Thủ tướng mong doanh nghiệp ASEAN đoàn kết, cùng nhau chia sẻ, hợp tác và chiến thắng
Thủ tướng Phạm Minh Chính. |
Chiều 4/9, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 43, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAB BIS) 2023.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, ASEAB BIS đã phát huy vai trò là diễn đàn lớn nhất của doanh nghiệp (DN) trong khu vực để thực hiện đối thoại công - tư, đề ra các chiến lược, giải pháp.
Từ đó cùng nhau vượt qua thách thức, mang lại lợi ích lâu dài cho DN và người dân trong khu vực với tinh thần “cùng nhau chia sẻ, cùng nhau hợp tác, cùng nhau chiến thắng”.
ASEAN phải khẳng định “là một cực trong thế giới đa cực”
Khái quát lại những thay đổi khó lường của thế giới trong thời gian qua, Thủ tướng cho biết, bối cảnh đó đã tạo ra nhiều khó khăn hay còn gọi là những “cơn gió ngược”.
Nhưng theo Thủ tướng, đó là cuộc sống, những lúc thuận lợi không quá lạc quan và những lúc khó khăn cũng không quá bi quan.
"Cuộc sống luôn đối diện bởi thuận lợi và khó khăn đan xen. Chúng ta xác định khó khăn nhiều hơn để nỗ lực nhiều hơn”, Thủ tướng chia sẻ suy nghĩ với cộng đồng doanh nghiệp ASEAN.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng nói thêm về cách tiếp cận của bản thân và Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Đó là nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh từ nhân dân, sáng tạo bắt nguồn từ văn hóa.
Những yếu tố đó, cộng đồng ASEAN đều có và cần phát huy với tinh thần cao nhất để có nguồn lực, động lực, sức mạnh, cùng nhau đoàn kết đưa ASEAN phát triển nhanh, bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cục diện thế giới đa cực là một xu thế tất yếu, cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt, xu hướng phân mảnh, tập hợp lực lượng ngày càng rõ nét.
ASEAN đứng trước sứ mệnh phải khẳng định “là một cực trong thế giới đa cực”, là trung tâm trong hợp tác cũng như cấu trúc ở khu vực, và ASEAN hoàn toàn có đủ khả năng đảm nhận được sứ mệnh đó.
Thủ tướng dẫn chứng, ASEAN có không gian kinh tế rộng mở với mạng lưới 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) gồm khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và 7 FTA với các đối tác quan trọng.
Trong đó phải kể đến Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tạo nên một khu vực thương mại tự do chiếm 30% dân số thế giới (với trên 688 triệu người) và 32% GDP toàn cầu (quy mô trên 3.600 tỷ USD năm 2022).
Ngoài ra, nhiều sáng kiến mới cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ để ASEAN kịp thời nắm bắt, tận dụng cơ hội từ những xu thế phát triển mới như xây dựng Hiệp định khung kinh tế số ASEAN, Khung Kinh tế tuần hoàn, Khung Kinh tế biển xanh, Chiến lược trung hòa carbon....
Một điểm đáng chú ý nữa là ASEAN độc lập, tự cường; là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế; ứng phó hiệu quả với các thách thức về an ninh năng lượng, an ninh lương thực; vững vàng vượt qua đại dịch Covid-19...
Cùng với đó, ASEAN đóng vai trò là một mắt xích quan trọng trong các cơ chế hợp tác khu vực thông qua quan hệ và hợp tác với các đối tác bên ngoài.
Các nước đều ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và chấp nhận các nguyên tắc, chuẩn mực chung của ASEAN; đã có 43 quốc gia tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) ở Đông Nam Á.
Xây dựng ASEAN độc lập, tự cường, phát triển
Để ASEAN có thể tiếp tục phát huy vai trò, vị thế và tận dụng, nắm bắt những cơ hội từ trật tự thế giới hiện tại, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, ASEAN cần củng cố và tăng cường đoàn kết nội khối.
"Đoàn kết rất quan trọng. Kinh nghiệm cho thấy càng khó khăn càng phải đoàn kết", người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định.
Ngoài ra, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ASEAN cần tăng cường hội nhập khu vực sâu rộng hơn để khai thác tốt hơn các thế mạnh của nhau; trong đó phải kể đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
“Quan điểm của chúng tôi không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Phát triển nhanh nhưng phải bền vững”, Thủ tướng khẳng định.
Để phát huy hơn nữa vai trò của DN thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá mới cho ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Chính phủ và DN cần hợp tác ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, thực chất.
Trong đó, các nước cùng nhau hoàn thiện thể chế, đơn giản hóa các thủ tục bằng chuyển đổi số; khuyến khích và coi trọng tiếng nói của DN, lắng nghe DN để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc mới phát sinh.
ASEAN cùng chung tay phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược, bao gồm cả cơ sở hạ tầng cứng về giao thông vận tải, năng lượng và hạ tầng thông minh gồm các nền tảng số, trung tâm đổi mới sáng tạo...
Cuối cùng, theo Thủ tướng, ASEAN cùng nhau xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi nguồn nhân lực là quý giá nhất, khai thác như thế nào để hiệu quả nhất, nâng cao sự sáng tạo, bứt phá của con người, nhất là nguồn lực trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao.
“Đây là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của khu vực chúng ta”, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam phân tích.
Thủ tướng mong muốn cộng đồng DN đi đầu trong đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, kết hợp hài hòa sản xuất kinh doanh với sáng tạo, nghiên cứu phát triển. DN cần có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, góp phần không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đồng thời, DN cũng cần nâng cao năng lực và đạo đức kinh doanh. Đây là vấn đề hết sức quan trọng để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh bền vững. Các DN kinh doanh phải tuân thủ pháp luật và tạo văn hóa kinh doanh.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói: Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn dân tộc còn, văn hóa mất dân tộc mất. Chúng tôi muốn nhấn mạnh văn hóa trong kinh doanh góp phần xây dựng văn hóa đậm đà bản sắc của ASEAN để phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế - xã hội", Thủ tướng nhắn nhủ.
Thủ tướng cũng mong muốn các DN trong khu vực đoàn kết, chia sẻ với nhau, hỗ trợ nhau dù là ở đâu với tinh thần là “trong tôi có bạn, trong bạn có tôi”, giúp đỡ nhau phát triển.
“Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng tôi có nói: Đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết, thành công thành công đại thành công. Với tinh thần như thế, chúng tôi kêu gọi các DN trong ASEAN tiếp tục đoàn kết, thống nhất cùng Chính phủ, người dân xây dựng ASEAN độc lập, tự cường, phát triển; góp phần quan trọng cho hòa bình, hợp tác phát triển khu vực và thế giới; góp phần nâng cao đời sống tinh thần vật chất trong ASEAN”, Thủ tướng gửi gắm.
Thủ tướng cũng cam kết, Việt Nam luôn luôn kêu gọi các nhà đầu tư đến Việt Nam và tạo mọi điều kiện cho DN phát triển.
“Các bạn phát triển là sự phát triển của chúng tôi với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, một lần nữa Thủ tướng tha thiết kêu gọi cộng đồng ASEAN đoàn kết, chia sẻ, xây dựng ASEAN hùng cường, thịnh vượng, ngày càng phát triển.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)