Thảo luận, làm rõ về công tác phòng, chống dịch, khôi phục sản xuất và thu gom, xử lý rác thải
Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh thay đổi phương pháp, cách thức thảo luận tại hội trường theo hướng không trình bày tham luận một chiều, thay vào đó là thảo luận, trao đổi hai chiều giữa đại biểu HĐND tỉnh, giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành, Chủ tịch UBND các huyện, TP có liên quan.
Chủ tọa kỳ họp điều hành phiên thảo luận tại hội trường. |
Phòng, chống dịch, tăng cường quản lý nhà trọ
Thảo luận về công tác phòng, chống dịch (PCD), ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo PCD Covid-19 tỉnh thông tin khái quát tình hình dịch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và cả nước. Đồng thời chia sẻ bài học kinh nghiệm trong công tác PCD. Trong đó nhấn mạnh tới vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội, các lực lượng, đặc biệt là sự đồng lòng, ủng hộ, chia sẻ, tham gia của người dân.
Ông Từ Quốc Hiệu thảo luận tại hội trường. |
Người đứng đầu ngành Y tế của tỉnh cũng trả lời câu hỏi của đại biểu về kịch bản ứng phó, PCD trong thời gian tới nếu như xảy ra đợt dịch thứ 5. Theo đó, Sở Y tế đã chuẩn bị tốt nguồn nhân lực trong việc lấy mẫu xét nghiệm, điều trị; phấn đấu tất cả nhân viên trong ngành Y tế đều biết lấy mẫu xét nghiệm. Các cấp đều chủ động lực lượng tại chỗ, bảo đảm về công tác hậu cần, cơ sở vật chất, vật tư đủ điều kiện, sẵn sàng kích hoạt các khu, điểm cách ly tập trung khi cần.
Liên quan đến công tác PCD cũng như khôi phục phát triển sản xuất, nhất là ở các khu công nghiệp (KCN) trong thời gian tới, đại diện Sở Công Thương, Ban Quản lý các KCN tỉnh thông tin: Tính đến ngày 31/7/2021, 100% doanh nghiệp (DN) trong các KCN đã hoạt động trở lại.
Ông Trần Quang Tấn phân tích các biện pháp nhằm khôi phục sản xuất. |
Dự báo đến hết năm 2021, các DN sẽ sử dụng hơn 170 nghìn lao động. Bắc Giang được đánh giá là điển hình trong thực hiện "mục tiêu kép" của cả nước. Thời gian tới, Sở Công Thương và Ban Quản lý các KCN tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục thực hiện phương án số 284, ngày 21/6/2021 của UBND tỉnh về hỗ trợ DN trong các KCN khôi phục sản xuất; chỉ đạo các DN thực hiện các biện pháp PCD gắn với sản xuất an toàn. Thực hiện nghiêm việc xét nghiệm cho công nhân trước khi đi làm, xét nghiệm tầm soát định kỳ theo quy định; kiên trì với mục tiêu nhà trọ an toàn của công nhân.
Liên quan đến PCD ở KCN, nhiều đại biểu thảo luận về quản lý nhà trọ ở KCN. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 3,8 nghìn gia đình có nhà cho thuê trọ với hơn 17 nghìn phòng trọ, tập trung chủ yếu tại địa bàn gần các KCN như các huyện Việt Yên, Yên Dũng và TP Bắc Giang.
