Thêm yêu di sản
Hứng thú với các buổi dạy
3 năm gần đây, vào dịp hè, học sinh Trường Tiểu học và Trường THCS Lam Cốt (Tân Yên) được Nhà hát Chèo Bắc Giang trực tiếp truyền dạy các làn điệu chèo, quan họ. Địa điểm dạy thường là nhà văn hóa ở các thôn. Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Vân, Hiệu trưởng Trường THCS Lam Cốt cho biết: "Năm 2022 và 2023, Nhà hát Chèo Bắc Giang phối hợp với nhà trường tổ chức 2 lớp dạy hát chèo, quan họ cho học sinh từ khối 6 đến khối 8, mỗi lớp từ 12 đến 15 em. Đây là những học sinh có năng khiếu văn nghệ, yêu thích các môn nghệ thuật truyền thống. Để lan tỏa giá trị di sản, trong các buổi ngoại khóa, nhà trường thường xuyên chọn các tiết mục chèo, quan họ để các em biểu diễn, học sinh rất hứng thú".
Học sinh Trường THCS Tân Tiến (TP Bắc Giang) biểu diễn quan họ tại trường. |
Khi được truyền dạy, nhiều học sinh bậc tiểu học không những rất yêu thích mà còn tiến bộ rất nhanh, bộc lộ năng khiếu hát chèo, quan họ. Em Dương Ngọc Linh Đan, lớp 5B, Trường Tiểu học Lam Cốt chia sẻ: "Ban đầu học hát chèo, quan họ, cháu thấy khó vì có nhiều đoạn phải ngân nga, tông giọng liên tục thay đổi. Được các cô, chú của Nhà hát Chèo Bắc Giang hướng dẫn, giờ cháu đã thuộc và hát một số bài như: "Lới Lơ" (chèo), "Vào chùa", "Mời nước mời chầu" (quan họ). Cháu rất vui mỗi khi biểu diễn trước toàn trường".
Theo nghệ sĩ Đặng Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Bắc Giang, thực hiện Đề án "Phát triển Nhà hát Chèo Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", trong đó có nội dung truyền dạy hát chèo và lồng ghép quan họ cho học sinh, đơn vị đã triển khai tích cực. Nhà hát thường xuyên phối hợp với phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị xã, TP tổ chức truyền dạy hát chèo, quan họ, biểu diễn trích đoạn chèo miễn phí cho học sinh tiểu học và THCS, mỗi đợt truyền dạy khoảng 15 ngày, mỗi lớp từ 30-40 em.
Năm 2022 và 2023, Nhà hát truyền dạy cho học sinh các trường: THCS Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang), THCS Yên Lư, THCS Cảnh Thụy (Yên Dũng); Tiểu học, THCS Lam Cốt (Tân Yên). Năm 2024, đơn vị có kế hoạch tổ chức truyền dạy ở một số trường trên địa bàn huyện Tân Yên, Lục Ngạn và TP Bắc Giang. "Chúng tôi cử những nghệ sĩ có kinh nghiệm, kỹ thuật chuyên môn tốt để dạy. Qua các buổi học, học sinh rất hào hứng tham gia, nhiều em thể hiện tố chất về hát, diễn, nhất là kỹ thuật lấy hơi, phong cách diễn", nghệ sĩ Đặng Tiến Mạnh nói.
Cùng với Nhà hát Chèo Bắc Giang, Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Bắc Giang cũng thường xuyên phối hợp với nhiều trường học tổ chức các lớp dạy quan họ miễn phí cho học sinh tiểu học và THCS, mỗi đợt dạy kéo dài khoảng 1 tháng. Học sinh được tìm hiểu về nguồn gốc, xuất xứ, phục trang, cách hóa trang, học các bài quan họ lời cổ. Trung bình mỗi năm, đơn vị tổ chức dạy 4-5 lớp (mỗi lớp 40-50 học sinh). Đáng chú ý, việc học hát của các em được nhiều phụ huynh quan tâm, ủng hộ.
Nhiều hoạt động trải nghiệm ý nghĩa
Nhằm đưa di sản đến gần với học sinh hơn, các đơn vị trực thuộc Sở VHTTDL còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm, trình diễn di sản, thu hút đông đảo các em tham gia. Trong năm 2023, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang tổ chức gần 10 cuộc trưng bày, kết hợp hoạt động trải nghiệm về di sản. Trong đó có các cuộc trưng bày giới thiệu văn hóa, ẩm thực độc đáo, dân ca các dân tộc thiểu số; hiện vật, cổ vật.
Học sinh xem nghệ nhân người Cao Lan dệt vải và thêu tay tại Bảo tàng tỉnh. |
Cùng đó, học sinh được tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm dân tộc Cao Lan ở xã Lục Sơn (Lục Nam), thưởng thức điệu hát Tắc Xình của dân tộc Sán Chí, xã Lệ Viễn (Sơn Động); làm một số loại bánh vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Trước mỗi đợt trưng bày, đơn vị gửi công văn về các trường mời giáo viên và học sinh tham gia.
Mỗi đợt, Bảo tàng tỉnh trưng bày theo chuyên đề khác nhau, không trùng lặp với các hoạt động trước đó. "Năm 2024, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm như phục chế mộc bản có hoa văn (hình lá đề, hình đức Phật) cho học sinh in trên giấy, vải…, tổ chức trưng bày hiện vật ở một số địa phương, trường học trên địa bàn tỉnh", bà Phùng Thị Mai Anh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh nói.
Để di sản văn hóa ngày càng lan tỏa tới học sinh, các đơn vị tiếp tục bám sát vào văn bản của cấp trên, trong đó có Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030". Được biết, cuối năm 2023, Sở VHTTDL, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Giang đã ký chương trình phối hợp về các hoạt động VHTTDL trong trường học, giai đoạn 2023-2027.
Theo đó, Sở GD&ĐT đưa nội dung hát dân ca, gồm các loại hình mang đặc trưng văn hóa của Bắc Giang như hát chèo, quan họ, then, ca trù… vào Hội thi "Giai điệu tuổi hồng" thường kỳ (2 năm/lần). Chỉ đạo các đơn vị trường học tích hợp, lồng ghép hát dân ca vào giảng dạy ở Chương trình Giáo dục địa phương. Sở VHTTDL tiếp tục triển khai thực hiện dự án đưa nghệ thuật truyền thống vào trong các trường học, mỗi năm tổ chức truyền dạy từ 5-10 lớp học; biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật truyền thống cho học sinh tại các trường học từ 40-50 buổi.
Định kỳ 2 năm, chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT, Tỉnh đoàn xây dựng kế hoạch tổ chức Cuộc thi tìm hiểu di sản văn hóa dân tộc, lễ hội. Chỉ đạo Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, các khu, điểm di tích lịch sử - văn hóa làm tốt công tác đón tiếp, thuyết minh, hướng dẫn giáo viên, học sinh các trường học khi đến tham quan, học tập, trải nghiệm. Qua đó góp phần giáo dục lòng yêu nước, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của quê hương, đất nước.
Bài, ảnh: Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)