Thu nhập cao từ bưởi tiến vua
Chị Vi Thị Thông thu hoạch bưởi tiến vua. |
Trước năm 2010, nhận thấy khu vườn tạp mang lại hiệu quả kinh tế thấp, chị Thông dành thời gian tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế trang trại của nhiều mô hình ở trong, ngoài huyện để áp dụng vào thực tế gia đình mình. Qua một số người bạn, chị vào tỉnh Bình Định tham quan rồi mua 6 cây bưởi tiến vua về trồng, nhân giống. Đến nay, trên diện tích 3 ha, gia đình chị có 700 cây bưởi tiến vua cùng 300 gốc bưởi Diễn. “Bưởi tiến vua là giống bưởi quý, rất khó tính khi chăm sóc. Bưởi chỉ phát triển tốt và sai quả nếu được trồng trên đất thịt nhẹ. Tưới nước, bón đều đặn phân vi sinh, phân tổng hợp nhưng chủ yếu vẫn là phân chuồng. Ngoài bón phân, đắp gốc, người trồng phải thường xuyên theo dõi, phát hiện và phòng trừ kịp thời sâu bệnh cho bưởi”, chị Thông chia sẻ.
Bưởi tiến vua có có mùi thơm, màu sắc rất khác biệt. Mỗi dịp lễ, Tết hay đầu tháng, nhiều người thường “săn” loại bưởi này về bày mâm ngũ quả. Dịp này, thương nhân từ Quảng Ninh đưa xe tải đến tận vườn của gia đình chị thu mua. Năm nay, hơn 500 cây bưởi tiến vua cho thu hoạch, chị thu hơn 2 vạn quả với giá bán từ 25 đến 30 nghìn đồng/quả, dự kiến trừ chi phí lãi khoảng 300 triệu đồng.
Với nghị lực vượt khó và dám nghĩ, dám làm, chị Vi Thị Thông đã thành công khi chuyển đổi vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây có múi, trở thành hộ có thu nhập cao trong xã. Nhiều năm liền, gia đình chị được Hội Nông dân huyện tặng Giấy khen nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Không chỉ làm giàu cho bản thân, hiện nay chị còn cung ứng giống bưởi tiến vua và hướng dẫn cho nhiều hộ dân trong vùng làm theo. Bà Dương Thị Lan, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Lạc nhận xét: “Mô hình trồng bưởi trên đất dốc của gia đình chị Vi Thị Thông là hướng đi đúng, phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tổ chức cho hội viên học tập kinh nghiệm và nhân rộng”.
Xuân Thỏa
Ý kiến bạn đọc (0)