Thiết thực chăm lo đời sống lao động nữ
BẮC GIANG - Hiện nay, lao động nữ trong các doanh nghiệp tại Bắc Giang chiếm số đông. Tổ chức công đoàn tích cực phát huy vai trò, phối hợp tham mưu cho chủ doanh nghiệp thực hiện nhiều chế độ đãi ngộ, bảo đảm quyền lợi cho nữ công nhân.
Bảo đảm phúc lợi
Chị Hà Thị Thịnh (sinh năm 1993), ở tổ dân phố Chùa Thành, phường Xương Giang (thành phố Bắc Giang), đã làm việc 11 năm tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất TMVI đứng chân trên địa bàn. Chị gắn bó với doanh nghiệp bởi được đi làm gần nhà, công ty có những phúc lợi dành cho lao động như chế độ ăn ca, hỗ trợ xăng xe, chuyên cần, tặng quà sinh nhật, nghỉ mát. Cùng đó, chị được hưởng đầy đủ thời gian nghỉ, bồi dưỡng hằng tháng dành riêng cho lao động nữ. Được biết, doanh nghiệp có 97% lao động là nữ (khoảng 2,3 nghìn người). Quá trình làm việc, doanh nghiệp quan tâm tuyên dương lao động nữ xuất sắc, người có hoàn cảnh khó khăn, động viên kịp thời vào dịp lễ, Tết. Những hoạt động này đã tạo không khí thi đua lao động sôi nổi trong doanh nghiệp, khích lệ chị em nỗ lực sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
![]() |
Công ty trách nhiệm hữu hạn Intermax Việt Nam, xã Ngọc Vân (Tân Yên) bố trí phòng y tế rộng rãi, bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe người lao động. |
Nhiều năm qua, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nichirin Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu) được Liên đoàn Lao động tỉnh ghi nhận là điển hình về chăm lo đời sống cho người lao động. Công ty có gần 500 công nhân (80% là nữ), chuyên sản xuất dây dẫn dầu xe máy; đặc thù là công nhân phải đứng trong thời gian làm việc. Để bảo đảm sức khỏe cho người lao động, sau 2 tiếng làm việc, công nhân được nghỉ 10 phút (ca ngày) và 20 phút (ca đêm). Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 5 được xếp làm việc tại bộ phận riêng, công việc nhẹ nhàng hơn; mang thai từ tháng thứ 7 được nghỉ trước 1 giờ, nghỉ ăn ca trước 10 phút và nghỉ giữa ca 15 phút. Các chị đang nuôi con nhỏ được trang bị máy vắt sữa tiệt trùng cầm tay, tủ bảo quản sữa mẹ.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Crystal Martin Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu), Công ty trách nhiệm hữu hạn New Wing Interconnect Technology, Công ty cổ phần May Bắc Giang LGG… có nhiều biện pháp thiết thực chăm lo cho lao động nữ như: Khám sức khỏe định kỳ, truyền thông về sức khỏe sinh sản, phòng ngừa bạo lực gia đình.
Riêng năm 2024, toàn tỉnh đã có hơn 80 nghìn lượt nữ công nhân được khám sức khỏe định kỳ, hơn 15 nghìn chị được hỗ trợ đời sống qua các chính sách nội bộ của từng doanh nghiệp và từ nguồn lực công đoàn. Nhiều nơi tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng làm mẹ, tư vấn tâm lý, sinh hoạt văn hóa, thể thao, giúp nữ công nhân nâng cao nhận thức, cải thiện chất lượng cuộc sống. Từ đầu năm đến nay, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tổ chức khám sức khỏe cho hàng nghìn nữ đoàn viên, người lao động tại các doanh nghiệp. Hơn 160 nghìn lao động nữ được tặng quà với tổng số tiền gần 16 tỷ đồng nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.
