Thương binh Lãnh Văn Việt: Về làm dân, chân không nghỉ
Thương binh Lãnh Văn Việt. |
Những tưởng với bề dày kinh nghiệm ấy, ông cứ thế áp dụng, không lo lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo. Vậy mà trò chuyện với tôi, ông lại lắc đầu: “Không hẳn thế, về địa phương, nếu mình cứ theo cách làm như đương chức, không chuyển hướng thì khó quy tụ lắm”. Và cũng từ sự chuyển hướng ấy, ông đã cùng tập thể chi ủy lãnh đạo chi bộ Dốc Đồn đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu gần 20 năm liền.
Nhà giáo - chiến sĩ
14 năm làm bí thư chi bộ, thương binh Lãnh Văn Việt đúc kết cho mình 3 điều: Phải luôn xây dựng mối đoàn kết thống nhất trong tập thể; thường xuyên nạp thông tin để nâng cao trình độ trí tuệ và dám hy sinh lợi ích cá nhân cho việc chung. |
Đồng chí Bí thư Đảng ủy thị trấn Chũ Bạch Quang Hào đưa tôi đến nhà ông Việt. Ngôi nhà ba tầng bên quốc lộ 31 cũng là trụ sở công ty do con trai ông điều hành. “Anh điện thoại rồi, bác ấy đang đợi đó”- anh Hào nói. “Bác Việt” là cách gọi trìu mến mà nhiều cán bộ, đảng viên dành cho người bí thư chi bộ. Khi tôi đến, ông đang đọc báo trong phòng khách. “Hằng ngày bận đến mấy tôi cũng phải nạp một lượng thông tin thông qua 3 tờ báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân và Báo Bắc Giang. Ngoài ra tôi cũng không bỏ qua một chương trình thời sự nào của Đài Truyền hình Việt Nam. Có cập nhật như vậy mới nắm được tình hình, mới không bị lạc hậu với thời cuộc, mới có cái để nói với anh em”- ông Việt cho biết.
Ngồi nghe ông kể về cuộc đời binh nghiệp, tôi thấy trong mắt ông ánh lên một niềm tự hào: “20 tuổi, tôi vào bộ đội, có mặt ngay ở chiến trường chống Mỹ. Năm 1972, trong chiến dịch 12 ngày đêm ở Hà Nội, tôi bị thương do một mảnh bom găm vào người. Năm 1979, khi đang giảng dạy tại Trường Sĩ quan Chính trị, tôi nhận nhiệm vụ lên biên giới đánh Tàu và một lần nữa bị đạn xuyên thấu phổi tại mặt trận Cao Bằng. Sau đó tiếp tục được cử làm chuyên gia tại Campuchia hai năm. Hoàn thành nhiệm vụ bên nước bạn, tôi trở về trường, tiếp tục giảng dạy bộ môn công tác Đảng, công tác chính trị cho đến năm 1994 nghỉ hưu với quân hàm Trung tá, thương binh hạng 2/4”.
Lần đầu tiếp xúc, tôi cảm nhận được ở ông những phẩm chất tốt đẹp của một người thầy giáo, một sĩ quan được tôi luyện nhiều năm trong môi trường quân đội, đó là tính kỷ luật, thẳng thắn, khiêm nhường và chuẩn mực. “Là bí thư, lại được rèn luyện trong quân ngũ, 18 năm tham gia Hội thẩm nhân dân TAND huyện Lục Ngạn, nên những việc tôi làm đều xuất phát từ suy nghĩ làm sao để có lợi cho tập thể, cho nhân dân. Có như vậy thì sự đóng góp, hy sinh của mình mới có ý nghĩa. Đó cũng là ý chí của người lính không chịu lùi bước trước khó khăn”.
Xây dựng, duy trì mối đoàn kết
Khi đề cập đến vai trò chủ chốt, là “linh hồn” của Chi bộ 14 năm, ông không nói nhiều về mình mà luôn nhắc tới vai trò của cấp ủy các khóa đã luôn xây dựng, duy trì mối đoàn kết trong tập thể; đến sự chỉ đạo kịp thời của cấp ủy cấp trên để xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Tôi biết đó là sự khiêm tốn mỗi khi ai đó đề cập đến thành tích của cá nhân ông.
