Thường trực HĐND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 3: Tăng cường quản lý nhà nước đối với di tích đã được xếp hạng
Tại phiên họp, Thường trực HĐND tỉnh xem xét báo cáo giải trình việc thực hiện quy định về quản lý, bảo tồn các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2018.
Đồng chí Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. |
Đợt khảo sát vừa qua đối với lĩnh vực này cho thấy, giai đoạn 2016-2018, UBND các cấp và ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) đã có nhiều giải pháp tăng cường quản lý các di tích và huy động các nguồn lực để bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị của các di tích được xếp hạng. Nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích đã được UBND tỉnh ban hành góp phần quan trọng chấn chỉnh và từng bước đưa công tác quản lý di tích và hoạt động bảo tồn di tích vào nền nếp.
Giai đoạn 2016-2018 có 135/721 (chiếm 19% tổng số di tích đã được xếp hạng) di tích được trùng tu, tôn tạo, phục hồi. Nhìn chung các di tích được xếp hạng đều do ban quản lý (BQL) cơ sở quản lý trực tiếp; có hồ sơ phục vụ quản lý di tích. Các BQL thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, thực hiện nghi lễ, chống xâm hại, chống xuống cấp và huy động các nguồn lực cho di tích. Một số BQL còn tham gia tích cực trong hoạt động tu bổ và khắc phục các vi phạm, sai phạm trong quá trình quản lý di tích.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương phát biểu tại phiên họp. |
Tại đây, đại diện các sở: VHTTDL, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh và các huyện: Yên Dũng, Hiệp Hòa, Việt Yên giải trình phần chất vấn của Thường trực HĐND tỉnh về hệ thống văn bản quản lý nhà nước, công tác quy hoạch di tích, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quản lý, sử dụng nguồn thu tại các di tích, hiệu quả hoạt động của BQL di tích, khó khăn trong điều tra các vụ trộm cổ vật; vi phạm trong quá trình trùng tu, tôn tạo di tích.
Ông Hà Văn Bé, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh báo cáo một số nội dung sau khảo sát về công tác quản lý di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh. |
Ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở VHTTDL giải trình: UBND tỉnh và ngành có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác quản lý nhà nước đối với di tích. Riêng về quy hoạch còn hạn chế, quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt thì được quan tâm hơn (như Vĩnh Nghiêm, Bổ Đà, Yên Thế). Để làm quy hoạch tổng thể cần nguồn lực rất lớn và gặp khó khăn. Với những di tích quy mô nhỏ thì việc quản lý thực hiện theo giấy CNQSDĐ, hồ sơ di tích.
Ngoài 721 di tích đã được xếp hạng, qua rà soát, đánh giá toàn tỉnh còn khoảng 30-50 điểm có thể xem xét, công nhận. Số điểm thờ tự, tín ngưỡng không được công nhận di tích, việc quản lý thực hiện theo Luật Tôn giáo, tín ngưỡng. Về nguồn thu, UBND tỉnh giao cho cấp nào quản lý di tích cấp đó quản lý nguồn thu, nguồn này chủ yếu dùng để trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di tích và chi cho một số hoạt động khác. Tuy nhiên còn có nơi làm chưa tốt, có khiếu kiện, Sở sẽ có chỉ đạo để làm tốt hơn. Công tác trùng tu có vi phạm, với linh vật có thể đưa ra khỏi di tích, còn với kiến trúc rất khó khắc phục.
Ông Đỗ Mạnh Tiến, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh chất vấn về công tác quy hoạch và hệ thống văn bản quản lý đối với di tích tại phiên giải trình. |
Giải trình về tình trạng không tìm ra thủ phạm cũng như thu hồi cổ vật bị mất cắp thời gian qua, ông Nguyễn Văn Chức, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, Công an tỉnh đã phối hợp với ngành văn hóa tổ chức hội nghị chuyên đề, cử cán bộ đến làm việc với các địa phương có di tích hướng dẫn nhiệm vụ bảo vệ, phòng ngừa.
Tuy vậy, việc bảo vệ di tích gặp khó khăn bởi các điểm di tích có tính chất công cộng cao, ai cũng có thể ra vào nên kẻ gian dễ dàng trà trộn. Hầu hết các di tích không có người bảo vệ trực tiếp, trụ trì cũng chỉ có một vài người, đều đã cao tuổi. Các di tích cũng chưa được quan tâm để lắp đặt các phương tiện giám sát.
Giải pháp tới đây là tăng cường tuyên truyền, ngành văn hóa cần chỉ đạo các cơ sở di tích phải có danh mục thống kê cổ vật, đặc điểm cổ vật; xác định trách nhiệm của các địa phương trong việc bảo vệ các di tích; tổ chức bảo vệ di tích chặt chẽ, xem xét lắp đặt hệ thống phương tiện giám sát ở các di tích có nhiều cổ vật có giá trị. Đề nghị ngành văn hóa và các địa phương tăng cường phối hợp với ngành công an trong công tác này.
Bà Ngụy Kim Phương, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chất vấn về công tác quản lý, sử dụng nguồn thu tại các di tích. |
Cũng về công tác bảo vệ di tích, ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên đề nghị tỉnh cần có quy định ít nhất là đối với di tích cấp quốc gia đặc biệt cần có người và có cơ chế bố trí kinh phí bảo vệ, cho phép sử dụng nguồn xã hội hóa để chi cho công tác bảo vệ. Nếu không có quy định ràng buộc trách nhiệm và quyền lợi thì không gắn được trách nhiệm bảo vệ di tích. Về công tác quản lý nguồn thu, cần có quy định chặt chẽ và rõ ràng để bảo đảm sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.
