Mở rộng gói tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp
BẮC GIANG - Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế lĩnh vực nông nghiệp, từ năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh (nay sáp nhập vào Ngân hàng Nhà nước khu vực 5) đã đề nghị các ngân hàng thương mại trên địa bàn triển khai chương trình tín dụng ưu đãi lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, kết quả triển khai gói tín dụng còn hạn chế.
Mở rộng phạm vi, đối tượng cho vay
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tập trung tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu đối với ngành Lâm sản và Thủy sản, tháng 7/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai gói tín dụng 10 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho khách hàng ở lĩnh vực này. Mục tiêu nhằm giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế địa phương.
![]() |
Cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Bố Hạ- Bắc Giang II nắm bắt tình hình sử dụng vốn vay của cơ sở chế biến lâm sản tại thị trấn Bố Hạ (Yên Thế). |
Vốn thực hiện chương trình bằng nguồn tự huy động của các ngân hàng. Các đối tượng được vay vốn là khách hàng có dự án, phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất bình quân cùng kỳ hạn của ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ.
Ngoài tham gia gói tín dụng ưu đãi 100 nghìn tỷ đồng, hệ thống tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tập trung thực hiện một số chương trình tín dụng khác ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với lãi suất ưu đãi. Đến ngày 31/3/2025, dư nợ cho vay ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tại tỉnh đạt hơn 16,4 nghìn tỷ đồng; tăng 3,9% so với cuối năm 2024, chiếm 13,2% so với tổng dư nợ tín dụng toàn tỉnh. |
Thực hiện chương trình, đã có 15 ngân hàng thương mại trên cả nước đăng ký tham gia chương trình với quy mô tín dụng ngày càng mở rộng, doanh số cho vay rất cao. Từ kết quả đạt được, ngày 15/4 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục có văn bản đề nghị các ngân hàng thương mại triển khai thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi trên theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia. Theo đó, đối tượng được vay vốn ưu đãi ngoài khách hàng sản xuất, kinh doanh lâm sản, thủy sản còn bổ sung thêm khách hàng lĩnh vực nông sản. Chương trình được triển khai đến khi quy mô gói tín dụng đạt 100 nghìn tỷ đồng.
Tại Bắc Giang, chương trình được Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh (nay đã sáp nhập về Ngân hàng Nhà nước khu vực 5) triển khai tới các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khu vực 5, Bắc Giang có 12 chi nhánh của các ngân hàng thương mại tham gia chương trình này. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên kết quả thực hiện chương trình còn hạn chế. Qua hơn 1 năm thực hiện, toàn tỉnh mới có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Bắc Giang II tích cực triển khai gói tín dụng 10 nghìn tỷ đồng, giúp nhiều khách hàng sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn
Sau hơn 1 năm triển khai gói tín dụng, tính đến ngày 31/3/2025, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Bắc Giang II đã cho hơn 300 lượt khách hàng vay vốn với doanh số giải ngân đạt hơn 1.000 tỷ đồng, dư nợ hiện tại còn gần 280 tỷ đồng. Các khách hàng vay chủ yếu đáp ứng nhu cầu phục vụ khai thác, thu mua, tiêu thụ, chế biến, bảo quản lâm sản…
Trong đó các chi nhánh của đơn vị cho vay nhiều là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Bố Hạ - Bắc Giang II cho 212 khách hàng vay vốn, doanh số giải ngân gần 325 tỷ đồng, dư nợ hiện tại là 101 tỷ đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Lạng Giang- Bắc Giang II cho 66 khách hàng vay 426 tỷ đồng, dư nợ hiện tại là 119 tỷ đồng... Điều này cho thấy Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Bắc Giang II đã hướng dòng vốn đến đúng địa bàn, đối tượng có nhu cầu.
Ông Lưu Thế Mạnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Bố Hạ- Bắc Giang II thông tin: “Đạt kết quả trên là do đơn vị đã quan tâm tuyên truyền, giới thiệu gói tín dụng tới khách hàng, nhất là các cơ sở sản xuất lâm sản. Đồng hành cùng khách hàng thiết lập hồ sơ cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bảo đảm giải ngân vốn vay kịp thời, sử dụng hiệu quả”.
Anh Nguyễn Xuân Thế, bản Đèo Cà, xã Đồng Hưu (Yên Thế) vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Bố Hạ- Bắc Giang II 6,8 tỷ đồng để phục vụ hoạt động chế biến gỗ cho biết: “Gia đình tôi được hưởng lãi suất ưu đãi hơn 6%/năm, thấp hơn mức lãi thông thường khoảng 2%. Nhờ có khoản vay ưu đãi này, gia đình trang bị thêm được nhiều máy móc, phương tiện phục vụ sản xuất hiệu quả, tiến tới mở rộng quy mô sản xuất”.
Ngoài Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Bắc Giang II, các chi nhánh ngân hàng thương mại khác trên địa bàn tỉnh tuy đã quan tâm triển khai gói tín dụng ưu đãi trên nhưng tiếp cận được rất ít khách hàng có nhu cầu. Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam- Chi nhánh Bắc Giang cho hay, cho vay phát triển nông, lâm, thủy sản là lĩnh vực đơn vị ưu tiên đầu tư vốn. Tuy nhiên, việc triển khai gói tín dụng này của Chi nhánh gặp khó khăn trong việc tiếp cận, kết nối với khách hàng có nhu cầu vay vốn. Vì đơn vị không thể tổ chức được các cuộc điều tra, khảo sát để nắm bắt được nhu cầu thực tế của khách hàng ở các khu vực, địa phương, nhất là ở những nơi ngành chế biến lâm sản phát triển mạnh, đơn vị lại chưa có phòng giao dịch như Yên Thế, Sơn Động...
Thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Môi trường, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 1 nghìn cơ sở kinh doanh, chế biến, bảo quản lâm sản (trong đó hơn 900 cơ sở là hộ gia đình, cá nhân); khoảng 860 hợp tác xã, tổ hợp tác và hơn 580 trang trại. Đáng chú ý, phần lớn các cơ sở chế biến gỗ, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại có công nghệ chế biến, sản xuất còn lạc hậu, mẫu mã sản phẩm đơn điệu do hạn chế về vốn đầu tư. Do đó, việc tiếp tục triển khai gói tín dụng ưu đãi 100 nghìn tỷ đồng lĩnh vực nông, lâm, thủy sản sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp, hộ gia đình tiếp cận vốn, mở rộng quy mô, trang bị thêm các máy móc, phương tiện hiện đại nâng chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh trạnh trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Song để gói tín dụng này đến đúng đối tượng khách hàng có nhu cầu thì Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và Môi trường, các đơn vị, chính quyền địa phương liên quan cần tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về gói tín dụng ưu đãi; rà soát, điều tra nắm bắt nhu cầu của từng khu vực, khách hàng cũng như các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại thực hiện tốt việc hỗ trợ tín dụng cho phát triển nông, lâm, thủy sản, bảo đảm mục tiêu chương trình đề ra.
Ý kiến bạn đọc (0)