Tháo gỡ vướng mắc trong trả lại tài sản thi hành án
Nhiều đương sự không đến nhận lại tài sản
![]() |
Đương sự không đến nhận lại tài sản, gây khó khăn trong công tác bảo quản ở các cơ quan thi hành án (Ảnh chụp tại Chi cục THADS TP Bắc Giang). |
Là địa bàn trung tâm, mỗi năm, Chi cục THADS TP Bắc Giang phải thực hiện hàng trăm việc xử lý vật chứng, trong đó có tới hơn 60% là những vật chứng có giá trị thấp hoặc hoàn trả lại số tiền nhỏ. Đối tượng hầu hết đang phải chấp hành án phạt tù tại các trại giam trong và ngoài tỉnh.
Trường hợp Quàng Văn Cường (SN 1986) ở xã Búng Lao, huyện Mường Ảng (Điện Biên) phạm tội buôn bán ma túy đang chấp hành án tại trại giam tỉnh Điện Biên là một ví dụ. Cường được hoàn trả lại chiếc xe máy cũ, trị giá vài trăm nghìn đồng. Hay như Triệu Văn C (SN 1981) ở xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) được hoàn trả chiếc điện thoại cũ, trị giá hơn trăm nghìn đồng.
Qua thống kê, mỗi năm, các cơ quan THADS của tỉnh thụ lý hơn 23 nghìn việc. Trong đó, số vụ việc có số tiền tạm ứng án phí, tài sản là vật chứng phải trả lại chiếm khoảng 30%, chủ yếu là ở các bản án hình sự, hôn nhân gia đình. |
Để hoàn trả tài sản là vật chứng, chấp hành viên phải trực tiếp đến trại giam gặp đối tượng để làm thủ tục ủy quyền nhận tài sản nên tốn kém về chi phí và thời gian đi lại. Với những đương sự chỉ là người liên quan, hoặc nhân chứng trong vụ án, cũng có nhiều trường hợp từ chối nhận lại tài sản, nhất là những người đang cư trú ở các tỉnh xa, điều kiện đi lại khó khăn.
Ông Đỗ Văn Ngà, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Việt Yên cho hay: Nhiều trường hợp bản án tuyên trả lại tiền, tài sản có giá trị nhỏ như: Tạm ứng án phí, điện thoại, chìa khóa... hầu như các đương sự không đến nhận. Chị Tống Thị C ở phường Võ Cường (TP Bắc Ninh) được hoàn trả tiền tạm ứng án phí 150 nghìn đồng.
Dù nhiều lần được cơ quan thi hành án thông báo đến nhận tiền nhưng chị C đều từ chối với lý do đang đi làm, nếu nghỉ thì số tiền trừ còn lớn hơn. Có trường hợp đương sự đã chuyển đi hoặc không xác định được địa chỉ, cơ quan chức năng báo gọi nhiều lần nhưng vẫn không đến nhận tiền, tài sản... dẫn đến việc tổ chức thi hành án bị kéo dài.
Cần quan tâm tháo gỡ
Theo bà Nguyễn Thị Lan, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh: Việc trả lại tiền, tài sản được thực hiện theo quy định tại Điều 126 Luật THADS. Theo đó, sau khi có quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ, chấp hành viên thông báo cho đương sự thời gian, địa điểm nhận lại. Hết thời hạn 15 ngày kể từ ngày được thông báo mà đương sự không đến thì chấp hành viên gửi số tiền đó theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn và thông báo cho đương sự.
Sau 3 tháng, đương sự vẫn không đến nhận thì cơ quan thi hành án thành lập hội đồng thẩm định giá, khi bán được tài sản sẽ thông báo lại cho đương sự đến nhận tiền. Nếu đương sự không đến nhận thì phải đợi 5 năm sau số tiền đó mới được làm thủ tục sung quỹ nhà nước.
Qua thống kê, mỗi năm, các cơ quan THADS của tỉnh thụ lý hơn 23 nghìn việc, trong đó số vụ việc có số tiền tạm ứng án phí, tài sản là vật chứng phải trả lại chiếm khoảng 30%, chủ yếu là bản án hình sự, hôn nhân gia đình. Trước thực tế trên, một số ý kiến đề xuất: Đối với những tài sản có giá trị nhỏ, đề nghị xem xét quy định thống nhất một phương án xử lý chung đối với loại tài sản này.
Ví dụ như: Giá trị tài sản dưới 1 triệu đồng thì TAND có thể tuyên tịch thu để sung công quỹ nhà nước hoặc tiêu hủy đối với tài sản đã quá cũ, không nên tuyên trả lại cho đương sự, nhất là với những bị cáo phải chịu hình phạt tù giam với thời gian chấp hành án phạt dài. Riêng đối với các vật chứng là các loại giấy tờ tùy thân cơ quan điều tra cân nhắc trường hợp những giấy tờ không liên quan đến vụ án thì có thể trả lại cho bị can ngay trong quá trình điều tra.
Ngoài ra, thời gian làm thủ tục sung công quỹ nhà nước cũng cần xem xét rút ngắn từ 5 năm xuống còn 3 năm. Bổ sung các phương thức trả lại tài sản linh hoạt đối với một số loại tài sản như: Gửi qua đường bưu điện, gửi trả người thân có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú… Có như vậy mới có thể khắc phục được những bất cập trong việc hoàn trả lại tiền, tài sản, góp phần nâng cao hiệu quả, chỉ tiêu về công tác thi hành án.
Tuệ An
Ý kiến bạn đọc (0)