Năm 2002, được bầu làm bí thư chi bộ khu phố Dốc Đồn, nhận nhiệm vụ ông luôn trăn trở làm thế nào để không phụ lòng tin, sự tín nhiệm của chi bộ. Điều trước hết ông nghĩ đến vẫn là sự đoàn kết- sự đoàn kết thực sự trên tinh thần đồng chí, đồng đội và tình làng nghĩa xóm. Với suy nghĩ hoạt động của tổ chức đảng ở khu dân cư khác nhiều với ở cơ quan Đảng, Nhà nước, Quân đội, doanh nghiệp… khi về sinh hoạt tại khu dân cư, đảng viên không chịu sự ràng buộc về vật chất, ít quan tâm đến chính trị, nếu người bí thư mang phong cách “sếp” như lúc đương chức thì khó đạt hiệu quả cao, vì vậy ông đã thay đổi phương pháp lãnh đạo. “Với Chi bộ Dốc Đồn, để khơi dậy được sự nhiệt tình, trách nhiệm đối với công việc chung của 31 đảng viên (trong đó 2/3 đã kinh qua quân đội), chi ủy giao nhiệm vụ nhưng thực sự phải động viên, khích lệ họ, không thể lên gân được. Có đồng chí tuổi đời, tuổi Đảng, tuổi quân còn cao hơn mình, cũng có người về hưu khi mới ngoài 40 tuổi, phải giao nhiệm vụ thế nào cho khéo đây. Tôi nghĩ ở đâu cũng vậy, trong tập thể cũng có người nọ người kia mạnh yếu từng mặt, nếu người lãnh đạo biết khơi dậy, phát huy điểm mạnh của từng cá nhân; luôn lấy sự đoàn kết làm trung tâm để quy tụ thì công việc sẽ trôi chảy”- ông Việt giãi bày.
Ông Lãnh Văn Việt (bên trái) và Bí thư Đảng ủy thị trấn Chũ Bạch Quang Hào kiểm tra tuyến đường vừa được nâng cấp. |
Luôn nêu gương, nói đi với làm
“Cách đây cũng lâu lâu rồi, có bà ngoài 60 tuổi nói với tôi: Ông Việt ơi, giữa thị trấn Chũ sầm uất đông đúc thế mà tồn tại một con đường xuống cấp thế này sao”- ông Việt kể. Đó là con đường dài hơn 200 mét nối từ bến xe Lục Ngạn (cũ) vào đền Khánh Vân, hàng ngày có rất đông người qua lại nhưng vừa nhỏ hẹp lại lồi lõm. Trước thực tế đó, ông hứa sẽ cùng tập thể sớm tìm giải pháp khắc phục. Nói là làm, tại cuộc họp, chi bộ đã họp bàn, ra nghị quyết nâng cấp tuyến đường. Qua đó huy động được hơn 600 triệu đồng từ ngân sách, sự đóng góp của 35 đồng chí “đảng viên 76” và sự ủng hộ khác để đổ bê tông và mở rộng đường, bà con tham gia hiến đất, ngày công. Con đường sớm hoàn thành đem lại niềm vui, sự tin tưởng trong nhân dân. “Phương châm của chúng tôi là thường xuyên gần gũi với dân để mỗi tháng sinh hoạt ra nghị quyết sát với yêu cầu thực tế, nội dung liên quan trực tiếp đến những vấn đề dân sinh của khu phố. Vì thế, chi bộ đã huy động cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc”.
Muốn nhân dân tin tưởng thì người lãnh đạo phải gương mẫu, tận tâm, tận lực vì dân nhất là về trí tuệ, phẩm chất đạo đức. Trước mỗi cuộc họp chi bộ, không ai khác chính những đồng chí trong Chi ủy là người đến nhà văn hóa sớm nhất để đun nước, rửa ấm chén, lau dọn bàn ghế. Công việc tưởng rất nhỏ nhưng lại có ý nghĩa, thể hiện sự tôn trọng với người đảng viên của mình. Nhà văn hóa bị hỏng một số hạng mục, tổ dân phố huy động bà con đóng góp. Theo đó, mỗi hộ ủng hộ 500 nghìn đồng, riêng gia đình 3 đồng chí Bí thư chi bộ, Trưởng khu và Phó khu phố gương mẫu ủng hộ đầu tiên với số tiền gấp đôi.
Khi đảm nhận Bí thư Chi bộ, ông Việt đã có nhiều đóng góp, dành thời gian quan tâm, dìu dắt, động viên đội ngũ trưởng, phó các đoàn thể ở khu phố phấn đấu trở thành đảng viên. Đến nay, 100% đồng chí đảm nhiệm các chức danh này đều đã trở thành đảng viên. Một số đồng chí đã trưởng thành giữ các chức vụ cao hơn. Điển hình như đồng chí Vũ Thị Mai, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Chũ; Hoàng Mạnh Thắng, Đảng ủy viên, Trưởng Công an thị trấn; Đinh Văn Phương, Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn; Nguyễn Thị Thanh, Trạm phó; Tô Thu Hương, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn Chũ… cũng được kết nạp Đảng từ Chi bộ Dốc Đồn. Đến nay, 125 hộ với 450 nhân khẩu tổ dân phố Dốc Đồn không còn hộ nghèo. 100% đường ngõ nhánh có điện cao áp do người dân đóng góp tiền kéo đường dây, lắp bóng. An ninh trật tự ổn định, không có khiếu kiện và tệ nạn xã hội, bà con sống thanh bình, êm ái, tình làng nghĩa xóm được phát huy.
Chia tay ông, tôi nhớ trong lúc trò chuyện ông đã từng nói: “Trong tôi lúc nào cũng canh cánh một điều: Vị trí của mình trước khi nghỉ hưu đặt ra cho mình một nguyên tắc là không thể sống bê tha, không thể không gương mẫu được. Vậy thôi”. Và ông đã, đang làm từ chính những điều ông đặt ra đó.
Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)