Đồng hành trong công việc và cuộc sống
Lực lượng lao động nữ hiện chiếm hơn 60% tổng số công nhân tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh; có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của doanh nghiệp và kinh tế địa phương. Với vai trò, trách nhiệm của mình, các cấp công đoàn đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho lao động nữ, tạo nền tảng cho sự phát triển ổn định, bền vững. Lao động nữ chủ yếu làm việc trong các ngành nghề như may mặc, da giày, điện tử… đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì và cường độ lao động cao. Trong khi đó, nhiều chị đến từ các tỉnh xa hoặc ở vùng nông thôn, điều kiện sống và chăm sóc gia đình còn hạn chế. Do vậy, việc chăm lo đầy đủ cả về vật chất và tinh thần cho lao động nữ được nhiều doanh nghiệp coi trọng, quan tâm đến đời sống nữ công nhân không chỉ là trách nhiệm mà còn là chiến lược giữ chân lao động, tăng năng suất và giảm chi phí do phải thay thế nhân lực.
6 tháng đầu năm 2025, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tổ chức khám sức khỏe cho hàng nghìn nữ đoàn viên, người lao động tại các doanh nghiệp; tặng quà cho hơn 160 nghìn nữ đoàn viên với tổng trị giá gần 16 tỷ đồng. |
Chị Lê Thị Hạnh, Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất TMVI chia sẻ: "Công đoàn cơ sở đã chủ động phối hợp, tham mưu với ban giám đốc lựa chọn hình thức, nội dung hoạt động phù hợp tình hình thực tế. Cán bộ nữ công luôn gần gũi, chia sẻ tâm tư, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của từng người, phối hợp với chủ doanh nghiệp kịp thời giải quyết vấn đề phát sinh. Nhờ đó, các quy định về lao động đều được doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc. Quyền lợi về bảo hiểm, thai sản, khám sức khỏe định kỳ được bảo đảm. Doanh nghiệp giảm giờ làm, bố trí công việc phù hợp cho công nhân nữ vào cuối thai kỳ và thời gian nuôi con nhỏ".
Tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Luxshare-ICT ở Khu công nghiệp Vân Trung (thị xã Việt Yên) với khoảng 70% lao động nữ, công tác chăm lo đời sống công nhân được thực hiện đồng bộ. Doanh nghiệp đầu tư xây dựng ký túc xá khang trang, có nhà trẻ, nhà ăn, sân bóng, phòng sinh hoạt văn hóa giúp người lao động yên tâm gắn bó lâu dài. Chị Lò Thị Sinh, làm việc ở bộ phận lắp ráp linh kiện điện tử chia sẻ: “Tôi ở tỉnh Hà Giang, làm việc tại đây được gần 7 năm. Trước đây, tôi thuê phòng trọ ở ngoài lại nuôi con nhỏ nên rất vất vả. Từ khi Công ty có ký túc xá, tôi gửi con ở nhà trẻ, mọi sinh hoạt đều thuận lợi hơn, chi phí cũng giảm đáng kể giúp tôi có tích lũy về kinh tế. Công đoàn Công ty còn có nhiều chương trình dành riêng cho nữ công nhân nên chúng tôi được tiếp thêm động lực làm việc”.
Với những nỗ lực từ nhiều phía, doanh nghiệp Bắc Giang đang từng bước xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện, tích cực chăm lo và phát huy vai trò của lao động nữ trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa doanh nghiệp và địa phương cùng đi lên. Năm 2024, Công đoàn các cấp trong tỉnh đã tổ chức hơn 700 hoạt động tuyên truyền về chính sách pháp luật đối với lao động nữ, gần 200 cuộc đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động. Ngoài ra, các chương trình phúc lợi của công đoàn như: “Phiên chợ 0 đồng”, “Tết sum vầy”, hỗ trợ mái ấm công đoàn giúp đỡ nhiều lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Đồng chí Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: “Công tác nữ công cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong những năm tới. Các cấp công đoàn phối hợp với doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động như xây dựng các thiết chế phục vụ công nhân bao gồm nhà ở, nhà trẻ, khu sinh hoạt văn hóa. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về pháp luật lao động, bình đẳng giới, kỹ năng sống cho nữ đoàn viên, đặc biệt là lao động nữ trẻ, có con nhỏ. Mỗi công đoàn cơ sở trở thành điểm tựa thực sự vững chắc, nơi lắng nghe và đồng hành với chị em trong công việc và cuộc sống”.
Ý kiến bạn đọc (0)