Thương nhân hiến kế tiêu thụ vải thiều
Vụ vải thiều năm 2019, tỉnh duy trì trồng gần 28.500 ha, sản lượng ước khoảng 150 nghìn tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều sớm dự kiến từ ngày 25-5 đến 10-6, vải chính vụ từ 5-6 đến 5-7. Đáng chú ý, năm nay, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt gần 14 nghìn ha, tiêu chuẩn GlobalGAP 218 ha tại Lục Ngạn.
Nông dân xã Tân Mộc (Lục Ngạn) chăm sóc vải thiều. |
Theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương, định hướng tiêu thụ vải thiều năm nay chia thành hai mảng khá rõ là xuất khẩu và thị trường trong nước. Đối với xuất khẩu, sản lượng chiếm khoảng 50%, bên cạnh duy trì các thị trường đã có, vụ vải thiều này sẽ tăng xuất khẩu sang: Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, một số nước mặt hàng vải thiều mới thâm nhập như: Nga, Canada, Singapore, các nước Trung Đông…
Ở thị trường trong nước sẽ tập trung tiêu thụ ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thông qua hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại. Điểm mới năm nay là các hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều sẽ được tổ chức thêm ở Đà Nẵng để giới thiệu đến khách hàng miền Trung. Do vậy rất cần sự vào cuộc, tham gia của các doanh nghiệp (DN), thương nhân trên khắp cả nước.
Ông Phạm Văn Đạt, Phòng Kinh doanh của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (SaiGon Co.op) phụ trách khu vực miền Bắc trao đổi: Từ năm 2018, SaiGon Co.op đã liên kết đưa vải thiều Bắc Giang vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, bước đầu được người tiêu dùng đón nhận rất tích cực.
Vụ vải thiều 2019, bên cạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ tại Trung Quốc, tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức diễn đàn kinh tế sản xuất, tiêu thụ vải thiều và quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản của tỉnh tại: Bắc Giang, Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. |
Năm 2019, chúng tôi tiếp tục mở rộng thị trường, phát huy lợi thế mạng lưới siêu thị, bán lẻ trải rộng trong cả nước, DN đã sớm đưa vải thiều Lục Ngạn vào các gian hàng. Cùng đó tiếp tục thu mua, hướng đến xuất khẩu thông qua các đối tác nước ngoài.
Tuy nhiên để khách hàng biết đến vải thiều, tỉnh cần làm tốt hơn công tác truyền thông, quảng bá giúp người tiêu dùng nhận biết chính xác sản phẩm, những đặc trưng của vải thiều Lục Ngạn, quy trình kỹ thuật chăm sóc an toàn ra sao để củng cố niềm tin của khách hàng đối với loại nông sản này.
Bà Huỳnh Thị Cẩm Hồng ở TP Mỹ Tho (Tiền Giang), thương nhân có nhiều năm buôn bán hoa quả các loại, hiện là một trong những đầu mối lớn tiêu thụ vải thiều ở phía Nam có một số gợi ý rất đáng quan tâm: “Những năm trước, tôi chỉ mua buôn vải thiều từ những doanh nhân khác, năm nay tôi quyết định ra Bắc Giang để tìm hiểu kỹ hơn, thiết lập nguồn cung tại chỗ.
Được tận mắt thấy bà con chăm sóc vải thiều, tôi rất yên tâm, khả năng mở rộng thị trường, tăng sản lượng tiêu thụ là khả quan. Kinh nghiệm của các tỉnh khác là những mặt hàng khi xuất bán phải có tem nhãn rõ ràng, chứng minh nguồn gốc. Với vải thiều Lục Ngạn có thể sản xuất thùng xốp, băng dính… loại dùng một lần, in rõ logo, hình ảnh đại diện, chống làm giả hoặc sử dụng quay vòng để trà trộn, đội lốt”.
Vụ vải thiều 2019, các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm sẽ được mở rộng hơn. |
Ông Nguyễn Hồng Long, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Proton - đơn vị quản lý chợ đầu mối Dầu Giây (Đồng Nai) nói: “Vụ vải năm trước, các thương nhân ở chợ tiêu thụ khoảng 80 tấn vải thiều Bắc Giang/ngày. Dự báo năm nay, sức tiêu thụ sẽ lớn hơn nên DN mong muốn tỉnh có biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc để vận chuyển nhanh chóng, kịp thời, giữ được chất lượng, hương vị vải thiều đến người tiêu dùng”.
Trao đổi với các doanh nhân, ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn cho hay, để khắc phục việc suy giảm sản lượng, nâng cao chất lượng quả vải, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm, khuyến khích dùng thuốc sinh học, bảo đảm thời gian cách ly.
Thường xuyên ghi chép những yếu tố tác động trong sản xuất để truy nguyên nguồn gốc, tự kiểm tra, giám sát nội bộ và với bên ngoài. Huyện chủ động phối hợp với các DN, doanh nhân tăng cường thông tin tuyên truyền về sản xuất vải an toàn, góp phần tiếp cận rộng rãi, đầy đủ đến người tiêu dùng. Huyện cũng đã bố trí ngân sách để in tem nhãn truy xuất nguồn gốc dán trên bao bì sản phẩm.
Ý kiến bạn đọc (0)