắm tay nhau đi trong vườn đào. Xuân này, hoa nở đẹp, sẽ chọn những cành già ủ nhiều sương gió mang về thành phố bán. Mía ríu rít trò chuyện, lâu lâu chàng trai lại bế bổng Mía lên xoay tròn, hoa đào bay như mưa trên tóc Mía... Và họ thành chồng vợ.
- Sao bà lại quyết về Đồng Ngải, bố mẹ con bảo muốn về lắm mà bà có cho đâu?
- Ừ, hoa đào năm nay nở đẹp quá, bà được sinh ra từ rừng hoa đào đấy, cụ Mía là ai mấy đứa biết chưa?- Bà nói như trả lời cho mình, chẳng để ý bọn tôi.
Tôi nhìn lên tấm ảnh cụ ngoại, hai cụ đều đẹp như diễn viên. Chẳng lẽ? Tôi hỏi: Thế cái mõ trâu đâu bà? Bà run run chỉ tay lên cây núc nác cuối vườn: Không đứa nào để ý à? Qua bố mày treo lên đấy hộ bà rồi, để nó kêu vui tai.
Bọn tôi không biết rằng, trong lòng bà luôn nhớ thương Đồng Ngải, luôn muốn trở về, nhất là nhiều năm trước bà đã đi theo mẹ mình - cụ Mía về dự đám tang của cụ Tổng Quỳnh và người đàn bà thêu nổi tiếng. Bà đã thả vào lửa đốt cái thư mời trở về của người anh trai, vì giận, vì tủi thân, vì mặc cảm…
Ánh sáng tràn đến trên sân rêu. Hoa đào rụng xuống tóc bà. Bà xổ mớ tóc bạc ra hong gió, bà đẹp thật, giống y như bức ảnh cụ Mía trên tường. Tôi đưa tay thấm giọt nước trên khóe mắt bà. Mùa xuân chưa khi nào hạnh phúc và rạng rỡ như bây giờ thì phải. Nó làm bà trẻ lại, làm câu chuyện về xứ Đồng Ngải của bà thổn thức và sống mãi trong lòng con cháu. Tôi gối đầu lên đùi bà, xoãi dài hai chân, nhắm mắt lại, bắt đầu nghe thấy tiếng mõ trâu lốc lốc, lốc cốc thật xa xăm dưới rừng đào.
Truyện ngắn của Nguyễn Thị Mai Phương
Ý kiến bạn đọc (0)