Giải trình làm rõ thêm, đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Hiện nay công tác quản lý nhà nước đối với di tích được xếp hạng chủ yếu tập trung chống xâm hại, chống biến tướng di tích, bảo vệ cổ vật, cấp GCNQSDĐ, cắm mốc giới di tích để bảo vệ; xây dựng cơ chế chính sách cho quản lý, bảo vệ di tích; lập quy hoạch chi tiết; tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật liên quan để nâng cao nhận thức cho nhân dân.
Những năm qua tỉnh cũng rất quan tâm về công tác này; đã chỉ đạo rà soát, lập hồ sơ công nhận di tích; ban hành nhiều văn bản quản lý di tích, phân cấp trách nhiệm; có bộ máy quản lý di tích hoạt động kiêm nhiệm. Tuy vậy, các ngành hạn chế trong tham mưu cho tỉnh, chậm ban hành cơ chế chính sách trong việc phân cấp quản lý di tích. Trong trùng tu di tích có tình trạng cấp phép đúng thủ tục còn kiểm soát toàn bộ quá trình thực hiện như thế nào thì chính quyền cơ sở không làm được. Công tác xã hội hóa chủ yếu mang tính tự phát; lúng túng, có sự đùn đẩy, không rõ trách nhiệm trong vấn đề bảo vệ di tích.
Ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải trình tại phiên họp. |
Đồng chí Lê Ánh Dương cho biết, tới đây, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo để hoàn thành quy hoạch chi tiết di tích quốc gia đặc biệt Yên Thế, Vĩnh Nghiêm, riêng Bổ Đà đang làm; tiến hành cắm mốc những di tích cần thiết.
UBND tỉnh cũng chấn chỉnh công tác quản lý thông qua tập huấn, trang bị kỹ năng, kiến thức cho đội ngũ cán bộ chủ chốt; tăng cường trách nhiệm của ngành văn hóa và chính quyền các cấp trong tham mưu quản lý. Tiến hành số hóa di vật, cổ vật phục vụ công tác phục chế, phục hồi sau này; tiếp tục tập trung chỉ đạo tháo gỡ cấp GCNQSDĐ các di tích.
Kết luận phiên họp, đồng chí Bùi Văn Hạnh nhấn mạnh: Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao trách nhiệm giải trình của Sở VHTTDL, các ngành liên quan và UBND tỉnh đối với vấn đề này. Những năm vừa qua, công tác quản lý di tích, trong đó có các di tích đã được xếp hạng có nhiều cố gắng; việc triển khai tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước các cấp nhất là ở cơ sở tương đối hiệu quả. Công tác phát huy giá trị di tích mang lại ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; phát huy giá trị kinh tế của một số di tích.
Tuy nhiên, việc ban hành, triển khai thực hiện văn bản quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn thiếu, chưa đồng bộ; việc xếp hạng một số di tích chưa thực chất, còn hạn chế. Việc quản lý di tích đến nay có nhiều lúng túng, thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, việc phối hợp kém, còn vấn đề cần rút kinh nghiệm. Trùng tu tôn tạo mới chủ yếu tập trung ở di tích tôn giáo. Vi phạm trong trùng tu di tích khá phổ biến. Trong cách làm, cách quản lý, chi phí đầu tư… còn có những vấn đề gây băn khoăn. Tư duy nhận thức về phát huy giá trị di tích cũng còn hạn chế, thậm chí có một số mục tiêu còn lệch lạc. Chế độ trách nhiệm chưa rõ ràng, từ việc phân công phân nhiệm, phân cấp, mới chỉ dừng ở nhắc nhở chung chung. Phương pháp, cách thức huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực chưa bài bản, còn nặng tư tưởng trông vào nhà nước.
Ông Trương Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng phát biểu tại phiên họp. |
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh quan tâm đánh giá sâu hơn thực trạng quản lý nhà nước đối với các di tích nói chung và di tích đã được xếp hạng nói riêng. Xem xét ban hành các văn bản cần thiết để thực hiện tốt việc quản lý di tích. Khẩn trương rà soát việc xếp hạng và triển khai việc xếp hạng bảo đảm thực chất, bài bản, nghiêm túc, đúng quy định; rà soát thực trạng trùng tu, tôn tạo di tích để có văn bản hướng dẫn, chấn chỉnh việc trùng tu, khôi phục, tôn tạo di tích giúp việc này bài bản hơn, khắc phục tình trạng lúng túng, tùy tiện; cương quyết xử lý sai phạm trong thực hiện.
Tập trung chỉ đạo, rà soát, thực hiện cấp giấy CNQSDĐ đối với di tích. Hoàn thành cắm mốc di tích trong năm 2020. Bảo vệ tốt các di tích chống xuống cấp, xâm hại, mất cắp cổ vật; điều tra làm rõ các vụ lấy cắp cổ vật; gắn trách nhiệm của người quản lý, trông coi di tích; tăng cường vai trò của lực lượng công an trong vấn đề này.
UBND tỉnh tiếp tục quan tâm rà soát, xem xét thực hiện tốt việc phân cấp, phân nhiệm rõ ràng để quản lý nhà nước bảo đảm đồng bộ, đúng quy định. Nghiên cứu, dành nguồn lực ngân sách nhất định đầu tư cho di tích. Huy động, quản lý nguồn lực đầu tư, chống sai phạm, sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả.
Ý kiến bạn đọc (0)