Thận trọng với đồ nhựa dùng một lần
Ưa dùng vì rẻ, tiện dụng
Hiện nay, những sản phẩm nhựa dùng một lần như: Hộp xốp, bát, cốc, thìa, túi nilon... được người dân sử dụng tràn lan. Quán cơm bình dân, cháo dinh dưỡng, thức ăn đường phố, cửa hàng giải khát, siêu thị… là những địa điểm tiêu thụ lượng lớn các sản phẩm này mỗi ngày.
Các cửa hàng kinh doanh đồ ăn, uống sử dụng nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần. |
Thống kê mới đây cho thấy, bình quân mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng. Còn theo số liệu rà soát của Sở Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi ngày, toàn tỉnh thải ra hơn 10 tấn chất thải nhựa, chủ yếu là hộp nhựa, hộp xốp, ống hút, túi ni-lông.
Việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần đang trở thành thói quen của đa phần người dân bởi tính tiện dụng của nó. Chị Bùi Thị Đức, một chủ quán cơm bình dân ở thị trấn Nếnh (Việt Yên-Bắc Giang) chia sẻ: “Trước đây, khách hàng hay ăn luôn tại quán nên ít phải dùng nhiều đến đồ nhựa. Từ ngày có dịch bệnh, hầu hết mọi người đều mua mang về, mỗi ngày, tôi sử dụng cả trăm hộp xốp, cốc nhựa để đựng cơm, canh cho khách.
Tôi thấy dùng khá tiện vì có thể đóng sẵn cơm, rau, đồ ăn khô, nhất là khi khách đến đông, khách hàng cũng thích để như vậy bởi tiện vận chuyển, khi về chỉ cần mở nắp là có thể dùng luôn. Cũng thấy nhiều người bảo không tốt cho sức khỏe và môi trường nhưng nếu không có đồ nhựa, hộp xốp thì tôi chẳng có vật dụng nào khác để thay thế”.
Các loại đồ nhựa dùng một lần có giá bán khá rẻ, giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi phí. Chị Nguyễn Thị Bình, chủ một ki ốt bán đồ khô ở khu vực chợ Thương (TP Bắc Giang) nói: “Trước tôi chỉ bán gạo, mỳ, gia vị, các loại đỗ, lạc nhưng khoảng hai năm gần đây, nắm bắt nhu cầu thị trường nên tôi kinh doanh thêm các sản phẩm nhựa dùng một lần. Giá rẻ, mẫu mã lại đa dạng nên mặt hàng này bán rất chạy.
Từ đầu hè đến nay, do thời tiết nắng nóng, nhiều cơ sở bán đồ ăn, uống theo hình thức ship hàng nên các loại cốc, bát nhựa dùng một lần nhập đến đâu bán hết đến đó, thậm chí khách còn phải đặt cọc tiền mới có hàng về”. Được biết, hiện các loại bát đựng phở có giá từ 17-20 nghìn đồng/30 chiếc (tùy loại to, nhỏ); cốc nhựa có nắp giá chỉ 18 nghìn đồng/100 chiếc; chai nhựa đựng nước mía thì siêu rẻ với giá 100 nghìn đồng/bịch 200 chai.
Lựa chọn đúng loại, sử dụng đúng cách để bảo vệ sức khỏe
Chưa bàn đến mối nguy hại của đồ nhựa dùng một lần với môi trường nhưng rất nhiều người ưa dùng mặt hàng này mỗi ngày mà không quan tâm đến tác hại của nó đến sức khỏe.
Cuối tháng 3 vừa qua, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Environment International, do Tổ chức Quốc gia Hà Lan (nghiên cứu và phát triển y tế) và Tổ chức Common Seas (chuyên hành động giảm ô nhiễm rác nhựa) phối hợp thực hiện đã gây chú ý lớn và khiến nhiều người lo ngại.
Trong số 22 người khỏe mạnh được lấy mẫu, các nhà khoa học đã tìm thấy một lượng vi nhựa nhất định trong máu của 17 người. Qua phân tích, nghiên cứu xác định các hạt vi nhựa có kích thước siêu nhỏ (700 nanomet) và chứa 5 loại nhựa, chủ yếu được dùng trong các chai nhựa, hộp đựng thức ăn.
