Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành dự án cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2.
|
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 bắc qua sông Hồng nằm song song sát với cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1, nối quận Hai Bà Trưng với quận Long Biên. Cầu dài 3,5 km, rộng 19,25 m với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, sau 2,5 năm thi công, vượt tiến độ 4 tháng so với kế hoạch.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được phân làm 4 làn, trong đó ba làn dành cho xe cơ giới với tốc độ tối đa 60 km/h và một làn hỗn hợp xe máy và xe thô sơ tốc độ tối đa 40 km/h. Xe cơ giới và xe hỗn hợp được phân làn bằng dải phân cách cứng và hệ thống biển báo hướng.
Sau khi đi vào khai thác, trên cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, người và phương tiện tham gia giao thông đi một chiều theo hướng từ quận Hai Bà Trưng sang quận Long Biên; trên cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1, người và phương tiện sẽ đi theo chiều ngược lại.
Cầu dài 3,5 km, rộng 19,25 m với 4 làn xe, bao gồm 3 làn ô tô và một làn xe hỗn hợp. |
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 hoàn thành và đưa vào hoạt động sẽ giảm tải cho cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 thường xuyên ùn tắc, tăng cường lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải đang tăng cao giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố.
Đến nay, trên địa bàn Hà Nội có 8 cây cầu bắc qua sông Hồng. Theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Thủ đô sẽ có thêm 10 cầu qua sông Hồng.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là công trình đóng vai trò quan trọng, góp phần giải quyết điểm nghẽn giao thông kết nối giữa hai bờ sông Hồng, nhằm hoàn thiện tuyến đường Vành đai giai đoạn 2 và kết nối với các tuyến vành đai khác của thành phố Hà Nội; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi các đô thị phía Bắc Thủ đô.
Thủ tướng cho biết, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước ta.
Nhiều công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, những cây cầu, bến cảng đã và đang được tích cực đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, giúp tận dụng được lợi thế so sánh của các vùng, miền, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai.
Đối với Hà Nội, thời gian qua đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có cây cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.
Theo Thủ tướng, từ kết quả và ý nghĩa của công trình này càng củng cố thêm những kinh nghiệm quý trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển hạ tầng nói riêng.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan chức năng và địa phương tổ chức vận hành khai thác bảo đảm an toàn, hiệu quả cây cầu; chăm lo bảo dưỡng, bảo vệ các hạng mục công trình, bảo đảm công trình được khai thác hiệu quả, bền vững.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ biểu dương thành phố Hà Nội và các địa phương, đặc biệt là nhân dân đã chủ động, quyết liệt, ủng hộ triển khai hiệu quả dự án xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, nhất là trong giải phóng mặt bằng. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, phối hợp với các địa phương tiếp tục thúc đẩy dự án đường Vàng đai 4 vùng Thủ đô; chuẩn bị khởi công cầu Hồng Hà, Mễ Sở trong năm 2024.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và đại diện các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội thực hiện nghi thức khánh thành dự án, chính thức đưa cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 vào khai thác.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)