Thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội
Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cuộc họp này nhằm kiểm điểm, đánh giá lại tình hình sau khi ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 của Nghị quyết và Hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế, trong đó tập trung đánh giá những gì làm được, chưa làm được; từ đó phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đề ra biện pháp bổ sung, điều chỉnh Nghị quyết 128 và Hướng dẫn 4800 để trên cơ sở đó chúng ta thực hiện tốt hơn thời gian tới, đặc biệt trong quá trình tổ chức thực hiện cần nhất quán trên phạm vi toàn quốc để vừa thực hiện tốt phòng, chống dịch Covid-19, vừa khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội an toàn, bền vững thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến. |
Thủ tướng đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến từ thực tiễn lãnh đạo từ các địa phương, cơ quan, đơn vị, từ đó thực hiện mục tiêu đề ra.
* Theo Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam đã ký hợp đồng, mua, nhận viện trợ, tài trợ tổng số 198,8 triệu liều vaccine phòng Covid-19, đủ tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi trong năm 2021. Tính đến ngày 19/11/2021, đã tiếp nhận 131,2 triệu liều; đã phân bổ 129,6 triệu liều (1,6 triệu liều chưa phân bổ do vaccine mới được tiếp nhận đang kiểm định).
Cả nước đã tiêm được hơn 106 triệu liều (trong tuần đã tiêm được 8,2 triệu liều, giảm 2 triệu liều so tuần trước đó); tỷ lệ tiêm 1 liều vaccine là 89,4%, 2 liều là 53,4% dân số từ 18 tuổi trở lên. Kế hoạch sử dụng vaccine cho năm 2022 với mục tiêu 95% trẻ em và người lớn có chỉ định tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 được tiêm chủng đủ số liều cơ bản và liều nhắc lại trong năm 2022. Theo đó, tiêm chủng cho trẻ từ 12-17 tuổi từ quý 4/2021, tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi từ năm 2022, tiêm mũi nhắc lại cho người trên 18 tuổi từ quý 4/2021.
Tiếp tục triển khai thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc Covid-19 tại nhà và cộng đồng tại 34 tỉnh, thành phố. Các kết quả báo cáo giữa kỳ của Chương trình tại 22 tỉnh, thành phố cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng vi rút, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị, tỷ lệ chuyển nặng rất thấp, không có ca tử vong. Việc triển khai tuân thủ đề cương nghiên cứu khoa học, chặt chẽ đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thẩm định, chấp thuận và được Bộ Y tế phê duyệt.
Về xây dựng Chiến lược tổng thể về phòng, chống Covid-19: Bộ Y tế đã rà soát các chiến lược, kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nước; các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành của Việt Nam để xây dựng dự thảo Chiến lược. Bộ Y tế đã xin ý kiến góp ý của các thành viên Chính phủ; Ban Chỉ đạo Quốc gia; Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng; các bộ, ngành; UBND cấp tỉnh; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu chiến lược, chính sách; các tổ chức quốc tế (WHO, UNICEF, USCDC) và tổ chức nhiều cuộc họp xin ý kiến, thảo luận về nội dung Chiến lược. Đến nay đang tổng hợp, tiếp thu ý kiến và tiếp tục hoàn thiện dự thảo lần thứ 8...
Theo Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc (0)