Bà Phạm Thị Nhung, tổ đại biểu huyện Yên Dũng thảo luận về thực trạng nhà ở cho công nhân và quản lý nhà trọ quanh các khu, cụm công nghiệp. |
Qua rà soát có khoảng 45 nghìn công nhân tạm trú tại địa bàn huyện Việt Yên; khoảng 7,5 nghìn người tạm trú tại huyện Yên Dũng. Do phần lớn lao động thuê nhà trọ là công nhân ở các KCN, sinh sống trong khu dân cư, nhiều người làm khác công ty, KCN song ở cùng nhau nên khi dịch xảy ra, nguy cơ lây lan rất lớn. Nhiều đại biểu cho rằng, công tác quản lý hiện nay còn lỏng lẻo. Theo Ông Đặng Hồng Chiến, tổ đại biểu huyện Hiệp Hòa, thực trạng nhà trọ hình thành tự phát tập trung nhiều ở các KCN dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý do lao động đến từ nhiều tỉnh, TP trong cả nước, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự. Đại biểu đề nghị chính quyền, ngành chức năng xem xét, chấn chỉnh hoạt động của các nhà trọ, nhất là quản lý nơi cư trú; siết chặt quản lý các loại hình kinh doanh nhà nghỉ, quán karaoke...
Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý các KCN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND huyện Việt Yên, Công an tỉnh đưa ra nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh tới vai trò của chính quyền, ngành chức năng các địa phương từ việc cấp phép lưu trú, quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện, việc chấp hành các quy định về an ninh, trật tự, phòng, chống cháy nổ... Đồng thời tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình an ninh tự quản ở các khu nhà trọ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý lao động cư trú xung quanh các khu, cụm công nghiệp phục vụ PCD và bảo vệ an ninh cơ sở; giải quyết nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân...
Quan tâm công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải
Thảo luận tại hội trường về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn, nhiều đại biểu cho rằng, công tác này đã có kết quả tích cực, nhất là sau hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 27/02/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Bà Trần Thị Vượng, tổ đại biểu huyện Yên Thế nêu những hạn chế trong công tác thu gom, xử lý rác thải. |
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Vượng, tổ đại biểu huyện Yên Thế, vẫn còn 11,2% rác thải sinh hoạt phát sinh chưa được thu gom; còn tồn đọng các điểm phát sinh rác thải không đúng quy định chưa được giải quyết dứt điểm và nhiều tổ vệ sinh môi trường hoạt động không thường xuyên, không hiệu quả. Công tác thu giá dịch vụ tại các xã, thị trấn còn gặp nhiều khó khăn, mức thu thấp nên chưa thu hút được doanh nghiệp, nhà đầu tư; công cụ thu gom thô sơ, không bảo đảm vệ sinh; chưa thu hút được người lao động tham gia thu gom, xử lý rác thải.
Bà Đỗ Thị Hải Yến, tổ đại biểu huyện Tân Yên thảo luận về bất cập trong thu tiền dịch vụ vệ sinh môi trường. |
Đại biểu Đỗ Thị Hải Yến, tổ đại biểu huyện Tân Yên nêu thực trạng công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác chủ yếu do một vài cá nhân đứng ra nhận thu gom còn lại chủ yếu là các tổ vệ sinh môi trường và tổ tự quản của các tổ chức hội, đoàn thể đứng ra thu gom, vận chuyển, xử lý rác. Do đó, hiệu quả công tác này chưa cao...
Trước những ý kiến của các đại biểu, ông Đào Duy Trọng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, để giải quyết triệt để những tồn tại, hạn chế, thời gian tới, Sở tham mưu cho tỉnh chỉ đạo 100 % xã thành lập HTX, tổ vệ sinh môi trường chuyên trách thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt. Đây là lực lượng nòng cốt, hằng ngày thực hiện nhiệm vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Đối với các khu dân cư phân tán ở vùng sâu vùng xa hướng dẫn người dân tự xử lý rác thải tại hộ gia đình.
Ông Đào Duy Trọng trao đổi, làm rõ các kiến nghị của đại biểu. |
Từng bước hình thành các mô hình xã hội hóa đối với hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải, hoạt động chuyên nghiệp chịu trách nhiệm vận chuyển rác từ nơi phát sinh, các điểm tập kết, trung chuyển về khu xử lý tập trung. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ bố trí các điểm tập kết rác thải, khu thu gom rác thải tập trung tại 34 xã chưa có. Tập trung hoàn thiện việc thu hút đầu tư, xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy xử lý rác thải tập trung quy mô liên huyện tại TP Bắc Giang, huyện Hiệp Hòa và huyện Lục Nam.