Nhiều người tiêu dùng có thể không biết về các mã số được in nổi dưới đáy sản phẩm. Các mã số từ 1-7 quy định loại nhựa và khả năng chịu nhiệt, thường được in bên trong một hình tam giác tạo bởi ba mũi tên nối đuôi nhau. Theo đó, loại nhựa an toàn thường có mã 1, 2, 4, 5; nên tránh các loại nhựa có mã 3, 6, nhất là mã số 7. |
Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Vũ Văn Bằng, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết, theo nhiều nghiên cứu khoa học, các hóa chất như BPA (có tác dụng làm cứng nhựa) và nitrat (thành phần giúp bảo quản thực phẩm lâu hơn) đều không an toàn, có khả năng gây các bệnh về tiêu hóa, hô hấp, rối loạn nội tiết, thậm chí ung thư.
Nếu đựng thực phẩm nóng ở nhiệt độ 100 độ C, hàm lượng monostyren (một loại chất độc) trong nhựa sẽ được giải phóng, ngấm vào thức ăn, gây tổn hại nghiêm trọng cho gan và có thể phát sinh nhiều bệnh nguy hiểm khác.
Khó có thể phủ nhận sự tiện dụng của các sản phẩm nhựa dùng một lần trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày nhưng để bảo vệ sức khỏe, mọi người cần lưu ý, thận trọng hơn khi lựa chọn mua và sử dụng. Nhiều người tiêu dùng có thể chưa biết đó là việc kiểm tra các mã số được in nổi dưới đáy sản phẩm. Các mã số từ 1-7 quy định loại nhựa và khả năng chịu nhiệt, thường được in bên trong một hình tam giác tạo bởi ba mũi tên nối đuôi nhau.
Theo đó, loại nhựa an toàn thường có mã 1, 2 ,4, 5; nên tránh các loại nhựa có mã 3, 6, nhất là mã số 7. Ngoài ra, cần cân nhắc kỹ với các sản phẩm nhựa không có nguồn gốc và không được phân loại rõ ràng. Các loại túi nhựa có màu sắc càng sặc sỡ thì độ độc hại càng lớn; khi hâm thức ăn bằng lò vi sóng, phải dùng các loại hộp, đồ nhựa chuyên dụng…
Thêm nữa, cũng theo bác sĩ Bằng, muốn sử dụng nhựa an toàn, người dùng tuyệt đối không tái sử dụng các loại bát, cốc, chai, đĩa nhựa dùng một lần. Bởi ở lần sử dụng tiếp theo, dưới tác động của nhiệt độ và môi trường, các chất trong đó sẽ bị phân hủy và ngấm vào thực phẩm, có thể gây hại cho sức khỏe.
Để hạn chế sử dụng, giảm thiểu các tác hại của sản phẩm nhựa, từ tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” với mục tiêu đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Hưởng ứng phong trào, nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh dùng chai thủy tinh thay thế chai nước nhựa dùng một lần ở các hội nghị; các tổ chức hội, đoàn thể nhân rộng mô hình thu gom, phân loại rác; phát làn, hộp nhựa cho phụ nữ đi chợ; ra quân vệ sinh môi trường...
Tuy nhiên, hiệu quả của những hoạt động này chưa rõ nét. Trước thực tế đó, chính quyền các địa phương, các hội, đoàn thể cần phối hợp đẩy mạnh truyền thông để mỗi người dân thay đổi từ nhận thức đến hành động. Trước hết, đó là sự hình thành thói quen trong sinh hoạt hằng ngày như: Dùng bình nước cá nhân thay cho nước đóng chai, cốc nhựa; sử dụng hộp cơm bằng các vật liệu an toàn thay vì hộp xốp, bát nhựa một lần...
Ngành chức năng có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các loại vật dụng thay thế đồ nhựa dùng một lần, bảo đảm về số lượng, mẫu mã, sự tiện ích và giá thành phù hợp để khuyến khích người dân sử dụng.
Bài, ảnh: Đỗ Quyên
Ý kiến bạn đọc (0)