Khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án
Quan tâm vận động, hòa giải
Theo quyết định THA ngày 3/1/2020, ông Cao Xuân H ở thôn Mia, xã An Hà phải trả cho ông Dương Quang C ở thôn Ngọc Sơn, xã Quang Thịnh 215 triệu đồng và lãi suất. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, ông H đã kéo dài thời gian, không trả ông C số tiền trên.
![]() |
Một buổi gặp gỡ đương sự của chấp hành viên Chi cục THADS huyện Lạng Giang. |
Để giải quyết dứt điểm vụ việc, ngày 15/9, cơ quan THADS huyện đã làm giấy mời, thông báo đến các bên liên quan về xác minh hiện trạng, trực tiếp đồng chí Chi cục trưởng tổ chức hòa giải, làm việc với hai bên nhằm khuyến khích các đương sự bàn bạc, thống nhất tự nguyện THA.
Bởi vậy, tại phiên hòa giải, chấp hành viên đưa ra các lý lẽ và phân tích thiệt hơn, đồng thời dành thời gian cho cả hai bên trình bày ý kiến cá nhân, đặt vấn đề để các bên suy nghĩ, bàn bạc tìm ra cách tháo gỡ, tạo điều kiện để đương sự tự nguyện THA. Sau khi cân nhắc thấy hợp tình, hợp lý, ông H đã thỏa thuận nhất trí trả cho ông C 170 triệu đồng, số còn lại cơ quan THA đình chỉ.
Hay như vụ việc vợ chồng ông bà Hoàng Thị V- Hoàng Lan H ở tổ dân phố Hoành Sơn, thị trấn Vôi. Theo quyết định THA, từ ngày 24/3/2015 ông bà V- H có trách nhiệm trả cho Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Lạng Giang hơn 200 triệu đồng. Giai đoạn đầu ông bà chấp hành nghiêm việc trả dần tiền song sau đó tự ý không trả nữa, buộc chấp hành viên phải tiếp tục đôn đốc đương sự. Sau nhiều lần vận động, tháng 6/2020 bà V đã tự nguyện thanh toán nốt số tiền hơn 38 triệu đồng, giúp cơ quan THA không phải tổ chức cưỡng chế theo kế hoạch.
Đây là hai trong số nhiều vụ việc THA phức tạp, kéo dài ở huyện Lạng Giang. Nhờ cơ quan THA quan tâm đôn đốc, vận động, thuyết phục, các đương sự đã tự nguyện thi hành, giúp cơ quan chức năng giảm thời gian xác minh, kê biên, bán đấu giá.
Năm 2020, cơ quan THADS huyện thụ lý hơn 1.490 việc, trong đó 1.255 việc có điều kiện thi hành, số còn lại chưa có điều kiện giải quyết. Đây chủ yếu là vụ việc vay nợ, một số liên quan đến tín dụng ngân hàng, tranh chấp dân sự với giá trị phải THA lớn nhưng tài sản kê biên chưa bán được hoặc những việc liên quan đến đương sự đang chấp hành án tù, không có tài sản để bảo đảm THA.
Chú trọng rà soát, phân loại án
Bà Nguyễn Thị Bốn, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Lạng Giang chia sẻ: "Để giải quyết hiệu quả các vụ việc, nhất là những án khó, án kéo dài, ngay từ đầu năm, đơn vị tập trung rà soát, phân loại án. Căn cứ danh sách đối tượng phải THA theo từng xã, thị trấn, đơn vị yêu cầu các chấp hành viên lập danh sách án còn phải thi hành ở từng nơi, phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, thuyết phục đương sự thực hiện nghĩa vụ của mình.
Đến hết tháng 8/2020, Chi cục THADS huyện Lạng Giang đã thi hành xong 1.035/1.255 việc có điều kiện giải quyết, đạt hơn 82% (vượt 2% so với chỉ tiêu); số tiền thi hành xong là hơn 38 tỷ đồng (vượt 12% chỉ tiêu giao). |
Với những án liên quan đến tín dụng ngân hàng, cơ quan chức năng kịp thời phối hợp với các ngân hàng làm việc với bên phải THA, động viên, thuyết phục, đồng thời đưa ra điều kiện thích hợp để đương sự tự nguyện thi hành.
Nếu cố ý lẩn tránh sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản. Đơn cử như vụ việc của ông bà Hà Thị T- Nguyễn Hữu D ở thôn Chi Lễ, xã Mỹ Thái và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (Phòng giao dịch huyện Lạng Giang).
Theo quyết định THA, ông D và bà T phải trả cho ngân hàng số tiền vay cả gốc và lãi là hơn 195 triệu đồng. Hết thời gian tự nguyện, ông bà không thực hiện, cơ quan THA phải xác minh tài sản. Chấp hành viên đã kê biên một phần đất để lấy tiền THA. Tuy nhiên khi đã bán được đất, ông bà T- D không chịu bàn giao lại cho người mua, buộc cơ quan THA phải cưỡng chế để giải quyết dứt điểm.
Xác định THADS là công việc phức tạp, đòi hỏi cán bộ, đặc biệt là chấp hành viên phải tinh thông nghiệp vụ, có kỹ năng xử lý tình huống một cách linh hoạt, đúng quy định nên đơn vị luôn tạo điều kiện để cán bộ nâng cao trình độ, kỹ năng.
Thời gian tới, Chi cục THADS huyện tiếp tục tập trung cao đối với những án lâu năm, kéo dài, những vụ việc phải xử lý tài sản là hộ gia đình không xác định rõ công sức đóng góp của các thành viên. Đối với số vụ việc đã kê biên đang xử lý tài sản, lãnh đạo Chi cục sẽ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhằm bảo đảm thực hiện đúng kế hoạch.
Tuệ An
Ý kiến bạn đọc (0)