Các huyện rà soát, tính toán kỹ phương án đầu tư lò đốt rác quy mô xã, liên xã tại địa phương bảo đảm tiến độ, mục tiêu, nhiệm vụ cấp thiết trước mắt. Kiên quyết không đầu tư lò đốt rác công nghệ lạc hậu, hiệu quả không cao (đặc biệt đối với các xã có kế hoạch xây dựng nông thôn mới). Nâng cao chất lượng các phong trào, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tích cực các phong trào vệ sinh môi trường, thực hiện việc phân loại rác ngay từ hộ gia đình.
Bảo vệ thành quả phòng, chống dịch, đẩy mạnh thu hút đầu tư
Phát biểu làm rõ hơn một số vấn đề liên quan đến thực hiện mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế năm 2021 của tỉnh mà các đại biểu quan tâm, đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tập trung cao cho 4 nhiệm vụ.
Đồng chí Mai Sơn phát biểu làm rõ một số nội dung về phát triển KT-XH mà đại biểu quan tâm. |
Trước hết, quyết tâm bảo vệ thành quả chống dịch Covid-19, ngăn chặn, không để bùng dịch trở lại trên địa bàn tỉnh. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và cấp bách hàng đầu. Về nội dung này, UBND tỉnh rút ra một số bài học chủ yếu để tiếp tục áp dụng. Đó là: Làm tốt công tác tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức khác nhau để nhân dân hiểu về tình hình, sự nguy hiểm của dịch bệnh để chấp hành nghiêm các quy định; chuyển nhanh trạng thái, chuẩn bị chu đáo cho tình huống xấu nhất để triển khai ngay phương án theo các cấp độ của dịch bệnh; thực hiện kỷ cương, kỷ luật nghiêm trong phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; nhạy bén, sáng tạo, bám sát thực tiễn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chống dịch.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. 6 tháng đầu năm nay, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh chậm hơn so mức bình quân chung của cả nước (cả nước đạt 29,02%, Bắc Giang đạt 23,5%). Để khắc phục, UBND tỉnh quyết tâm đến 30/9 giải ngân đạt 60% kế hoạch vốn được giao; đến 31/12 giải ngân hết 100% vốn chuyển nguồn và đến 31/1/2022 hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao năm 2021. Hiện nay, các ngành, địa phương đang tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn cho các công trình, dự án xây dựng cơ bản. UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án và giải ngân kế hoạch đầu tư công trong phạm vi dự toán được giao.
Tập trung thúc đẩy sản xuất công nghiệp bởi đây là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Đồng chí Mai Sơn nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu hiện nay là tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất công nghiệp. Cùng đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường. |
Đồng chí Mai Sơn cũng nêu 4 nhóm giải pháp UBND tỉnh sẽ tập trung triển khai gồm: Nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, đặc biệt là nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức - những người trực tiếp tiếp xúc giải quyết thủ tục hành chính, làm việc với công dân, doanh nghiệp; quyết liệt cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số phục vụ doanh nghiệp, rút ngắn thời gian giải quyết, loại bỏ yếu tố mà cán bộ, công chức còn gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên cơ sở công khai, minh bạch thông tin, nhất là về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, danh mục các dự án kêu gọi thu hút đầu tư, đấu giá tài sản...; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, nắm bắt kịp thời khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ nhà đầu tư.
Với các nội dung đại biểu thảo luận tại hội trường và những vấn đề cử tri kiến nghị, đồng chí Mai Sơn nhấn mạnh, UBND tỉnh sẽ luôn sâu sát, chỉ đạo các ngành, địa phương kiểm tra, đánh giá thực tiễn hoạt động KT - XH ở từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, kịp thời có giải pháp giải quyết triệt để các bất cập. Từ đó, tạo môi trường thông thoáng để tỉnh Bắc Giang ngày càng phát triển.
Tin, ảnh: Nhóm PVVX
Ý kiến bạn đọc (0)